Những cách giải rượu đơn giản tại nhà
Theo nhiều nghiên cứu, hoạt động não sẽ thay đổi tùy vào lượng rượu uống vào, tính theo nồng độ cồn trong máu.
10mg - 50mg/100ml máu (0,05mg - 0,25mg/l khí thở) sẽ làm suy giảm nhẹ khả năng phán xét, phấn khích và tăng hoạt động, ức chế một vài vùng não bộ.
60mg - 10mg/100ml máu (0,3 - 0,5mg/1 khí thở) sẽ làm vỏ não bị ức chế lan tỏa, có cảm giác buồn ngủ, giảm sự tập trung và chú ý, phản xạ chậm và kém khả năng phối hợp các động tác, giảm khả năng phán xét và giảm trương lực cơ. Việc điều khiển xe rất dễ gây tai nạn trên nồng độ này.
100 - 150mg/100ml máu (0,5 - 0,75mg/l khí thở) sẽ làm cho toàn bộ vỏ não bị ức chế, buồn ngủ, phản ứng trước các tình huống chậm đáng kể, mất khả năng điều khiển các động tác, nhức đầu hoặc choáng váng, nhìn mờ hoặc nhìn một thành hai và giảm trương lực cơ rõ rệt.
160 - 290mg/100ml máu (0,8 - 1,45mg/lít khí thở) sẽ làm giảm nhận thức và hầu như không phản ứng với các kích thích bên ngoài, đi đứng loạng choạng hoặc có thể té ngã.
Trên 400mg/100ml máu (2mg/l khí thở) sẽ gây hôn mê, suy hô hấp, có thể ngưng thở và tử vong.
Chúng ta cần biết rằng khi uống một lượng rượu tương đương 20ml rượu nguyên chất hay 50ml rượu mạnh 40 độ hoặc 400ml bia 5 độ thì nồng độ cồn trong máu sẽ vượt quá 80mg/100ml máu hoặc 0,4mg/1l khí thở.
Thật ra, rượu không chỉ ảnh hưởng lên hệ thần kinh. Mà nhiều nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng rượu có thể ảnh hưởng nhanh chóng hay từ từ lên gần như tất cả các bộ phận trong cơ thể: Gây loét hay chảy máu dạ dày; xơ gan hay suy gan; suy tim (làm ứ đọng dịch ở phổi, gây khó thở); ung thư đầu-cổ, thực quản, dạ dày, đại trực tràng, gan, vú.; suy dinh dưỡng; đột quỵ; teo não; rối loạn giấc ngủ, lo âu, nhầm lẫn, lú lẫn…
Chúng ta nên làm gì?
Tốt nhất là không nên uống rượu! Nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng không có ngưỡng an toàn về mức rượu sử dụng, và chỉ một liều lượng nhỏ cũng được cho là có thể làm tăng khả năng bị ung thư.
Khi đã say rượu, hãy làm theo những lời khuyên sau:
1. Nghỉ ngơi: Hãy ngủ ở môi trường yên tĩnh với ánh sáng nhẹ, không khí thoáng đãng.
2. Uống thật nhiều nước: Uống quá nhiều rượu bia và các thức uống có cồn khiến cơ thể thiếu nước và kiệt sức. Hãy thử uống nước chanh mật ong hoặc nước ép hoa quả.
3. Bổ sung thức uống chứa chất điện giải: Giúp đẩy mạnh quá trình bù nước bằng chất điện giải, natri và kali sẽ giúp cơ thể giữ được nước cần thiết.
4. Ăn trứng cho bữa sáng: Việc quá chén có thể khiến lượng đường trong máu giảm xuống quá thấp. Vì vậy, điều quan trọng là bổ sung năng lượng cho cơ thể. Trứng bổ sung cysteine, một loại axit amin chống lại các sản phẩm phụ độc hại của quá trình đào thải rượu. Khi dạ dày trở lại bình thường, hãy ăn thịt, đậu và các thức ăn bổ sung vitamin B (thường hay cạn kiệt trong quá trình uống bia rượu).
5. Nhâm nhi một ít trà gừng cùng mật ong: Gừng có thể giúp giảm bớt buồn nôn. Fructose trong mật ong thúc đẩy sự trao đổi chất cồn trong cơ thể. Ngoài ra, những lựa chọn khác như trà bạc hà hoặc trà hoa cúc cũng có thể giúp giảm căng thẳng, đầy hơi và khó chịu.
6. Đi dạo và hít thở không khí trong lành: Hít thở không khí trong lành sẽ bổ sung oxy giúp đẩy nhanh quá trình đào thải độc tố. Hơn nữa, việc ra khỏi nhà còn giúp cơ thể thoải mái hơn. Khi sức khỏe suy yếu hoặc đã từng có những triệu chứng nghiêm trọng trong quá trình cai rượu, hãy đến bệnh viện hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ để được trợ giúp.
Thực phẩm giải rượu được người Nhật yêu thích
Lưu ý, đây là những cách giải rượu dân gian, theo kinh nghiệm của nhiều người truyền lại mà đôi khi chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng. Hiệu quả hay không sẽ còn tùy vào từng cơ địa.
Pocari Sweat: Đây là một loại đồ uống thể thao, giúp cung cấp kali và magiê, hai chất điện giải cần thiết.
Hồng: Hồng chứa catalase, giúp chuyển hóa acetaldehyde (một trong những chất trung gian của quá trình đào thải rượu). Hồng cũng chứa kali giúp loại bỏ độc tố và vitamin C giúp cơ thể hồi phục nhanh hơn.
Dưa hấu: Dưa hấu chứa citrulline, một axit amin chống oxy hóa được cho là thúc đẩy lưu thông máu, giảm mệt mỏi cơ bắp.
Sò: Người Nhật thường nấu sò trong canh Miso (đậu tương). Sò có ít năng lượng, dễ hấp thụ, chứa sắt, canxi, glycogen và các axit amin cần thiết khác được cho là giúp sửa chữa các tế bào hư hỏng.
Nghệ: Giúp giảm triệu chứng khó chịu của dạ dày sau khi uống quá nhiều rượu bia.
Mơ muối: Là cách giải rượu lâu đời nhất, nổi tiếng nhất của Nhật Bản. Loại mơ này được làm chua trong nhiều tháng hoặc nhiều năm. Tùy vị chua mà mơ muối có thể làm tăng mức pH của dạ dày, giảm buồn nôn, đau bụng và cung cấp lượng kali và natri cần thiết. Ăn mơ muối hoặc uống nước mơ muối trước khi dự tiệc sẽ kích thích tiết chất nhầy của dạ dày, sẽ làm chậm hấp thu rượu.
Đừng uống quá nhiều rượu!
Dù có nhiều biện pháp giúp giải rượu nhưng phương pháp tốt nhất là không uống hoặc chỉ uống lượng rượu vừa đủ. Đó là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe chính bạn.04/02/2019
Bài: Tiến sĩ - Bác sĩ Phạm Nguyên Quý
Ảnh: Pixta
Đăng nhập tài khoản để bình luận