Học tiếng Nhật qua những từ vựng về mùa xuân
Sau những ngày đông lạnh giá, thiên nhiên bừng tỉnh và mang đến một mùa xuân ngập tràn sức sống. Ở Nhật Bản, mùa xuân đặc biệt thu hút nhiều khách du lịch, mang sự sống động trở lại trên đường phố. Mùa xuân xứ Phù Tang cũng đến với tất cả những điều tuyệt vời nhất: các món ăn, thức uống đặc trưng, muôn loài hoa khoe sắc và những khởi đầu mới cho các bạn sinh viên, người đi làm.
Trong tiếng Nhật có những từ vựng nào mô tả các hiện tượng và sự kiện đặc biệt vào mùa xuân? Hãy cùng Kilala ghi nhớ những từ tiếng Nhật theo mùa thú vị nhất về mùa xuân nhé!
桜 - Sakura
Biểu tượng nổi tiếng nhất của mùa xuân Nhật Bản có lẽ là hoa anh đào, được gọi là Sakura (桜) trong tiếng Nhật. Thời điểm những bông hoa anh đào đầu tiên bắt đầu nở sau khi hoa mơ Ume cuối mùa đông tàn, người ta biết rằng mùa xuân cuối cùng cũng đã đến.
Vẻ đẹp của hoa anh đào chính là động lực để người dân Nhật Bản rời khỏi ngôi nhà ấm áp và ra ngoài tận hưởng chuyến dã ngoại đầu tiên trong năm. Tuy nhiên, vì vẻ đẹp ấy chỉ tồn tại thoáng qua trong vỏn vẹn 7-12 ngày, càng khiến cho người ta trân trọng và tranh thủ tận hưởng.
Xem thêm: Dưới bóng hoa anh đào
春色 – Haruiro
“春色 – Haruiro” có nghĩa là “màu xuân”, “sắc xuân”, được dùng để mô tả màu sắc rực rỡ mà mùa xuân mang lại sau đông dài úa tàn. Tất nhiên, “haruiro” là màu hồng nhạt của những cánh hoa anh đào, cũng là màu xanh tươi mát của những chiếc lá mới nhú, màu hồng đậm của hoa đỗ quyên và màu tím của hoa tử đằng xinh đẹp. Ngoài ra, khi “春色” được đọc là "shunshoku", từ này sẽ dùng để chỉ phong cảnh mùa xuân.
Nếu thực sự muốn đắm mình trong sắc xuân của xứ Phù Tang, địa điểm lý tưởng nhất là những công viên hoa Nhật Bản.
花見 - Hanami
Là một từ ghép được tạo thành bởi “花 - hana” (hoa) và “見 - mi” (ngắm, xem, nhìn), “hanami” có nghĩa là ngắm hoa hay thưởng hoa, và loài hoa được nói đến chính là anh đào.
“Hanami” là một hoạt động truyền thống được nhiều người Nhật háo hức mong chờ trong những tuần trước khi hoa nở rộ. Mọi người thường tụ họp với đồng nghiệp, bạn bè và gia đình, cùng ăn uống khi ngồi dưới những tán anh đào rực rỡ, nên thơ.
春分 – Shunbun
“春分 – Shunbun” là Xuân Phân, một trong hai mươi tư tiết khí trong nông lịch và tiết khí này bắt đầu từ điểm giữa mùa xuân, chính thức đánh dấu mùa xuân trên toàn bộ bắc bán cầu của thế giới.
Theo quy ước, tiết Xuân Phân là khoảng thời gian bắt đầu từ 21 tháng 3 và kết thúc vào khoảng ngày 4 hay 5 tháng 4 trong lịch Gregory (Tây Lịch) theo các múi giờ Đông Á.
Tại Nhật Bản ngày Xuân phân “春分の日 – Shunbun no hi” là ngày lễ chính thức của quốc gia, được một số gia đình chọn làm ngày viếng mộ tổ tiên để cầu nguyện. Đây cũng là cơ hội để gia đình gặp lại nhau sau những ngày bận rộn.
桜吹雪 - Sakura fubuki
Có lẽ cảnh “những cánh hoa anh đào tung bay trong gió” là một trong những khung hình thường xuất hiện nhất trong các bộ phim Nhật Bản. Đó cũng là hiện tượng đẹp nhất của mùa hoa anh đào, được biết đến trong tiếng Nhật với tên gọi “桜吹雪 - sakura fubuki”.
Khi những cánh hoa anh đào cùng rụng rơi trong khoảnh khắc, tạo nên “cơn bão cánh hoa”, đó cũng là màn “chào kết” tuyệt vời của vẻ đẹp tự nhiên.
春風 - Harukaze
Nhật Bản là một quốc đảo nên mùa đông ở xứ sở này thường có gió mạnh và băng giá. Mặc dù có một số hoạt động rất thú vị mà bạn chỉ có thể thực hiện vào mùa đông, nhưng hầu hết mọi người không thực sự thích những cơn gió đông.
Vì vậy, thật nhẹ nhõm biết bao khi gió bắt đầu dịu đi và hương thơm tươi mát của mùa xuân đến cùng với làn gió nhẹ nhàng hơn. Trong tiếng Nhật, gió xuân được gọi là “春風 – harukaze”, cơn gió mà mọi người đều mong chờ sau một mùa đông giá lạnh.
春一番 - Haru Ichiban
Khi thời tiết chuyển mùa từ đông sang xuân, không khí lạnh phía bắc sẽ nhường chỗ cho những đợt gió ấm từ phía nam. Để nói về những cơn gió nam đầu tiên của mùa xuân, báo hiệu những ngày ấm áp hơn sắp đến, người Nhật sử dụng cụm từ “春一番 - haru ichiban”.
花粉症 – Kafunsho
Mặc dù mùa xuân đến với nhựa sống chảy tràn tạo nên không khí vui tươi, rộn ràng khắp mọi nơi, nhưng cũng mang đến những điều phiền toái, khiến không ít người phải phổ sở: dị ứng phấn hoa.
Trong tiếng Nhật, chứng dị ứng phấn hoa được gọi là “花粉症 – kafunsho”. Tại Nhật Bản, khoảng 20% dân số mắc phải “kafunsho” do có quá nhiều phấn hoa của cây tuyết tùng Nhật Bản (杉 - sugi) và cây bách trong không khí.
五月病 - Gogatsu byou
Theo truyền thống, ngày 1 tháng 4 đánh dấu sự khởi đầu của một năm học mới cũng như sự khởi đầu của năm tài chính và năm làm việc. Do đó, nhiều người trẻ tuổi bắt đầu cuộc sống học tập và làm việc vào ngày này.
Tuy nhiên, khi bắt đầu một điều gì đó không chỉ có sự hứng khởi mà với nhiều người đôi lúc còn kèm theo cả những căng thẳng và lo lắng. Sự căng thẳng và lo lắng này thường chỉ bắt đầu xuất hiện khoảng một tháng sau khi tất cả phấn khích và kích thích ban đầu qua đi.
Cụm từ “五月病 – gogatsu byou” (tạm dịch: Bệnh tháng Năm) được người Nhật dùng để mô tả hiện tượng này, gọi là “chứng bệnh không thích nghi với môi trường mới”. Hiện tượng này có thể nhìn thấy ở những học sinh mới nhập học hoặc nhân viên mới vào công ty từ tháng 4 và đã trải qua 1 tháng ở môi trường mới.
Sở dĩ gọi là “Bệnh tháng Năm” bởi vì tại Nhật Bản, tháng 5 đến cũng là lúc kỳ nghỉ “Golden Week – Tuần lễ Vàng” (kéo dài từ 29/4 đến 5/5 hàng năm) kết thúc, khiến nhiều người cảm thấy khó chịu, thiếu năng lượng và cần được làm mới mình.
葉桜 - Hazakura
Là từ được ghép bởi “葉 – ha” (lá cây) với “桜 – sakura” (anh đào), “葉桜 – hazakura” có nghĩa đen là “lá anh đào”. Trên thực tế, thuật ngữ này đề cập đến thời gian từ khi những cánh hoa anh đào rơi khỏi cây cho đến khi cây được bao phủ hoàn toàn bởi những chiếc lá xanh khỏe mạnh trở lại (cây anh đào ra lá non sau khi hoa tàn).
Mặc dù nó có thể không ngoạn mục bằng sự nở rộ của những bông hoa, nhưng màu xanh tươi mát của lá non cũng là một cảnh tượng đẹp đẽ, êm dịu và là dấu ấn rõ ràng của thời gian.
Xem thêm: Những cụm từ tiếng Nhật độc đáo về mùa Giáng sinh
kilala.vn
15/01/2023
Bài: Happy
Nguồn: Japan Wonder Travel Blog
Đăng nhập tài khoản để bình luận