Nghệ thuật dọn dẹp nhà cửa của Marie Kondo
Bất cứ ai cũng muốn có một ngôi nhà sạch sẽ, sáng sủa, ngăn nắp. Nhưng trong thực tế, mục tiêu tưởng chừng đơn giản đó lại không dễ đạt được. “Bài trí nhà cửa”, hay nói một cách dân dã hơn, “dọn dẹp nhà cửa” không chỉ là một nghệ thuật, mà đôi khi còn là một cuộc chiến căng thẳng với chính bản thân mình. Hãy cùng Kilala khám phá những kiến thức “kinh điển” trong việc dọn dẹp mà tác giả Marie Kondo đã đúc kết qua cuốn sách nổi tiếng khắp thế giới vừa được dịch ra tiếng Việt với tựa đề: “Nghệ thuật bài trí của người Nhật: Phép màu thay đổi cuộc sống”.
Định nghĩa lại hai chữ "DỌN DẸP"
Nhờ quá trình nghiên cứu cách thức tạo sự gọn gàng cho không gian sống từ khi mới. 5 tuổi, tác giả Marie tường tận mọi suy nghĩ của phụ nữ khi dọn dẹp. Cô nhắc rất nhiều lần 2 nguyên tắc “bất di bất dịch”: TỪ BỎ và SẮP XẾP, mà yếu tố tiên quyết phải là TỪ BỎ.
Việc từ bỏ một vật luôn là quá trình đấu tranh tâm lý dữ dội, bởi phụ nữ thường tự dỗ dành mình: “Biết đâu sau này mình lại cần đến nó”, “Vứt nó đi thì thật là lãng phí”. Nhưng theo Marie, những tài liệu được phát trong một khóa học, sổ tay hướng dẫn khi mua dụng cụ, thiệp chúc mừng, quà được tặng,. tất cả đều cần VỨT BỎ HẾT. Vì sao vậy?
◆ Những thứ bạn nghĩ bạn SẼ CẦN, thật ra bạn KHÔNG BAO GIỜ dùng đến. Hãy KIÊN QUYẾT VỨT BỎ nếu bạn có khao khát thoát khỏi sự bừa bãi và lộn xộn trong căn nhà mình.
◆ Một vật sẽ là lãng phí nếu nó không có cơ hội đóng góp ý nghĩa nào cho cuộc sống của bạn vì bị bỏ xó hay lãng quên. Chưa kể, nó còn khiến căn nhà bạn mất thêm không gian, đóng thêm bụi. Vứt bỏ đi và bạn sẽ có thêm kinh nghiệm cho lần sau – chỉ mua những thứ thật sự cần.
◆ Chúng ta gần như không bao giờ đọc lại tài liệu được phát sau khi khóa học kết thúc. Giá trị khóa học mà bạn tham gia chỉ nằm ở chỗ bạn áp dụng được gì sau đó chứ không nằm ở tài liệu bạn tích trữ.
◆ Về thiệp chúc mừng hay quà tặng, tác giả cho rằng: “Bạn có thể bỏ chúng đi với sự trân trọng vì chúng đã truyền tải tới bạn sự quan tâm của người gửi” – Như vậy, chúng đã hoàn tất nhiệm vụ của mình.
Hãy đối xử với từng món đồ với thái độ trân trọng, vì chúng đang rất nỗ lực để giúp cho cuộc sống của bạn trở nên dễ dàng hơn. Mỗi khi đến nhà khách hàng, Marie thậm chí còn thực hiện “nghi lễ” chào hỏi và đề nghị ngôi nhà giúp đỡ mình để tạo không gian sống hạnh phúc hơn cho gia chủ hay nói lời cảm ơn cho mỗi món đồ mình sử dụng. Khi dọn dẹp, cô mặc quần áo chỉnh tề vì mong muốn ngôi nhà cũng sẽ cảm nhận được sự trân trọng của mình.
Dọn dẹp nhà cửa chính là cách bạn tạo nên một không gian sống được bao quanh bởi những món đồ bạn yêu thích nhất và cần thiết nhất, hệt như cách bạn đối xử với các mối quan hệ trong cuộc sống – chỉ giữ những ràng buộc mang ý nghĩa tốt đẹp và dứt khoát từ bỏ những mối quan hệ chỉ mang đến sự tiêu cực.
Đây là một định nghĩa rất đơn giản nhưng ít ai trong chúng ta để ý đến. Ngoài những lợi ích mà ta thừa biết của việc dọn dẹp như giúp giảm cân, hạn chế được việc mua sắm không cần thiết, theo Marie, chính nhờ giây phút ấy, bạn sẽ phát hiện ra mình thực sự thích gì, bạn không còn đùn đẩy trách nhiệm ra quyết định cho người khác, nhờ vậy mà kỹ năng ra quyết định của bạn cũng được rèn luyện.
Làm thế nào để biết được đó có thực sự là món đồ đáng giữ lại?
Có một cách tuyệt vời mà bạn sẽ luôn ghi nhớ sau khi đọc cuốn sách này, đó chính là CẦM TỪNG THỨ MỘT TRÊN TAY và suy nghĩ “Thứ này có mang lại niềm vui không?”. Có, giữ nó. Không, vứt đi. Chính trong khoảnh khắc xúc giác hoạt động, bạn đã truyền năng lượng của mình vào đó và cảm nhận chính xác được đây có phải là thứ mình cần hay không. Và với những món đồ bạn quyết định vứt đi, hãy nói lời cảm ơn khi tạm biệt chúng vì chúng đã từng đem lại niềm vui khi bạn mua nó.
Nếu người thân ngăn cản bạn dọn dẹp?
Đôi khi chính những người thân của chúng ta mới là người ngăn cản ta thực hiện quá trình làm đẹp nhà cửa. Bởi họ cũng đang phải đối diện với đau khổ khi chia tay những món đồ kỷ niệm và cảm thấy bạn là người lãng phí nhất trên đời! Đừng thất vọng vì chính bạn cũng đã từng có suy nghĩ đó, đúng không nào? Marie có cách để “xoay chuyển tình thế”. Cô chuyển những vật dụng không được dùng đến trong nhiều năm vào sâu phía trong, “nếu không ai để ý là chúng biến mất, tôi sẽ tống khứ chúng, mỗi lần một thứ, như kiểu tỉa lá cây vậy.”
Cuốn sách là một “bí kíp gối đầu giường” cho mỗi gia đình, mỗi người phụ nữ, và kể cả nếu bạn là đàn ông thì đây vẫn là một cẩm nang hữu ích. Đừng trông chờ vào một kết quả hoàn hảo khi bạn chỉ mới bắt đầu. Trong quá trình tư duy thay đổi, các kỹ năng cũng dần được hình thành.
Nếu mỗi lần dọn dẹp mà còn ngần ngại vứt bỏ một món đồ nào đó, tôi sẽ luôn nhớ đến câu nói mà tôi tâm đắc nhất trong cuốn sách của Marie: “Khoảng trống để chúng ta sống lúc này là vì con người mà chúng ta đang trở thành, chứ không phải vì con người chúng ta trong quá khứ”.
Một vài bí quyết dọn dẹp
- Dọn dẹp lúc sáng sớm, khi tinh thần minh mẫn nhất.
- Có thêm ánh sáng trong không gian, hoặc một chút giai điệu không lời sẽ tạo thêm động lực.
- Cách sắp xếp đúng nhất là dựng dọc mọi thứ chứ không phải chồng lên.
- Với quần áo và sách, hãy bày hết ra trên sàn để có cái nhìn tổng quát nhất. Rất có thể lúc đó bạn sẽ há hốc ngạc nhiên trước lượng đồ bạn đang sở hữu đấy!
- Xác định chỗ để vật trước khi mua.
- Bạn có thể “tận mục sở thị” hướng dẫn gấp quần áo của tác giả qua các video clip trên Youtube với những từ khóa như "Marie Kondo: Basic Folding Method”, "How to tidy with Marie Kondo”.
Ngô Phương Thảo/ kilala.vn
16/01/2017
Bài: Ngô Phương Thảo/ Ảnh minh họa: PIXTA
Đăng nhập tài khoản để bình luận