Người tình Sputnik - Sự lãng quên của những điều quên lãng
Em về mấy thế kỷ sau
Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không
(Bùi Giáng)
Đoạn kết của Người tình Sputnik làm tôi nhớ đến những vần thơ của Bùi Giáng.
“Tôi thò đầu ra ngoài nhìn lên trời. Trên trời đúng là có mảng trăng bán nguyệt mờ mờ. Tốt! Như vậy là cả hai chúng tôi cùng nhìn mảnh trăng này, cùng ở trong thế giới này. Chúng tôi nối với thực tại bằng cùng một sợi chỉ. Bây giờ tôi chỉ việc lặng lẽ kéo sợi chỉ đó về phía mình."
Văn chương của Haruki Murakami cũng như sợi chỉ ấy, mong manh, chúng kết nối với người đọc. Người tình Sputnik có thể không phải là tác phẩm tiêu biểu của ông, nhưng câu chuyện có con đường ngắn nhất đến với trái tim của những người còn có nó. Tương tự như Rừng Na-uy, cái kết của Người tình Sputnik cũng dừng lại ở một bốt điện thoại, nơi câu chuyện thực sự bắt đầu ở dấu chấm của nó.
Trong lần đọc đầu tiên, tôi đã nghĩ rằng cô đơn là tất cả những gì cuốn sách mang tới, như tất cả những gì người ta hay nhầm về Haruki Murakami và những điều ông truyền tải khi độc giả thường là những người cô đơn. Cứ thế, tôi cắm chìa khóa của sự đơn độc vào cuốn sách, cánh cửa mở ra nhưng đó là một kiểu cánh cửa thần kì có thể dẫn người mở đến bất cứ đâu họ muốn, và tôi ở nơi tôi muốn, không còn gì tuyệt vời hơn. Nhưng hãy mở cánh cửa đó một lần nữa, với sự trống rỗng, với một đôi mắt khác để nhìn thấy.
“Một cái vỏ rỗng! Đấy là những từ đầu tiên hiện ra trong óc tôi. Chị giống như một ngôi nhà rỗng không sau khi mọi người đã bỏ đi cả. Một cái gì đó quan trọng – chính cái đã cuốn Sumire theo như một cơn lốc, đã làm run rẩy trái tim tôi khi tôi đứng trên phá – đã biến khỏi Miu vĩnh viễn.”
Murakami mang màu sắc đến cho những thứ vô hình như cách màu trắng biểu hiện trên mái tóc của Miu. Thứ vô hình ấy là những trải nghiệm, những nỗi đau thuần khiết, là sự mất mát của những điều mất mát.
“Nhưng ngày mai tôi sẽ là một con người khác, không bao giờ trở lại như cũ được nữa. Sẽ không ai nhận thấy điều này khi tôi trở về Nhật Bản. Nhìn bề ngoài sẽ không có gì khác. Nhưng có thứ gì đó bên trong đã bùng cháy và biến mất. Máu đã chảy, và một thứ gì đó bên trong tôi đã tiêu tan. Mặt cúi xuống, không nói một lời, cái gì đó đã chết.”
Sự mất mát Sumire và sự mất mát của điều ấy, Sumire như một linh hồn theo sau nhân vật chính khi quỹ đạo hai vệ tinh của chúng tôi ngẫu nhiên ngang qua nhau […] Nhưng chỉ trong một khoảnh khắc hết sức ngắn ngủi mà thôi. Và tất cả những gì đứng trước chữ “nhưng” đều là không thực. Nó tạo độ rung cho hành động của người kéo cái sợi chỉ để người ta phải “lặng lẽ”. Mọi người cảm nhận được vệ tinh cô đơn trên không gian mà quên mất sự lơ lửng của nó, trên cái vũ trụ, không hẳn vô nghĩa, mà trống rỗng.
Hình ảnh ánh trăng xuất hiện ở cuối cuốn sách giống như một kết nối với quá khứ, người ta cảm giác như Sumire đã biến mất như một hình ảnh siêu thực, nhưng có thể lắm, đó là viên kẹo ngọt dịu tâm hồn với sự ra đi, với điều không còn tồn tại, không tồn tại. Màu trăng chẳng còn nguyên màu đó, điều chúng ta thấy, màu trắng đã nhuốm máu, tất cả là một sự lừa dối. Nhưng. Nỗi đau là có thật.
Mê Mộng/ docsach.org
Đọc Sách là chuyên trang phi lợi nhuận tập hợp những bài viết luận, bình, và cảm về sách cũng như các ý tưởng đến từ sách. Đọc Sách được thành lập vào tháng 1 năm 2017 bởi Đăng Trình, Phương Thùy và Huy Minh.
Website: https://docsach.org/
13/12/2017
Bài: Mê Mộng/ docsach.org
Đăng nhập tài khoản để bình luận