"Look Back": One-shot cảm động về tình bạn của cha đẻ “Chainsaw Man”
Tác phẩm mới nhất của tác giả Tatsuki Fujimoto không chỉ là lời tri ân sâu sắc đến những người đang miệt mài trên con đường sáng tác manga, mà còn là cách ông thể hiện nỗi tiếc thương với những nạn nhân xấu số từ vụ phóng hoả xưởng phim hoạt hình Kyoto Animation năm 2019.
Tatsuki Fujimoto là cái tên không hề xa lạ với những ai yêu thích manga qua hai bộ truyện “Chainsaw Man” và “Fire Punch” bởi sự cuốn hút và độc lạ đến từ phân cảnh chiến đấu đẫm máu và độ hài hước đen tối. Tuy nhiên, chính tác giả này cũng có những oneshot lừng danh cho thấy một phong cách khác - sâu lắng, buồn bã hơn. Một trong số đó là oneshot “Look Back” (2021) đã được NXB Trẻ phát hành, mà Kilala muốn giới thiệu cho bạn đọc ngày hôm nay.
Tình bạn đẹp và buồn của hai người bạn cùng mê vẽ truyện tranh
Khi cầm trên tay quyển manga, người đọc dễ ấn tượng với gam màu xanh lá tràn ngập bìa quyển truyện. Hình ảnh một cô bé mặc hoodie màu xanh lá quay lưng ngồi vẽ say sưa trong khung cảnh êm ả. Điều này khiến “Look Back” mang một màu sắc khác: một cảm giác bình yên, tĩnh lặng về ký ức tươi đẹp của tuổi học trò.
Bối cảnh diễn ra trong ngôi trường tiểu học, Fujino là cô bé lớp bốn luôn kiêu hãnh với những tác phẩm truyện tranh được đăng trên báo tường của trường mình. Tuy nhiên một ngày nọ, niềm tự hào ấy bị thử thách khi thầy cô và bạn bè cùng lớp trầm trồ trước mẩu truyện tranh của một tác giả hoàn toàn lạ lẫm, với nét vẽ đẹp hơn và sắc sảo hơn truyện của Fujino.
Vừa ganh tỵ, vừa nể phục, Fujino ngày ngày luyện vẽ hăng say để cạnh tranh với tác giả giấu mặt này và quyết định sẽ phải tìm ra được danh tính đối thủ. Và rồi cô đến nhà gặp Kyomoto - đối thủ của mình, nhưng lại bất ngờ trước sự rụt rè, nhút nhát của vị tác giả này. Thực chất, Kyomoto khi nhìn thấy tác phẩm của Fujino đã cảm thấy tự ti và quyết tâm một mình dành mọi thời gian để vẽ.
Lời thách thức của Fujino đã kéo cô bé khỏi “cái kén” cô độc hằng ngày. Họ thành đôi bạn thân thiết, cùng thăng hoa trong việc sáng tác manga, cùng nung nấu ý chí thi vào trường Mỹ thuật.
Học khác trường, họ bắt đầu có lối đi riêng. Fujino mải bận với mối lo riêng - việc sáng tác, việc học và mối quan hệ mới cho đến khi cô nhận được hung tin qua báo. Người bạn thân thiết thuở nào - Kyomoto nhút nhát vĩnh viễn ra đi sau một vụ tấn công ngay tại trường đại học.
Hung thủ vụ án vì tức giận khi tác phẩm mình bị “ăn cắp chất xám” đã vào trường xuống tay điên cuồng thảm sát bằng rìu. Lúc này, tâm trí Fujino vừa quay về thời kỳ sáng tác tươi đẹp không lo lắng của cả hai, vừa nghĩ đến một viễn cảnh khác - rằng giá như cô có thể cứu cô bạn của mình.
Điểm đặc biệt trong oneshot “Look Back” là có rất nhiều khung hình không có lời thoại nhưng lại rất tự nhiên. Hình ảnh hai cô bé mải miết ngồi sáng tác truyện tranh trong không gian yên tĩnh lôi cuốn người đọc vào sự tĩnh lặng và êm ả của thời niên thiếu nhiều nhiệt huyết, vô tư. Qua đó, người đọc cũng cảm nhận được đam mê, nỗ lực của những người làm công việc vẽ truyện tranh, cũng như cách Tatsuki Fujimoto truyền tải hình ảnh của mình vào trong đó.
Nhân vật Kyomoto, Fujino và tác giả mang nét tương đồng với nhau: họ đều có tác phẩm tạo được tiếng vang ở độ tuổi 27. Xuyên suốt hành trình theo đuổi việc vẽ manga, họ đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc: vui sướng có, thất vọng có, tuyệt vọng có. Thậm chí nhiều lúc họ say sưa vẽ khi bụng đang đói. Điều này cũng giống như lúc Tatsuki Fujimoto vẽ “Look Back”: ông đã vẽ tác phẩm khi bụng rỗng không.
Lời tri ân đến những nạn nhân xấu số trong vụ phóng hỏa xưởng phim hoạt hình KyoAnimation
“Look Back” không chỉ là lời tâm tình chân thành của Tatsuki Fujimoto cho sự nghiệp vẽ của bản thân, mà thực chất được lấy chất liệu từ sự kiện có thật: vụ tấn công và đốt phá kinh hoàng xưởng phim của hãng Kyoto Animation ngày 18 tháng 7 năm 2019. Vị hoạ sĩ trẻ không ngần ngại đưa những tình tiết gợi lại ký ức về sự kiện kinh hoàng này trong truyện của mình. Đây là vụ án được coi là vụ thảm sát kinh hoàng nhất của Nhật Bản từ sau Thế chiến thứ hai.
Trong vụ thảm sát KyoAni, thủ phạm cũng có động cơ tương tự với nhân vật trong “Look Back”: hắn mang theo dao và tấn công ngẫu nhiên vài nhân viên của xưởng sau khi vào studio, sau đó phóng hoả. Lời cáo buộc về việc xưởng đạo tác phẩm của y cũng hoàn toàn vô căn cứ.
Với “Look Back”, tác giả bộ truyện “Chainsaw Man” vừa muốn tri ân những nạn nhân xấu số của sự kiện KyoAni, đồng thời nó cũng là cách ông sắp xếp lại những cảm xúc và giải toả cảm giác vô vọng trong việc vẽ trước đây - khi cùng mọi người tham gia cải tạo lại vùng đất quê hương Tohoku vào năm 2011, nơi diễn ra đại thảm hoạ động đất.
Xem thêm: Nghi phạm vụ phóng hỏa Kyoto Animation chính thức bị bắt giữ
Sự ra đời của Look Back cũng mang lại những quan điểm tranh cãi: liệu có quá sớm để gợi lại những ký ức đau thương không? Tuy nhiên, khi nhìn vào góc nhỏ trang đầu tiên của quyển truyện có dòng chữ nhỏ “Don’t Look Back” và góc nhỏ trang cuối “In Anger”, người đọc có thể hiểu thông điệp gửi gắm: Đừng ngoảnh nhìn lại mọi thứ trong sự tức giận.
Bản thân vụ phóng hoả xuất phát từ sự phẫn nộ tột cùng của một con người, mất mát cũng đã xảy ra, việc của những người như Fujino là đứng lên tiếp tục sáng tác để tạo ra di sản trong lòng công chúng. Nhìn lại để hồi tưởng về ký ức tươi đẹp, chứ không vì đó mà tiếp tục tạo nỗi đau.
kilala.vn
15/02/2023
Bài: Vĩnh Anh
Đăng nhập tài khoản để bình luận