82.000 chữ ký phản đối luật phá thai ở Nhật
Vào ngày 27/06 vừa qua, các học giả và nữ hộ sinh tại Nhật đã trình lên Bộ Y tế bản kiến nghị yêu cầu hủy bỏ điều luật buộc phụ nữ mang thai phải có sự đồng ý của đối tác (người yêu hoặc chồng) mới được phá thai.
bản kiến nghị do tổ chức mang tên “Hành động vì phá thai an toàn Nhật Bản” (Action for Safe Abortion Japan) phát động đã thu thập được tổng cộng khoảng 82.000 chữ ký. Tổ chức lập luận rằng, điều luật trên trong Luật sức khỏe bà mẹ đã cướp đi quyền quyết định về chính cơ thể mình của người phụ nữ.
Điều luật gây tranh cãi này quy định phụ nữ chỉ có thể phá thai khi gặp trở ngại về sức khỏe hay tài chính để tiếp tục mang thai/sinh con, hoặc khi mang thai là kết quả của việc bị cưỡng hiếp, cùng một số trường hợp nhất định khác. Nếu phụ nữ mang thai thỏa một trong các điều kiện trên, bác sĩ của họ phải được sự đồng ý của cô cùng người phối ngẫu, bao gồm cả người kết hôn nhưng không đăng ký, mới được phép phá thai.
Hiện nay, chỉ có khoảng 10 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Nhật Bản, yêu cầu phải có sự đồng ý của người phối ngẫu thì phụ nữ mang thai mới được phá thai. Trước đó, Ủy ban Liên Hợp Quốc về xóa bỏ phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW) đã từng đề nghị Nhật nên bỏ điều luật này ra khỏi Luật sức khỏe bà mẹ, nhưng Chính phủ Nhật Bản vẫn chưa đưa vấn đề ra thảo luận sâu.
Thêm vào đó, trong phiên họp Quốc hội Nhật Bản vào tháng 05/2022, một công chức thuộc Bộ Y tế cho biết, theo nguyên tắc chung, phụ nữ mang thai phải được sự đồng ý của người phối ngẫu mới được phép uống thuốc phá thai theo Luật sức khỏe bà mẹ. Mặc dù thuốc phá thai đã được sử dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng hiện tại, Bộ Y tế Nhật Bản vẫn đang xem xét có nên chấp nhận nó tại nước này hay không.
Phát ngôn trên đã gây ra nhiều phản ứng gay gắt trên mạng xã hội Nhật Bản, nhiều người đặt câu hỏi tại sao phụ nữ không được phép tự quyết định ngay cả đến việc dùng thuốc.
Kumi Tsukahara, một thành viên của tổ chức Action for Safe Abortion Japan, giảng viên thỉnh giảng môn giáo dục giới tính tại Đại học Kanazawa bày tỏ: “Phụ nữ phải có quyền phá thai an toàn. Thật sai trái khi phụ nữ không thể đưa ra quyết định liên quan đến chính cơ thể của họ”.
Bà Kumi cho biết một công chức thuộc Bộ Y tế đã phản hồi lại bản kiến nghị của tổ chức rằng: “Công chúng cũng có khá nhiều ý kiến khác nhau cho vấn đề này”.
Các tổ chức khác cũng bày tỏ lo ngại đối với điều luật trên. Kaori Nakajima, nữ hộ sinh và giám đốc đại diện của tổ chức phi chính phủ Piccolare nhấn mạnh rằng không phải tất cả phụ nữ mang thai đều có mối quan hệ tốt với đối tác. Kaori nói thêm: “Tôi mong muốn Chính phủ xem xét các trường hợp mà phụ nữ mang thai và đối tác của họ có quan điểm khác nhau, hoặc đối tác không sẵn sàng ký vào đơn đồng ý phá thai”.
kilala.vn
29/06/2022
Bài: Rin
Nguồn: Asahi
Đăng nhập tài khoản để bình luận