Những câu thành ngữ tiếng Nhật liên quan đến mèo và chó

    Được mệnh danh là quốc gia “cuồng” mèo, trong kho tàng thành ngữ, tục ngữ Nhật Bản có rất nhiều câu mượn hình tượng loài vật này để truyền tải các triết lý sống. Cùng với mèo, con vật được yêu mến thứ hai là chó cũng không hề tỏ ra kém cạnh.

    Thành ngữ tiếng Nhật liên quan đến loài mèo 

    Từ những đặc tính khác biệt của loài mèo (猫 - Neko) như mê ăn cá hay vẻ ngoài lặng lẽ, "vô tội" của chúng, nhiều câu thành ngữ tiếng Nhật đã được ra đời. 

    猫に小判 - Neko ni koban 

    Koban là đồng xu bằng vàng được người Nhật sử dụng trong thời Edo (1603 – 1868). Do vậy, thành ngữ “Neko ni koban” (Con mèo mà vớ đồng vàng) ngụ ý rằng trao vật quý giá cho người không trân trọng, không hiểu được giá trị của vật đó thì chẳng được lợi gì, chỉ là lãng phí như cho mèo đồng xu bằng vàng vậy. Trong tiếng Việt cũng có câu thành ngữ tương tự là “Đàn gảy tai trâu”. 

    thành ngữ neko ni koban
    Thành ngữ "Neko ni Koban". Ảnh: ac-illust.com

    猫に鰹節 - Neko ni katsuobushi 

    Katsuobushi trong câu thành ngữ trên là món cá ngừ khô, hương vị chủ đạo trong các món ăn truyền thống của người Nhật. Chúng được bảo thành sợi mỏng như giấy rắc lên bánh bạch tuộc nướng Takoyaki, bánh xèo Nhật Okonomiyaki hoặc để nấu nước dùng Dashi.

    Thành ngữ “Neko ni katsobushi” nghĩa đen là “Đặt Katsuobushi cạnh bên con mèo”. Rõ ràng, việc để một món cá hấp dẫn như vậy bên cạnh loài mèo vốn thích ăn cá quả thật là nguy hiểm. Do vậy, câu thành ngữ này dùng để chỉ một tình huống nguy hiểm hoặc cần phải cảnh giác cao độ. Trong tiếng Việt, “Mỡ để miệng mèo” cũng có nghĩa tương tự. 

    猫の手も借りたい - Neko no te mo karitai

    Câu thành ngữ “Neko no te mo karitai” nghĩa đen là “muốn mượn cả tay của mèo" (dù biết rằng "boss" này có thể chẳng giúp được gì), ám chỉ sự bận rộn của một người. 

    thành ngữ Neko no te mo karitai
    Thành ngữ "Neko no te mo karitai”. Ảnh: nihongokyoshi-net.com

    猫の額 - Neko no hitai 

    Câu này có nghĩa là “Trán của con mèo” ("額 - Hitai" có nghĩa là "trán"), được sử dụng để chỉ một thứ gì nhỏ xíu, bé tẹo, chật hẹp. Chẳng hạn một khu vườn hoặc một mảnh đất to bằng trán con mèo nghĩa là diện tích của nó rất nhỏ. 

    猫をかぶる - Neko wo kaburu

    “Neko wo Kaburu” với động từ “Kaburu – かぶる” là "đội", mang nghĩa “đội lốt mèo”, tức hành động giả vờ im lặng và vô hại nhằm che giấu đi bản chất thật sự của mình. Chính vì vậy, câu thành ngữ này thường dùng để mô tả việc giả vờ vô tội, cũng có thể hiểu là thảo mai hay giả nai. 

    thành ngữ Neko wo kaburu
    Thành ngữ "Neko wo kaburu". Ảnh: ac-illust.com

    猫も杓子も - Neko mo shakushi mo

    Trong câu thành ngữ trên, “杓子 – Shakushi” có nghĩa là cái môi múc canh. Như vậy, nghĩa đen của câu là “cả mèo, cả môi”, ám chỉ “tất cả mọi người, tất cả mọi thứ, hoặc bất kỳ thứ gì, bất kỳ ai không có sự phân biệt". 

    Thành ngữ tiếng Nhật liên quan đến loài chó

    Ở các thành ngữ về loài khuyển (犬 - Inu), người Nhật lại thường mô tả các tình huống liên quan đến cãi vã hoặc diễn tả hai mặt của một vấn đề. 

    犬猿の仲 - Ken-en no naka

    “犬猿 – Ken-en” được ghép từ hai chữ "Khuyển" (chó) và "Viên" (khỉ),  còn “仲 – Naka” mang nghĩa là “mối quan hệ”. Từ đó, câu thành ngữ này dùng để chỉ một mối quan hệ mà cả hai không ưa nhau cho lắm và thường được so sánh là "ghét nhau như chó với khỉ". Soi chiếu qua tiếng Việt, cũng có câu tương tự là “Ghét nhau như chó với mèo”.

    thành ngữ Kenen no naka
    Thành ngữ "Kenen no naka". Ảnh: woman.mynavi.jp

    犬の遠吠え — Inu no tooboe

    Từ “遠吠え – Tooboe” có nghĩa là “tiếng hú, tiếng sủa (từ xa)”. Cả câu thành ngữ dùng để diễn tả ai đó nói xấu người khác sau lưng, hèn nhát và không dám đến gần để giải quyết vấn đề trực tiếp, được ví như "tiếng chó sủa từ xa". 

    夫婦喧嘩は犬も食わない — Fuufu genka wa inu mo kuwanai

    “夫婦 – Fuufu” (vợ chồng), “喧嘩 – Genka” (cãi vã) và “食わない – Kuwanai” là thể phủ định của động từ “食う – Kuu – Đớp, xơi”. Nghĩa đen của cả câu là "Đến chó cũng không thèm ăn những cuộc cãi vã của vợ chồng" (bởi chó được biết đến là loài động vật không kén chọn, cái gì cũng ăn).

    Thông thường, các cuộc cãi vã giữa vợ chồng bắt nguồn từ những điều nhỏ bé đến mức người ngoài khó mà hiểu được nhưng lại được giải quyết nhanh chóng sau đó. Do vậy, câu thành ngữ này khuyên mọi người không nên can thiệp vào những tranh cãi như vậy. 

    飼い犬に手を噛まれる — Kaiinu ni te wo kamareru 

    Trong câu thành ngữ này, “飼い犬 – Kaiinu” có nghĩa là “chó mình nuôi” còn “手を噛まれる – Te wo kamareru” nghĩa là “bị cắn vào tay”. 

    thành ngữ Kaiinu ni te wo kamareru
    Thành ngữ "Kaiinu ni te o kamareru". Ảnh: nihongokyoshi-net.com

    Chó luôn được xem là vật nuôi trung thành, cho nên "bị chó mình nuôi cắn vào tay" thì cả câu thành ngữ ám chỉ sự phản bội của một cấp dưới mà mình tin tưởng. 

    犬が西向きゃ尾は東 — Inu ga nishimukya o wa higashi 

    “Nếu đầu chú chó hướng về phía Tây thì đuôi của chúng ở hướng Đông”, câu thành ngữ này chỉ một việc gì đó là hiển nhiên. 

    犬も歩けば棒に当たる — Inu mo arukeba bou ni ataru

    Nghĩa đen là “Nếu một chú chó đi dạo thì cũng có thể đụng trúng cây gậy”. Câu thành ngữ xưa cũ này có đến hai cách hiểu.

    Nghĩa đầu tiên là cảnh báo nếu bước tiếp lên phía trước thì có thể gặp nguy hiểm. Còn ở nét nghĩa tích cực hơn, cây gậy vốn là món đồ chơi yêu thích được chó gặm mang theo, do đó câu này khuyên chúng ta tốt hơn hết là nên hành động thay vì chẳng làm gì cả, bởi nó có thể dẫn đến phần thưởng, may mắn nào đó bất ngờ.

    kilala.vn

    07/09/2022

    Bài: Rin
    Nguồn: Nippon

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!