Chim sẻ có nguy cơ tuyệt chủng tại Nhật Bản
Nguyên nhân được các chuyên gia đưa ra là do sự suy giảm của các khu vực Satoyama.
Dự án được Bộ Môi trường thực hiện với sự giúp đỡ của các tình nguyện viên trên khắp cả nước để theo dõi sự thay đổi hệ sinh thái tại 1.000 địa điểm kể từ năm 2003 – 2022 (theo báo cáo mới nhất).
Những phát hiện trên được đưa ra sau khi nhóm bảo tồn tiến hành quan sát tình trạng của động thực vật ở từng Satoyama trên khắp nước Nhật. Satoyama là một phần của các khu vực được gọi là "satochi-satoyama", nằm giữa thiên nhiên nguyên sơ và các khu đô thị, bao gồm đất nông nghiệp, ao tưới tiêu, rừng thứ sinh và đồng cỏ, tạo ra không gian cho người dân sinh sống.
Cụ thể hơn, quần thể chim sẻ giảm với tốc độ hàng năm là 3,6%; quần thể chim chìa vôi (một loài bản địa của Nhật Bản) giảm 8,6%. Bên cạnh đó, tốc độ suy giảm quần thể bướm hoàng đế tím tăng đáng kể ở mức 10,4% mỗi năm. Tóm lại, các loài thường sinh sống ở môi trường như đất nông nghiệp đang giảm dần.
Theo Bộ, hiện tượng này dường như là do sự nóng lên toàn cầu cùng sự thu hẹp của Satoyama, khiến những khu vực này không còn là môi trường sống phù hợp cho những loài trên.
Tác động của suy thoái môi trường, như sự thu hẹp của vùng đất ngập nước cũng được báo cáo là nghiêm trọng. Quần thể chim dẽ giun, chim choi choi và các loài chim khác sinh sống ở vùng đất ngập nước nội địa và vùng ven biển đã giảm một nửa trong thập kỷ qua, số lượng chim mòng biển cũng giảm mạnh ở các vùng đảo.
Để ứng phó với những phát hiện trên, Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Nhật Bản đã đưa ra khuyến nghị kêu gọi tăng cường các hệ thống giám sát để phục hồi đa dạng sinh học và tăng cường hỗ trợ từ cả khu vực công, tư nhân để thúc đẩy bảo tồn môi trường trong cộng đồng.
Xem thêm: Satoyama - Khi người Nhật sống hòa hợp với thiên nhiên
kilala.vn
Nguồn: Mainichi
Đăng nhập tài khoản để bình luận