Suy giảm thể chất và gia tăng béo phì ở trẻ em Nhật Bản

    Tỷ lệ béo phì của học sinh tiểu học và trung học cơ sở Nhật Bản đang ở mức cao kỷ lục.

    Một bài kiểm tra kỹ năng vận động và thể lực đã được Cơ quan Thể thao Nhật Bản tiến hành từ tháng 4 đến tháng 7/2022 trên tổng số khoảng 1,9 triệu học sinh tiểu học lớp 5 và học sinh trung học cơ sở năm 2 tại tất cả các trường quốc gia, công lập và tư nhân nước này.

    đánh giá thể chất
    Ảnh: nippon.com

    Kết quả cho thấy, tổng số điểm ghi được trong 8 nội dung thể thao, bao gồm chạy nước rút 50 mét và nhảy xa, đánh dấu mức thấp kỷ lục đối với cả học sinh tiểu học và trung học cơ sở kể từ khi bắt đầu tổ chức kỳ đánh giá vào năm 2008.

    Bài kiểm tra cũng tiến hành đánh giá những thay đổi trong thói quen sinh hoạt của trẻ em thông qua một bảng câu hỏi.

    Theo đó, tỷ lệ trẻ em dành 4 giờ trở lên mỗi ngày cho "screen time" (thời gian dùng thiết bị điện tử) như xem TV hoặc sử dụng điện thoại thông minh cho các mục đích khác ngoài học tập là 27,1% ở nam sinh lớp 5; 22% ở nữ sinh lớp 5; 28,3% ở nam sinh năm 2 trung học cơ sở và 26,1% cho nữ sinh năm 2 trung học cơ sở, tất cả đều tăng so với năm trước. 

    trẻ em dùng smartphone
    Ảnh: plano.co

    Bên cạnh đó, có ít em ăn sáng và ngủ từ 8 tiếng trở lên mỗi ngày, cho thấy nhịp sống của trẻ em đang bị phá vỡ. Mặt khác, tỷ lệ trẻ em ở mỗi nhóm tuổi dành tổng cộng 7 giờ trở lên mỗi tuần cho hoạt động thể chất không thể khôi phục như mức trước đại dịch.

    Cơ quan Thể thao Nhật Bản cho rằng sự suy giảm thể chất là do những thay đổi trong lối sống khiến trẻ em tránh xa các hoạt động thể chất và đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy xu hướng này.

    [subscribe]

    Ngoài ra, tỷ lệ béo phì ở nam sinh lớp 5 là 14,5%, tăng 1,4 điểm so với cuộc khảo sát năm 2021; con số này ở nữ sinh lớp 5 là 9,8%, tăng 1 điểm. Đối với học sinh trung học cơ sở, nam sinh năm 2 có tỷ lệ béo phì là 11,4%, tăng 1,4 điểm. Tỷ lệ béo phì đối với tất cả các nhóm ngoại trừ nữ sinh năm 2 trung học cơ sở đều ở mức cao kỷ lục.

    Đơn vị thực hiện khảo sát suy đoán rằng một trong những lý do khiến thời gian tập thể dục và thể chất giảm sút là do thói quen đeo khẩu trang bắt nguồn từ đại dịch, khiến trẻ em có xu hướng tránh các bài tập thể dục nặng vì cảm thấy khó thở khi thực hành. 

    Mặc dù việc không cần thiết phải đeo khẩu trang trong các lớp thể dục đã được thông báo cho các trường học kể từ năm 2020, nhưng vẫn có nhiều trường hợp học sinh đeo khẩu trang trong khi tập vì lo ngại về nguy cơ lây nhiễm.

    đeo khẩu trang
    Ảnh: theguardian.com

    Tuy nhiên, ngay cả khi đại dịch qua đi và trẻ em trở lại cuộc sống bình thường cũng không thể kỳ vọng vào sự cải thiện đáng kể về thể chất.

    Takahiro Nakano, Giáo sư khoa Khoa học Thể thao, Đại học Chukyo, người đã tham gia phân tích bài kiểm tra, lưu ý rằng sự suy giảm tổng điểm thể chất đã trở thành xu hướng kể từ khoảng năm 2019 và nhấn mạnh: "Không thể bỏ qua tác động của đại dịch COVID-19, nhưng chúng không phải là nguyên nhân duy nhất."

    Trong những năm gần đây, cấu trúc cuộc sống hàng ngày của trẻ em Nhật Bản đã thay đổi. Theo giáo sư Nakano, hiện nay cuộc sống của các em bao gồm thời gian dành cho các bài học phi thể thao và các thiết bị hiện đại.

    Ông cho rằng, bên cạnh thúc đẩy tầm quan trọng của việc chơi thể thao trong cuộc sống của các em, người lớn cần suy nghĩ về việc làm thế nào để trẻ em có thời gian dành cho việc tập thể dục hàng ngày.

    kilala.vn

    26/01/2023

    Bài: Happy
    Nguồn: The Mainichi

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!