Gối đầu như Geisha làm tăng nguy cơ đột quỵ?

    Các nhà nghiên cứu Nhật Bản phát hiện rằng nằm trên gối cao, một thói quen phổ biến ở các shogun và geisha, làm tăng nguy cơ đột quỵ do cổ bị cong khi ngủ.

    Nhóm nghiên cứu từ Trung tâm Não và Tim mạch Nhật Bản, ​​trong bài báo được công bố trực tuyến trên một tạp chí y học quốc tế gần đây, đã đặt tên cho căn bệnh này là “hội chứng gối shogun” .
    shogun-pillow
    Nghiên cứu cho thấy việc kê gối cao khi ngủ làm tăng nguy cơ mắc chứng bóc tách động mạch đốt sống tự phát. Ảnh: jlifeinternational.com

    Các chuyên gia đã nghiên cứu các trường hợp bóc tách động mạch đốt sống tự phát (sau đây gọi tắt là BTĐM), vỡ mạch máu sau gáy gây đột quỵ, với thói quen ngủ của bệnh nhân.

    Nhìn chung, BTĐM gây ra khoảng 2% số ca đột quỵ. Nhưng trong số những người từ 15 đến 45 tuổi, bao gồm cả những người đang trong độ tuổi lao động chính, tỷ lệ này tăng lên 10%. Gần 20% số bệnh nhân đột quỵ này tử vong hoặc bị tàn tật vĩnh viễn.

    Nhóm đã nghiên cứu 53 người trong độ tuổi từ 45 đến 56 được chẩn đoán mắc BTĐM tại trung tâm từ năm 2018 đến năm 2023 (sau đây gọi là nhóm A). Những người này được so sánh với 53 người nhập viện vì đột quỵ hoặc xuất huyết não do các nguyên nhân khác trong cùng thời gian (sau đây gọi là nhóm B).

    Cụ thể, nghiên cứu tập trung vào giới tính, độ tuổi và chiều cao của gối. Dựa trên ý kiến ​​của các nhà sản xuất chăn ga gối đệm và các chuyên gia trong ngành, nhóm nghiên cứu đã xếp những chiếc gối có kích thước từ 12cm trở lên vào loại “cao” và những chiếc gối có kích thước từ 15cm trở lên là “cực kỳ cao”.

    Kết quả nghiên cứu cho thấy 18 bệnh nhân mắc BTĐM (nhóm A), tương đương 34% đã sử dụng gối từ 12cm trở lên. Con số này ở bệnh nhân không mắc BTĐM (nhóm B) là 8 người, tương đương 15%.

    Ngoài ra, 9 bệnh nhân nhóm A tương đương 17% sử dụng gối từ 15cm trở lên, trong khi con số này ở nhóm B chỉ là 1 người, tương đương 1,9%.

    Nhóm nghiên cứu cũng lưu ý trường hợp một số bệnh nhân có nguy cơ đột quỵ rất thấp đã sử dụng những chiếc gối cao từ 17 đến 19 cm.

    Họ cho biết, gối càng cao thì bệnh nhân càng có nhiều khả năng phát triển BTĐM. Nghiên cứu kết luận rằng gối cao làm tăng độ uốn cong của cổ, hạ cằm về phía ngực. Tư thế này cũng có thể làm hỏng mạch máu nếu cổ xoay trong khi ngủ.

    goi-cao
    Nằm gối càng cao càng làm tăng nguy cơ mắc chứng bóc tách động mạch đốt sống tự phát. Ảnh: Asahi.

    Tomotaka Tanaka, bác sĩ giải phẫu thần kinh tại Trung tâm Não và Tim mạch Quốc gia và là thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết: “Có khá nhiều người sử dụng gối kiều mạch cùng với gối hoặc khăn có độ đàn hồi thấp chồng lên trên. Nên hạn chế sử dụng những chiếc gối cao quá 15cm vì dù gối có mềm cũng gây ra hiện tượng cong cổ nghiêm trọng”.

    Báo cáo cũng đã đề cập đến bối cảnh của việc sử dụng gối cao ở nước Nhật: “Tại Nhật Bản, từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19, những chiếc gối cao tới 12-16 cm, gọi là ‘gối shogun’, được sử dụng rộng rãi để duy trì kiểu tóc truyền thống của các tướng quân, samurai và geisha”.

    Theo nhóm nghiên cứu, có thể người thời đó đã nhận thức được mối liên hệ giữa việc sử dụng gối cao và đột quỵ. Một số bài viết được xuất bản vào giữa thế kỷ 19 chỉ ra rằng người ta tin “một chiếc gối cao khoảng 12cm là phù hợp, tuy nhiên một chiếc gối thấp khoảng 9cm sẽ tốt hơn cho tuổi thọ".

    kilala.vn

    Nguồn: Asahi

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!