Review Lối sống Minimalism: Chỉ cần vứt bớt đồ đạc là OK?
Những bí quyết của Sasaki Fumio trong “Lối sống tối giản của người Nhật” sẽ giúp bạn ngưng mua sắm quá tay, tối giản những vật dụng, thông tin, mối quan hệ thật sự cần thiết.
“Không còn gì để mặc” - mua sắm - chất đồ - “không còn gì để mặc”
Với căn phòng 20m2, tổng số đồ đạc của Sasaki chỉ dao động ở con số 150 và không hề có xu hướng tăng thêm. Bạn có sẵn sàng để theo chân tác giả áp dụng lối sống tối giản, sống trong một không gian kiệm đồ như vậy?
Theo lời tác giả, tôi sẽ vẽ ra một vài viễn cảnh khó khăn khi bạn mới gia nhập cộng đồng sống tối giản đang là một xu hướng tại Nhật cũng như trên toàn thế giới nhé:
- Nói không với việc chạy theo xu hướng thời trang. Số lượng trang phục trong tủ quần áo dao động 20 - 30 món.
- Không thể mời khách đến nhà chơi vì số chén bát tại gia chỉ đủ dùng cho một mình bạn.
- Chấp nhận từ bỏ bộ sưu tập (sách/ đĩa/ chén bát…) mà bạn đã tích cóp nhiều năm trời để đổi lấy khoảng không thoáng đãng?
Và đây là cách giải quyết của tác giả:
- Suy nghĩ “không còn gì để mặc” -> mua sắm -> chất đồ -> “không còn gì để mặc” – quy trình tâm lý này luôn theo đuổi chúng ta, đặc biệt phái nữ. Khi quyết định chọn lối sống tối giản, Sasaki chỉ giữ lại trên dưới 20 món trang phục. Đây là phong cách “đồng phục hóa” mà anh học tập theo Steve Jobs và sau đó suy nghĩ “thiếu đồ mặc” không còn tồn tại trong anh nữa.
- Không đủ chén dĩa để mời khách thì có phải là một điều xấu hổ? Đọc ngay quy tắc 32 trong 55 quy tắc vứt bỏ của Sasaki: “Phố phường chính là phòng khách nhà bạn.” Dẫn bạn bè đến “phòng khách” đặc biệt đó, nơi có những quán ăn ngon để cùng nhau thưởng thức và trò chuyện. Bạn sẽ tiết kiệm thời gian chuẩn bị, giảm thiểu vật dụng khi nấu nướng số lượng lớn và buổi nói chuyện chỉ tập trung vào con người.
- Một lần kiểm lại tủ sách: bao nhiêu cuốn bạn đã đọc, bao nhiêu cuốn đang đọc dở và bao nhiêu cuốn “phận làm chủ sách, chưa một lần mở ra”? Nếu không dùng để đọc (mà chỉ để trưng bày) thì sách đã làm tròn vai trò cung cấp tri thức chưa? Tương tự với các bộ sưu tập khác, tác giả đã “tiễn đưa” toàn bộ sách, đĩa CD, các thiết bị chụp ảnh mà anh đã tốn công tìm mua trong nhiều năm.
Đọc thêm: Nghệ thuật dọn dẹp nhà cửa của Marie Kondo
Đời thay đổi khi chúng ta "không đổi"
Cốt lõi của lối sống tối giản chính là ngưng chạy theo những nhu cầu phù phiếm, cuồng mua sắm đến mức bạn không biết bạn cần vật dụng đó để làm gì. Giữa ngổn ngang đồ vật chất đống, bạn không thể xác định được đâu là món đồ mình yêu thích nhất (thậm chí món đồ bạn yêu bị quên lãng vì những món đồ không cần thiết che khuất). Giữa ngổn ngang suy nghĩ bận tâm trong đầu, bạn sẽ không thể phát hiện đâu là việc có ý nghĩa nhất với bạn.
Lời dẫn cho bài viết này chính là một suy nghĩ của tác giả mà tôi rất tâm đắc. Liệu ta có đang sử dụng trọn vẹn mọi tấc đất trong ngôi nhà mà chúng ta đã chi trả để có được chưa? Thực trạng hiện nay ở Nhật và cả ở Việt Nam cho thấy rằng, việc mua một căn nhà rộng rãi luôn là ao ước của rất nhiều người. Nhưng giá đất càng ngày càng tăng, áp lực kiếm tiền để sở hữu một gian nhà to luôn đè nặng lên vai. Vậy nếu chúng ta thay đổi nếp nghĩ, chỉ cần một căn nhà vừa phải, đủ không gian để sinh hoạt và cho những vật dụng cần thiết nhất thì có phải đã giảm được gánh nặng mua nhà rộng đúng không nào?
Và bạn có bao giờ ao ước rằng, một ngày có 25,26 giờ không? Nếu có, tác giả sẽ giúp bạn cơi nới thời gian dẫu cây kim giờ vẫn chỉ quay 24 vòng một ngày. Khi không còn nhiều đồ đạc, bạn sẽ “bỏ ống” thời gian dọn dẹp, mua sắm… Lần chuyển nhà gần đây nhất, Sasaki chỉ tốn… 30 phút mà thôi (Còn ít hơn cả thời gian tôi cần để chuẩn bị đồ đạc khi đi du lịch).
Tối giản – không dừng lại ở chuyện vứt đồ
Khi “tối giản” đã nâng lên thành một lối sống thì không chỉ dừng ở việc tạo không gian “tối thiểu đồ vật nhưng tối đa hạnh phúc”. Bạn hoàn toàn có thể áp dụng lối sống này trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống:
- Tối giản thông tin: Quá nhiều thông tin từ mạng xã hội, truyền thông, truyền hình… Thứ tưởng chừng giúp ta trở nên “biết tuốt” trong thời đại số thì lại “đánh cắp” thời gian cá nhân quá nhiều.
- Tối giản mối quan hệ: Dành thời gian cho những mối quan hệ thân thiết nhất, hiểu ít người nhưng hiểu “sâu” hơn biết nhiều người mà biết “cạn”.
- Tối giản giải trí: Giải trí cũng phải “chất”, chọn những chương trình đem lại nhiều giá trị như giá trị giải trí, giá trị nhân văn, giá trị kiến thức… giữa “mạng nhện” các chương trình như hiện nay.
Sống tối giản là sống tinh tế, chỉ giữ lại những gì tinh túy nhất bên mình. Và khi xung quanh chỉ còn vài món đồ cơ bản, tôi tin chắc bạn sẽ không còn bị vật chất làm xao lãng, bạn sẽ có nhiều thời gian để nghĩ về bản thân, về những điều quan trọng nhất. Nhưng hãy nhớ, sống tối giản không có nghĩa là một cuộc chạy đua cạnh tranh sống với ít đồ đạc nhất có thể, vì bản thân mỗi người sẽ có một quan điểm tối giản khác nhau.
Bạn sẽ chọn lối sống tối giản chứ?
24/05/2017
Bài, ảnh: Ngô Phương Thảo
Đăng nhập tài khoản để bình luận