eMagazine
0%

Tại xứ Phù Tang, những thanh niên bất hảo xuất hiện “cực ngầu” và trở thành một nét văn hóa độc đáo có tầm ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của giới trẻ.

Nếu bạn đã từng xem những bộ phim hấp dẫn như Crow Zero, High & Low hay Tokyo Revengers thì sẽ biết về thế giới băng đảng học đường tại đất nước mặt trời mọc. Ở đời thực, đó là một thế giới ngầm ẩn chứa nhiều sắc thái thu hút với một lịch sử đầy biến động trong những câu chuyện về mặt tối của tuổi trẻ.

Hội “trẻ trâu” Nhật Bản.
Hội “trẻ trâu” Nhật Bản. Ảnh: Tofugu

Từ Tsuppari đến Yankii Từ Tsuppari đến Yankii.

Ở nước Nhật, vào những năm thập niên 70 và 80 đã xuất hiện một tầng lớp gồm những thanh thiếu niên có khuynh hướng chống đối xã hội, họ đã tạo ra các hình thức âm nhạc và thời trang địa phương độc đáo. Lúc đầu, những “đứa trẻ hư” nổi loạn được gọi là Tsuppari, nhưng đến đầu những năm 1980, một thuật ngữ mới đã thu hút được sự chú ý, đó là Yankee hay Yankii.

Từ gốc Yankee là một thuật ngữ mà những người ở các bang phía Nam dùng để chỉ đối thủ phía Bắc trong giai đoạn nội chiến ở Mỹ. Còn ở Nhật, Yankee bắt nguồn từ cụm từ Yanki zuwari (ヤンキー座り) được hiểu là “ngồi xổm”. Từ Yankee để gọi về hội tội phạm vị thành niên nam hoặc nữ, họ là phường bất hảo tương tự như từ “trẻ trâu” mà cư dân mạng xứ Việt hay dùng.

Yakii và phong cách ngồi đặc trưng.
Yakii và phong cách ngồi đặc trưng. Ảnh: Tofugu

Ngoài ra, một số thông tin lại cho rằng Yankii ban đầu được dùng để chỉ những người trẻ tuổi đi dạo quanh khu vực Amerika mura, Namba, Osaka. Họ mặc các trang phục kiểu Mỹ như áo sơ mi Hawaii và quần ống rộng thùng thình.

Từ lóng Yankii đã được dân tình thời đó sử dụng phổ biến từ Tokyo đến Osaka và các thành phố khác, cuối cùng “xâm chiếm” toàn bộ Nhật Bản cho đến ngày nay. Các thành viên Yankii có xu hướng sống trong các cộng đồng gắn kết chặt chẽ được hình thành từ thời trung học và duy trì cho đến tuổi trưởng thành.

Phong cách “trẻ trâu” xứ Nhật Phong cách “trẻ trâu” xứ Nhật.

Yankii được nhận biết qua phong cách ăn mặc nổi bật như thường hay diện trang phục “cool ngầu” thời thượng, theo mốt mỗi thời.

Hồi những năm 1970 thì Yankii khoác áo vạt dài với quần cạp cao, đến thập niên 80 đổi sang kiểu áo vạt ngắn có hàng cúc, quần ống rộng cạp cao, từ năm 1995 trở đi là kiểu trang phục với áo Jacket ngắn và quần ống rộng nhưng không trông quá thùng thình.

Kiểu tóc đặc trưng của Yankii.
Kiểu tóc đặc trưng của Yankii.
Ảnh: tohoweb

Hội “đầu gấu trẻ trâu” để các kiểu tóc Punch perm (tóc uốn cụp) hay Pompadour cá tính, ngày nay các anh dân chơi hay để kiểu mullet, cạo sát hai bên hoặc nhiều kiểu khác sao cho “thật nổi bần bật” giữa đám đông là được. Màu tóc thì nhuộm kiểu bắt mắt, vàng, cam hay đỏ là những màu được hội thanh niên bất hảo ưa chuộng nhất.

Yankii thường có thói quen ngồi xổm và bạ đâu ngồi đó, hay nghe nhạc gangsta-rap tiếng Nhật, miệng thì phì phèo khói thuốc, chửi bậy, đi xe mô tô phân khối lớn. Các anh em thường hay tụ tập lại thành đám đông và chơi với nhau, hội nhóm sẽ ghép thành băng đảng và có người đứng đầu lãnh đạo gọi là “đại ca”.

Yankii thời xưa được cho là có những quy tắc riêng.
Yankii thời xưa được cho là có những quy tắc riêng. Ảnh: midulcebebe

Nhiều người cho rằng Yankii sẽ trở thành thành viên Yakuza trong tương lai. Tuy nhiên trong thực tế điều này không đúng hoàn toàn, có kẻ sẽ thành dân giang hồ nhưng cũng có người sẽ “hoàn lương”, biết suy nghĩ chín chắn hơn và chọn cách sống tử tế, mong muốn thành một công dân tốt.

Khi lớn lên vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 90, đàn ông Yankii đa phần làm nghề xây dựng và phụ nữ tuổi teen sẽ có con rồi bỏ học cấp ba, cả hai khuôn mẫu này vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Những bà mẹ trẻ Yankii - Yan mama - thường bị các nhóm mẹ khác kì thị và phải vật lộn để hòa nhập với vai trò làm cha mẹ. Do đó, vào đầu những năm 1990 các tạp chí phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của các gia đình Yankii, bắt đầu xuất hiện, giúp gắn kết cộng đồng các bà mẹ trẻ bị cô lập về mặt xã hội.

Bosozoku– băng đảng mê đua xe cũng là một phần của văn hóa Yankii.
Bosozoku– băng đảng mê đua xe cũng là một phần của văn hóa Yankii. Ảnh: Nippon

Yankii có lối sống phá cách, đi ngược lại với chuẩn mực, quy tắc xã hội chung. Nhưng cách sống và quan niệm, hành động của Yankii mỗi thời một khác.

Thuở xưa thì đầu gấu học đường có phương châm hoạt động là: không ức hiếp kẻ yếu; không làm phiền đến những người không liên quan đến cuộc đấu giữa các phe phái; anh em trong hội có mâu thuẫn sẽ tự làm hòa; giải quyết vấn đề riêng không làm ảnh hưởng đến danh tiếng của băng đảng.

Nhóm nữ Bosozoku yankii.
Nhóm nữ Bosozoku yankii. Ảnh: Medium

Còn thời nay thì lại khác, đa số các bạn “trẻ trâu” hiếu thắng hơn khi chuyên gây sự với tất cả, tự xem bản thân mình là nhất, có sở thích kêu bè kết phái, gây sự, đánh nhau, dấy lên vấn nạn bạo lực học đường và bạo lực mạng trên không gian internet.

Trong văn hóa Yankii còn có sự xuất hiện của Bosozoku và Sukeban. Bosozoku là hội “đầu gấu” mê xế hộp thường dùng xe moto phân khối lớn từ 250 – 400cc được trang trí rực rỡ, mặc trang phục là áo khoác dài hoặc jumpsuit cùng ký tự kanji ở sau lưng và hội hay tổ chức các cuộc đua xe đường phố rầm rộ. Còn Sukeban là hội gồm các “chị đại” học đường, những cô gái gai góc, cá tính từng oanh tạc chốn giang hồ xứ Nhật đầu thập niên 90.

Tầm ảnh hưởng “không phải dạng vừa đâu” của Yankii  Tầm ảnh hưởng “không phải dạng vừa đâu” của Yankii.

Ngay từ khi xuất hiện trong xã hội, Yankii đã là một đề tài hấp dẫn thu hút sự chú ý của những nhà sáng tạo, làm nghệ thuật. Từ thời trang, lối sống đến văn hóa, phim ảnh Yankii đã dần xâm chiếm và tác động đến giới trẻ từ xưa đến nay.

Phong cách thời trang ngày nay lấy cảm hứng từ Yankii.
Phong cách thời trang ngày nay lấy cảm hứng từ Yankii. Ảnh: Tokyo Fashion

Nó trở thành một “đề tài nóng” cho các tác phẩm về học đường, bắt đầu với manga và một trong những bộ truyện tranh nổi tiếng nhất trong số này có tên là Be-Bop High School do Kiuchi Kazuhiro sáng tác vào năm 1983. Truyện đã miêu tả hành vi phạm pháp của những thanh niên trẻ một cách rất chân thực, mang đến một cảm giác mới mẻ về chủ nghĩa hiện thực, lột tả sâu sắc, nhân văn về thực trạng học đường của giới trẻ.

Be-Bop High School được chuyển thể thành live action và nhận được nhiều sự yêu thích.
Be-Bop High School được chuyển thể thành live action và nhận được nhiều sự yêu thích.
Ảnh: IMDb

Tiếp đến cuối thập niên 80 - đầu 90 là sự “bùng nổ” với loạt truyện ăn khách như: Kyo Kara Ore Wa!! (Cặp bài trùng) của Hiroyuki Nishimori, xuất bản năm 1988, Chameleon năm 1990 của Kato Atsushi, Kamikaze Taku: Speed Legend của Kato Atsushi và Tokoro Juzo năm 1991... Hiện nay là “cơn sốt” Tokyo Revengers của Wakui Ken.

Những bộ truyện này sau đã được chuyển thể thành anime hay là phim truyền hình, phim chiếu rạp và được đông đảo khán giả, đặc biệt là các bạn trẻ đón nhận tích cực rồi yêu thích, dấy lên làn sóng hâm mộ không chỉ ở Nhật mà còn lan rộng ra khắp châu Á và thế giới.

Live action
Ảnh: My dramalist

Yankii trên màn ảnh đã được “anh hùng hóa”, được khắc họa với hình ảnh “cool ngầu” đẹp đẽ hơn so với đời thực nhằm tạo sự đồng cảm và tính hấp dẫn cho nhân vật. Qua đó thu hút sự chú ý của công chúng và tạo nên làn sóng hâm mộ trong giới trẻ, đặc biệt là hội thiếu nữ lỡ đem lòng tương tư những anh chàng “đầu gấu” điển trai trong phim. Tuy nhiên, ở ngoài đời thực, các đối tượng này cũng gây ra nỗi ám ảnh hoặc nặng hơn là tổn thương tâm lý đến những nạn nhân mà họ bắt nạt.

“Trẻ trâu” ở đâu cũng có nhưng tại xứ Phù Tang thì đã trở thành một “hệ tư tưởng” mang những nét đặc sắc riêng, ẩn chứa những điều hấp dẫn, độc đáo khác lạ mà khiến nhiều người phải đem lòng yêu thích, chìm đắm trong thế giới ngầm của nước Nhật.