NỘI DUNG BÀI VIẾT

    Kogal - Thời trang phá cách của nữ sinh Nhật Bản

    Váy đồng phục cắt ngắn, áo cardigan, tất ống chân rộng, chiếc túi xách và điện thoại gắn đầy phụ kiện dễ thương. Những món đồ này khi ghép lại với nhau sẽ tạo nên chân dung của một "Kogal".

    Kogal là gì?

    Kogal (コギャル, kogyaru) là thuật ngữ chỉ những cô gái theo phong cách thời trang Gyaru vẫn trong độ tuổi học sinh trung học.

    Từ Kogal là sự kết hợp của “高等学校 - koutou gakkou”, nghĩa là trường trung học, và “gal” là từ lóng trong tiếng Anh chỉ những cô gái trẻ. "Gal" trong tiếng Nhật được phiên âm là "gyaru". Ngoài ra chữ “ko” đôi khi được cho là bắt nguồn từ “子 - ko”, nghĩa là đứa trẻ.

    kogal-la-gi

    Đặc trưng của phong cách Kogal

    Kogal được biết là một nhánh nhỏ (sub-style) của tiểu văn hóa Gyaru. Nữ sinh theo đuổi phong cách này sẽ kết hợp đồng phục học sinh với những nét chấm phá sáng tạo để làm nổi bật cá tính, sự năng động lẫn phá cách của tuổi trẻ.

    • Đồng phục học sinh được biến đổi: Đồng phục truyền thống thường được chỉnh sửa để phản ánh phong cách cá nhân: váy cắt ngắn, cà vạt được thắt lỏng lẻo và áo khoác được "custom" bằng miếng vá, phụ kiện.
    • Tất ống chân: Một trong những yếu tố mang tính biểu tượng của Kogal là việc sử dụng tất ống chân rộng. Những đôi tất cao đến đầu gối này được đeo trễ xuống mắt cá chân và phủ lên giày, tạo nên vẻ ngoài nổi loạn. Tất thường được kết hợp với giày học sinh thông thường.
    • Trang điểm ấn tượng: Phong cách trang điểm kiểu Kogal táo bạo và thu hút sự chú ý. Kẻ mắt đậm, mi giả và son môi màu rực rỡ thường được sử dụng để tạo nên vẻ ngoài khác biệt.
    • Tóc nhuộm: Các cô gái Kogal thường thử nghiệm với nhiều màu tóc, lựa chọn các tông vàng hoe, nâu hoặc thậm chí là các màu khác biệt như hồng và xanh lam. Điều này tạo thêm yếu tố nổi loạn và cá tính.
    dac-diem-ko-gyaru
    Trang phục và phụ kiện của một Kogal. Ảnh: galture.com

    Những cô nàng Kogal thường tụ tập theo nhóm ở các quận Harajuku và Shibuya của Tokyo. Họ hay sử dụng những gian hàng chụp hình “sống ảo” ở các khu mua sắm, trung tâm thương mại.

    Lịch sử của phong cách Kogal

    Thời trang Nhật Bản bắt đầu phân chia theo độ tuổi vào những năm 70 với sự xuất hiện của các tạp chí Gyaru dành cho thanh thiếu niên. "Popteen" - tạp chí phổ biến nhất trong số những tạp chí này, đã xuất bản hàng tháng kể từ năm 1980.

    Trong khi thời trang chính thống giai đoạn 80 đến đầu 90 nhấn mạnh vào sự nữ tính và dễ thương (kawaii), thì các ấn phẩm Gyaru lại quảng bá cho thẩm mỹ gợi cảm.

    Bên cạnh đó, cũng trong thập niên 80, trong giới trẻ Nhật bùng nổ những xu hướng văn hóa như Yankee hay Bosozoku, thể hiện sự nổi loạn, phóng khoáng của những nam nữ “dân chơi”. 

    Chịu ảnh hưởng từ điều này, nhiều nữ sinh đã thể hiện sự nổi loạn trong phong cách, nhưng thay vì mặc váy dài như những "chị đại" Yankee, họ đã chọn cách cắt ngắn váy. Các Kogal cũng thêm những nét chấm phá riêng như mang vớ rộng, gắn phụ kiện cho điện thoại di động, nhuộm tóc để thể hiện cá tính.

    thoi-trang-nhatThời hoàng kim của Kogal bắt đầu từ những năm 90. Ở thời điểm này, có nhiều trào lưu thịnh hành với các nhánh nhỏ phát triển từ văn hóa Gyaru. Nữ hoàng J-Pop Namie Amuro không chỉ là người phổ biến vẻ ngoài gyaru "rám nắng" mà còn là người khởi đầu trào lưu Kogal trong thời đại Heisei.

    Đến giữa thập niên 90, Kogal bị thay thế bởi phong cách Ganguro với lớp trang điểm sẫm màu cùng làn da rám nắng biểu hiện cho vẻ đẹp nữ tính, gợi cảm.

    Ngày nay, Kogal dù không còn bùng nổ như xưa nhưng vẫn là phong cách được một số tín đồ thời trang theo đuổi.

    kogal-nhat-ban
    Ngày nay có những tín đồ thời trang vẫn theo đuổi phong cách Kogal.

    Kogal và hiện tượng Enjo Kosai

    Vào thời điểm thịnh hành, Kogal từng bị cáo buộc là sự tiêu dùng phô trương của những nữ sinh sống dựa dẫm vào tiền của phụ huynh và có liên quan đến vấn nạn Enjo Kosai (dịch vụ hẹn hò/mại dâm giữa đàn ông lớn tuổi và phụ nữ trẻ).

    Những người chỉ trích cho rằng các cô gái theo đuổi Kogal tôn sùng chủ nghĩa vật chất, không chăm chỉ học hành mà dùng tiền của cha mẹ để chạy theo mốt, đắp lên người bộ đồ hiệu để chứng tỏ bản thân.

    Vào giữa những năm 90, phương tiện truyền thông Nhật Bản đã dành nhiều sự chú ý đến Enjo Kosai và mô tả thực trạng nữ sinh cặp kè với đàn ông lớn tuổi để có tiền ăn chơi. Bộ phim "Baunsu ko gaurusu" (Bounce Ko Gals, 1997) của Masato Harada đã miêu tả về việc những cô gái ăn mặc kiểu Kogal đổi tình lấy tiền để mua các phụ kiện đắt đỏ.

    Mặc dù chỉ có một số ít nữ sinh làm điều này nhưng giới truyền thông quy chụp Kogal là sự suy đồi đạo đức công cộng. Khi họ càng đưa tin về Enjo Kosai thì thực tế lại càng có nhiều nữ sinh tụ tập trên đường phố Shibuya để kiếm nhiều tiền. Cuối cùng, phong cách Kogal bị gắn với mại dâm tuổi vị thành niên. 

    Còn với những ai yêu thời trang thì Kogal là bước thay đổi trong văn hóa của phái nữ xứ Nhật. Phong cách này thể hiện sự đa dạng, sáng tạo và lan tỏa nét cá tính, quyến rũ, dám đổi mới của nữ giới, trái ngược với sự ngoan ngoãn và dễ thương từng được duy trì trước đó.

    Kogal đã tạo nên một làn gió mới thú vị cho phong cách nữ sinh trung học. Có thể giờ đây đã thoái trào nhưng nó là tiền đề để tạo nên sự đổi mới về trang phục học đường và có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống của giới trẻ.

    kogal
    Nữ sinh mặc phong cách Kogal trong phim "SUNNY" bản Nhật. Ảnh: moviewalker.jp

    kilala.vn

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!