Takotsubo - Hội chứng trái tim tan vỡ

    Khi đối mặt với mất mát, tổn thương nặng nề, lồng ngực chúng ta bỗng nhói đau, khó thở và cơ thể dường như muốn nổ tung. Đó là biểu hiện của hội chứng trái tim tan vỡ hay còn được gọi là bệnh cơ tim Takotsubo.

    Trái tim tan vỡ là miêu tả ẩn dụ về nỗi buồn từ chuyện tình yêu mà chúng ta thường thấy trong văn chương, vì sự chia ly, dang dở mà mang theo đau khổ, sầu muộn. Tuy nhiên ở đời thực, trái tim tan vỡ chính là một chẩn đoán y khoa, dấu hiệu của hội chứng bệnh lý mà những ai mắc phải đều cảm nhận rõ cơn đau ở ngực khi tim bị ảnh hưởng bởi những tình huống đột ngột xảy ra, tác động mạnh mẽ đến tâm lý con người.

    Hội chứng Takotsubo là gì?

    Takotsubo (蛸壺/たこつぼ) là công cụ ngư dân Nhật dùng để bắt bạch tuộc, có hình dáng một chiếc bình đáy tròn, cổ hẹp. Từ này được dùng để miêu tả bệnh lý về cơ tim xuất phát từ việc khi siêu âm tim của người bệnh, hình ảnh kiểm tra cho thấy phần dưới của tâm thất trái phồng lên, trong quá trình co lại (tâm thu) thì tâm thất phình ra mang hình dáng giống Takotsubo.

    bẫy bạch tuộc
    Bẫy bạch tuộc - Takotsubo. Ảnh: socialmediaconference

    Từ đây mà gọi là bệnh cơ tim Takotsubo, hay có tên gọi khác là “hội chứng trái tim tan vỡ” (Broken Heart Syndrome - BHS). Tiến sĩ Hikaru Sato được cho là người đầu tiên mô tả hội chứng này vào năm 1991. Cụ thể, đó là tình trạng đảo ngược cấu trúc cơ tim, đặc trưng bởi rối loạn chức năng tâm thu tạm thời và phình dãn đỉnh tim của thất trái.

    Bệnh xảy ra khi con người đối mặt với các sự việc đột ngột như mất người thân, gặp tai nạn nghiêm trọng, nghe được tin buồn hay gặp phải thảm họa thiên nhiên như động đất, lũ lụt, sóng thần. Các cơn đau phát sinh từ chứng phình đỉnh tim hoặc bệnh cơ tim do căng thẳng và có thể điều trị được, thường có chuyển biến tốt hơn sau vài ngày hoặc vài tuần.

    takotsubo
    Trái tim khỏe mạnh và "trái tim tan vỡ".

    Nguyên nhân gây ra hội chứng Takotsubo

    Nguyên nhân chính xác vẫn chưa được xác định rõ, nhưng cũng có giả thuyết cho rằng lượng đó là do lượng hormone adrenaline tăng cao, gây ra thay đổi trong tế bào cơ tim hay mạch máu vành ngăn tâm thất trái co bóp hiệu quả. Động mạch và tĩnh mạch dẫn tới tim bị co hẹp lại gây ra những cơn đau tức ngực.

    Sự gia tăng hormone là do căng thẳng về mặt tâm lý. Và hội chứng trái tim tan vỡ thường xảy ra nhiều hơn ở nữ giới. Theo thống kê, hơn 90% trường hợp được báo cáo là phụ nữ ở độ tuổi từ 58 - 75 tuổi.

    Nghiên cứu cũng cho thấy khoảng 5% phụ nữ mắc bệnh tim đều mắc chứng rối loạn này và hầu hết mọi người đều có thể hồi phục mà không bị tổn thương lâu dài.

    hội chứng trái tim tan vỡ
    Ảnh: wexnermedical

    Dấu hiệu nhận biết hội chứng

    Những ai mắc phải tình trạng bệnh cơ tim Takotsubo thường có các biểu hiện sau:

    - Đau thắt ở vùng ngực

    - Lồng ngực có cảm giác bị đè nén, như thể sắp nổ tung

    - Khó thở và cảm giác mệt mỏi, căng thẳng

    Hội chứng này thường gồm những cơn đau đột ngột, thoáng qua và tự chữa lành sau khi tâm lý được xoa dịu. Tuy nhiên tình trạng này lại thường bị hiểu nhầm sang nhồi máu cơ tim, nếu cơn đau kéo dài thì chúng ta không được chủ quan mà cần phải gọi cấp cứu ngay hoặc nhờ người thân, bạn bè đưa đến bệnh viện để kiểm tra.

    Cơn đau nơi tim dai dẳng không dừng sẽ khiến bệnh nhân đối mặt với biến chứng như  suy tim sung huyết, tụt huyết áp hay nhồi máu cơ tim gây nguy hiểm đến tính mạng.

    [subscribe]

    Phòng ngừa và điều trị

    Không có phương pháp điều trị tiêu chuẩn nào cho hội chứng trái tim tan vỡ. Nó phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và huyết áp của người bệnh. Hội chứng này có thể tự kết thúc nhưng nếu kéo dài các cơn đau thì vẫn cần phải điều trị bằng thuốc theo kê đơn của bác sĩ để làm giảm sự căng thẳng ảnh hưởng đến tim.

    Việc phòng ngừa hội chứng này theo lời khuyên của chuyên gia là nên rèn luyện thể dục thể thao phù hợp với độ tuổi. Đặc biệt là chú trọng vào các bộ môn Thiền và Yoga, có lối sống lành mạnh, chia sẻ những muộn phiền lo âu với người thân, bạn bè hoặc gặp bác sĩ tâm lý để giảm bớt áp lực, căng thẳng trong cuộc sống. Bên cạnh đó chúng ta cũng nên kiểm tra sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện và điều trị kịp thời những bệnh lý về tim mạch.

    chạy chậm

    Ảnh: Pixta

    kilala.vn

    07/02/2023

    Bài: Ái Thương
    Ảnh bìa: The Conversation

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!