Chuyện về cái cây cứu sống 8 người trong thảm họa

    Một cái cây khô thì không có gì lạ. Nhưng ở thành phố Kesennuma, tỉnh Miyagi lại có một cái cây vô cùng đặc biệt, bởi nhờ nó mà 8 cư dân đã may mắn sống sót trong thảm họa kép năm 2011.

    Người ta tin rằng cây du Nhật này đã được trồng tại Asahizaki – một khu đất dốc nhô ra Thái Bình Dương sau trận động đất Sanriku năm 1896. Trận động đất xảy ra ở ven biển đã kéo theo hai đợt sóng thần lớn tàn phá hàng nghìn ngôi nhà ở vùng Tohoku, khiến hơn 20.000 người thiệt mạng.

    Mặc dù không ai biết chiều cao và tuổi chính xác của cây du nói trên, nhưng đối với người dân địa phương, sự tồn tại của nó mang một ý nghĩa đặc biệt: một "người bảo vệ" cho cư dân. Và niềm tin này xuất phát từ câu chuyện dưới đây.

    dong-dat-nhat-ban
    Ảnh: Kyodo News

    Vào ngày 11/03/2011, một cơn sóng thần cao hơn 10m đã nhấn chìm ngôi làng sau khi trận động đất mạnh 9 độ richter tàn phá khu vực. Theo số liệu từ Cơ quan Cảnh sát Quốc gia, 15.900 người đã thiệt mạng trong khi 2.523 người khác mất tích trong thảm họa động đất và sóng thần Tohoku này.

    Lúc đó, tám dân làng sơ tán đến khu dốc Asahizaki đã có thể thoát khỏi cơn sóng thần đang truy đuổi mình nhờ một sự may mắn thần kỳ: một chiếc thang trùng hợp trôi ngang qua vị trí của họ. Những người này đã dùng chiếc thang để trèo lên cây du, nhờ vậy mà thoát chết trong gang tấc. Chính phép màu trên đã khiến cây du trở nên nổi tiếng với cộng đồng địa phương.

    Vài năm sau, cây dần khô héo do nhiễm mặn. Bà Keiko Onodera, một cư dân có cha không may qua đời trong thảm họa, đã biết được điều này và quyết định viết một câu chuyện về cái cây anh hùng trước khi quá muộn.

    tham-hoa-kep-2011
    Câu chuyện về cây du trong thảm họa năm 2011 được kể lại bởi một người dân địa phương. Ảnh: Kyodo News

    Bà bắt đầu đặt bút viết những dòng đầu tiên của câu chuyện mang tựa đề "Keyaki no Omoi" (tạm dịch: Suy nghĩ của cây du) vào mùa đông năm 2020, và hoàn thành nó trong ba tháng. “Tôi muốn ghi lại hình dáng của cái cây trước khi nó biến mất”, bà chia sẻ với Kyodo News.

    Trong truyện, cái cây được nhân hóa để kể câu chuyện về cơn sóng thần đang đến gần và vai trò cứu hộ của nó với dân làng. Zelkova, tên của cây du trong truyện, nói rằng: “Tôi đã ước không ai trong số những người đang bám vào mình rơi xuống”.

    Câu chuyện của Onodera được tạo ra với mong muốn chạm đến trái tim của những cư dân vẫn đang ngày ngày vật lộn với việc mất đi gia đình, bạn bè trong thảm họa khủng khiếp cách đây 13 năm.

    Vào tháng 5 năm 2023, bà Onodera bắt đầu nghĩ cách để truyền đạt câu chuyện này cho những đứa trẻ sinh ra sau thảm họa. Thật trùng hợp, bà tình cờ gặp Misato Kikuta - cô sinh viên năm cuối tại Đại học Nghệ thuật và Thiết kế Tohoku, và cũng là một cư dân địa phương. Cô chính là cháu gái của một trong tám người đã trèo lên cây du và thoát chết năm đó.

    Sinh ra và lớn lên ở Kesennuma, khi Kikuta lên chín, ngôi nhà của gia đình cô ở gần cây du đã bị sóng thần phá hủy hoàn toàn. Vì thế Kikuta sẵn sàng chấp nhận lời đề nghị để vẽ minh họa cho câu chuyện. “Tôi muốn đóng góp tất cả những gì có thể”, cô nói.

    cau-chuyen
    Bà Onodera (trái) và nữ sinh viên Kikuta (phải) cùng hợp sức trong dự án vẽ minh họa cho câu chuyện về cây du. Ảnh: Kyodo News

    Kikuta vẽ một loạt các bức ký họa trong khi hồi tưởng lại trải nghiệm của ông bà mình và khung cảnh nơi cô sống trước khi thảm họa xảy ra. Tranh minh họa của cô, bảy trong số đó được tô màu, mô tả cảnh tám người tụ tập dưới gốc cây cùng với những hình ảnh khác.

    Các bức vẽ đã được ra mắt tại buổi kể chuyện do Onodera tổ chức vào cuối tháng 10, nơi bà đọc câu chuyện của mình trước các học sinh tiểu học ở Kesennuma, tất cả đều chăm chú lắng nghe.

    ve-minh-hoa

    tranh-ve
    Hai trong số các bức minh họa của Kikuta. Ảnh: Kyodo News

    Kikuta cho biết ban đầu đã lo sợ những người thân của mình sẽ nhớ lại ký ức đau buồn khi xưa, nhưng họ đều hài lòng với những bức tranh minh họa của cô.

    Onodera và Kikuta dự định sẽ đăng buổi kể chuyện với các hình minh họa lên YouTube, đồng thời có kế hoạch bổ sung thêm 8 bức vẽ nữa cho tác phẩm vào cuối tháng 3 năm nay.

    Onodera nói: “Chúng tôi muốn tiếp tục kể câu chuyện không chỉ về những nạn nhân đã qua đời, mà cả câu chuyện của những người sống sót sau thảm họa và hành động của người dân quê hương mình đến mọi người, bất kể lứa tuổi”.

    kilala.vn

    Nguồn: Kyodo News

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!