Mòn răng và những điều cần biết

    Men răng cứng nhất trong các bộ phận cơ thể, là lớp vỏ đầu tiên giúp bảo vệ ngà và tủy răng khỏi tác động từ bên ngoài. Nhưng men răng không thể tự khắc phục khi bị hư hỏng và răng dễ bị mòn theo thời gian. Hãy cùng tìm hiểu đúng về những yếu tố gây mòn răng và những điều cần lưu ý để chăm sóc răng đúng cách.

    Các nguyên nhân làm mòn răng?

    nguyên nhân mòn răng

    Mòn răng là một thuật ngữ mô tả sự mất mô răng do các yếu tố khác ngoài sâu răng, chấn thương và rối loạn phát triển. Răng có thể bị mòn do yếu tố hóa học hoặc cơ học sau đây:

    - Thực phẩm có tính axit như: soda, nước ngọt có ga, nước trái cây,… 
    - Bệnh lý trào ngược dạ dày. Axit bị đẩy từ dạ dày lên miệng, làm hỏng men răng.
    - Rối loạn ăn uống, nghiện rượu, hoặc uống rượu quá mức trong một ngày. Tình trạng này gây nôn mửa, làm mòn răng khi xảy ra thường xuyên.
    - Các loại thuốc có tính axit như: aspirin, vitamin C.
    - Bệnh lý khô miệng. Sự giảm tiết nước bọt do khô miệng thường dẫn đến mòn răng. 
    - Nghiến răng. Không chỉ làm mòn răng, nghiến răng còn gây đau đầu, căng cơ và rối loạn giấc ngủ.
    - Chải răng quá mạnh, chải răng theo chiều ngang, sử dụng bàn chải cứng và/hoặc dùng kem đánh răng có tác dụng mài mòn.

    Các dấu hiệu nhận biết răng bị mòn?

    dấu hiệu mòn rằng

    Đó là khi có những triệu chứng sau xuất hiện:

    - Răng đau khi ăn thức ăn hoặc đồ uống nóng, lạnh, hoặc ngọt
    - Răng dễ sứt mẻ, bề mặt răng không trơn láng
    - Răng vàng hơn (màu ngà)
    - Răng có các vết lõm trên bề mặt nhai của răng 

    Làm gì để bảo vệ men răng?

    - Giảm thực phẩm có tính axit như soda, trái cây và nước ép. Hoặc sử dụng ống hút để giảm sự tiếp xúc của răng với axit. Kết thúc bữa ăn với một ly sữa hoặc phô mai sẽ làm giảm axit.
    - Nhai kẹo cao su không đường giúp tiết nước bọt, trung hòa axit và làm chắc men răng.
    - Uống nhiều nước để tránh khô miệng.
    - Cố gắng không chải răng quá mạnh. Không chải răng theo chiều ngang. Đánh răng ít nhất 1 giờ sau khi ăn thực phẩm có tính axit (nước bọt sẽ giúp trung hòa axit trong miệng). Sử dụng kem đánh răng có fluoride và nước súc miệng.
    - Điều trị các rối loạn ăn uống, bệnh lý trào ngược dạ dày, bệnh nghiện rượu và nghiến răng.
    - Điều trị nha khoa càng sớm càng tốt. Tùy tình trạng răng, nha sĩ sẽ trám răng nếu lượng mô răng bị mất ít; hoặc chỉ định mão răng hoặc mặt dán sứ nếu răng bị tổn thương nhiều hơn.

    Vậy một bàn chải như thế nào là phù hợp cho việc bảo vệ men răng? Sau đây là những câu hỏi thường gặp.

    bàn chải phù hợp

    Q: Có nên chọn bàn chải lông cứng không? Nó có thể làm sạch cao răng?
    A: Chải răng chỉ có tác dụng loại bỏ mảng bám, vi khuẩn và thức ăn thừa. Chúng ta chỉ có thể kiểm soát sự hình thành cao răng ở mức làm sạch mảng bám. Việc sử dụng bàn chải lông cứng là không cần thiết vì mảng bám khá mềm và có thể bị loại bỏ với lực chải nhẹ. Hiệu quả làm sạch mảng bám và vết bẩn của bàn chải lông cứng và lông mềm là tương đương, nhưng lông cứng lại dễ gây tổn thương răng và nướu. 

    Q: Lựa chọn bàn chải như thế nào là phù hợp?
    A: Lông bàn chải là yếu tố quan trọng nhất. Hầu hết nha sĩ khuyên dùng lông bàn chải mềm cho người lớn và trẻ em, đặc biệt với răng và nướu nhạy cảm. Đầu mỗi sợi lông bàn chải nên có hình tròn. Kích thước đầu bàn chải phải vừa với miệng, tốt nhất là nên chạm vào hai răng cùng một lúc. Ngoài ra, nên thay bàn chải mỗi 3 tháng, hoặc sớm hơn nếu bàn chải trông mòn hoặc lông bị bè rộng ra.

    kilala.vn

    30/04/2020

    Bài: Bác sĩ Phạm Nguyên Quân (NCS - TS ngành Nha khoa tại ĐH Osaka)
    Ảnh: PIXTA

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!