Những địa chỉ mua bán đồ cũ uy tín, chất lượng tại Nhật Bản

    Đồ cũ Nhật Bản được đánh giá cao vì chất lượng và kiểu dáng thời thượng, ít lỗi thời. Vì thế, ở đất nước hoa anh đào, nhiều cửa hàng, trang mua sắm đồ cũ online đã ra đời để phục vụ nhu cầu của số lượng lớn người tiêu dùng. 

    Tại sao mua đồ cũ thịnh hành ở Nhật?

    Người Nhật bán đồ cũ để “giải phóng” tủ đồ hoặc có mong muốn đổi sang những món đồ với phong cách khác. Họ thường sử dụng rất kỹ và giữ nguyên tình trạng của món đồ, vì thế đa số hàng hóa thường trong tình trạng ổn định, ít hư hại. 

    quần áo cũ
    Ảnh: Be Japan Bepping.

    Giá cả đồ cũ khá hợp lý. Với 300 yên (chưa tới 60.000 VND), bạn đã có thể mua đồ trên Mercari - một trang web bán đồ cũ phổ biến của Nhật.

    Ngoài ra, trào lưu mua – bán đồ cũ là phù hợp với xu hướng sống xanh hiện nay, giúp con người hạn chế rác thải ra ngoài môi trường. 

    Với những ai yêu thích thời trang, họ đến cửa hàng vintage như một dip dạo chơi, cập nhật xu hướng mới và luyện tập phối đồ. Điều này cũng ảnh hưởng từ văn hóa thrifting (mua đồ cũ) từ phương Tây. 

    Hơn cả, mua đồ đã qua sử dụng còn là một lối sống. Nhiều người trẻ mong muốn có thể tận hưởng những xúc cảm hoài niệm khi sử dụng thiết bị, quần áo của thời đại xưa như Showa, Heisei.

    Các cửa hàng đồ cũ giúp bạn tiết kiệm

    Cửa hàng đồ cũ ở Nhật gọi là "リサイクルショップ", lấy từ tiếng Anh là “Recycle shop”, tức cửa hàng mua sắm tái chế.

    Ngoài ra, bạn có thể tìm kiếm cụm từ "古着屋 – furugiya" (cửa hàng quần áo cũ) để Google chỉ bạn đến những khu chợ hoặc con phố bán đồ. Các sản phẩm được bán ở số lượng lớn, đa dạng và thường ở tình trạng còn mới, từ 80%.

    Dưới đây là một số chuỗi mua bán đồ cũ nổi tiếng của Nhật Bản.

    mua bán đồ cũ ở Nhật
    Ảnh: 13shaniu.tw

    Hard – Off

    Tiền thân là cửa hàng điện tử Sound Hokuetsu (サウンド北越), năm 1972, công ty Hard – Off được thành lập với định hướng theo đuổi lối sống tái chế. 

    Có thể nói đây là hệ thống cửa hàng đồ cũ phổ biến nhất Nhật Bản chuyên về những đồ điện tử, thiết bị âm thanh.

    mua bán sách cũ
    Bên trong một cửa hàng của Book - Off. Ảnh: Book-off

    Book – Off

    Đây là thiên đường cho những ai yêu thích sách vở, tiểu thuyết và phim ảnh. Cửa hàng có thế mạnh là những đầu sách cũ nhưng trông như mới và hàng loạt các loại CD/ DVD đã ngưng sản xuất.

    Không chỉ vậy, Book – Off còn bán thêm quần áo, đồ chơi, túi xách và nhiều mặt hàng khác. 

    Xem thêm: Giải phóng tất tần tật đồ cũ với chuỗi cửa hàng “Off”

    2nd Street

    Cửa hàng có quy mô lớn, bán trang phục theo phong cách ăn mặc đường phố như áo thun, giày, túi. Nơi đây có nhiều mức giá và có đồ từ local brand đến hàng hiệu quốc tế. Cửa hàng có hơn 500 chi nhánh tại Nhật và có cả chi nhánh tại Mỹ. 

    Cửa hàng có quy mô tương tự và không kém phần nổi tiếng là Treasure Factory.

    UseLet

    Nơi đây bán cả trang phục mới và cũ. Nếu đủ kiên nhẫn lùng sục, bạn có thể tìm ra một món đồ chưa sử dụng với tag áo nguyên vẹn. Cửa hàng chỉ có tại Tokyo, SaitamaKanagawa

    [subscribe]

    Các trang web mua bán đồ cũ

    Mua bán trực tuyến là xu hướng của thời đại. Nhật Bản cũng không nằm ngoài làn sóng này và các trang web, app bán đồ cũ phát triển mạnh mẽ tại đây. 

    Mercari 

    Mercari là sàn thương mại điện tử bán đồ cũ lớn nhất Nhật Bản. Tại đây, bạn có thể tìm đủ ngành hàng như thời trang, điện tử, nội thất. Trang CNBC nhận định Mercari là một trong những công ty start up đang lên của Nhật Bản. 

    trang mua bán đồ cũ
    Một người đang lướt trang mua sắm Mercari. Ảnh: Cnbc

    JMTY

    Định hướng của công ty là: “Đồ hữu ích trao tay người cần – Thứ bạn không cần có thể hữu dụng với người khác”. Đa số mặt hàng được bán là đồ gia dụng, nội thất như bàn ghế, máy giặt, lò vi sóng, đồng hồ.

    Amazon

    Website nổi tiếng này được nhiều người Nhật sử dụng. Với khối lượng hàng hóa đồ sộ, nhiều người mua có thể gặp may mắn và sở hữu món đồ quý mà họ ưng ý.

    Auctions.yahoo

    Đây là trang web đấu giá đồ cũ online. Người mua ra giá cao nhất trong phiên đấu giá sẽ được mua sản phẩm. Hình thức này phù hợp để định giá những món đồ hiếm mà ai cũng muốn sở hữu.

    Ngoài ra, Line Mall, Rakuten cũng là những trang web phù hợp để mua bán đồ cũ. Treasure Fatory, Hard - Off và các thương hiệu khác cũng có trang bán hàng online.

    đồ hiệu tại Nhật

    Ảnh: rububu

    Đồ hiệu second-hand mua ở đâu?

    Riêng mặt hàng thời trang, nhiều nơi đẩy mạnh phân phối đồ phân khúc cao cấp như Brand Collect, Komehyo, hoặc Ragtag.

    Nhiều người tìm đến đây với mong muốn có được món hàng hiệu chất lượng nhưng chỉ bằng nửa giá gốc. Ngoài ra, những nơi này còn cho phép ký gửi món đồ bạn không muốn sử dụng nữa. 

    Những món đồ được kiểm định dựa trên thang đo sáu mức độ và có giá khoảng từ 5.000 yên trở lên. Nhiều người thường chọn cách "買取 – kaitori" (thu mua đồ cũ), tức bán món đồ mình không còn muốn sở hữu cho cửa hàng (bên thu mua) để “rinh” về những món mới. 

    trang mua đồ cũ
    Ảnh: tofugu

    Brand Collect có những mặt hàng đến từ thương hiệu nổi tiếng thế giới như Gucci, Louis Vuitton, Balenciaga.

    Komehyo là thương hiệu bán phụ kiện, trang sức, túi xách cao cấp. Họ sẽ để kèm giá MSRP (giá bán lẻ khuyến nghị của nhà sản xuất) nhằm giúp người mua dễ so sánh giá cả và biết mình được giảm bao nhiêu tiền.  

    Ragtag là trang duy nhất có tiếng Anh, thích hợp cho những khách nước ngoài. Những món đồ hiệu ở đây cũng có giá phải chăng, dưới 10.000 yên và thấp hơn so với Komehyo. 

    kilala.vn

    03/06/2023

    Bài: Tora

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!