Banana Yoshimoto: nhà văn chữa lành tổn thương của người trẻ
Đôi điều về cuộc đời và phong cách của Banana Yoshimoto
Banana Yoshimoto tên thật là Yoshimoto Mahoko, sinh năm 1964 tại Tokyo và là con gái của triết gia, nhà thơ, nhà phê bình văn học Nhật Bản nổi tiếng Takaaki Yoshimoto. Banana từng tốt nghiệp ngành Văn học Nghệ thuật trường Đại học Nhật Bản, bút danh Banana Yoshimoto cũng được đặt vào thời gian này.Tại đây, tài năng của bà lần đầu được biết đến với tiểu thuyết ngắn "Moonlight Shadow" (Bóng Từ Ánh Trăng), giành được giải thưởng Izumi Kyoka của khoa vào năm 1986.Theo chia sẻ của bà thì bút danh "Banana" xuất phát từ sự yêu thích dành cho hoa chuối ("ばなな – banana" trong tiếng Nhật nghĩa là "chuối"), đồng thời còn thể hiện sự “dễ thương” và “lưỡng tính một cách có mục đích”. Về sau chính cái tên này đã gắn liền với sự ra đời của hiện tượng Banana (Bananamania).
Một trong những công việc yêu thích và được thực hiện đều đặn mỗi ngày của bà là dành riêng nửa giờ đồng hồ để viết lách trên máy tính, bên cạnh việc duy trì tạp chí trực tuyến dành cho người hâm mộ với ngôn ngữ được sử dụng là tiếng Anh. Khi bắt đầu sự nghiệp viết lách của mình, Banana thường nhắc đến tác giả người Mỹ Stephen King như một trong những người có ảnh hưởng chính đến phong cách văn học, các tiểu thuyết không chứa yếu tố kinh dị của ông chính là nguồn cảm hứng cho bà. Về sau, khi sự nghiệp văn chương có nhiều tiến triển, Banana dường như lại chịu ảnh hưởng nhiều hơn bởi Truman Capote và Isaac Bashevis Singer.
Ở Nhật, văn chương của Banana Yoshimoto luôn nhận được rất nhiều ý kiến trái ngược nhau giữa những nhà phê bình và độc giả. Đối với các nhà nghiên cứu, văn của bà được đánh giá khá thấp vì họ cho rằng không đủ chiều sâu, mang nặng tính thương mại và đây chỉ là tác phẩm được viết bởi một người phụ nữ quẩn quanh bếp thuần túy. Ngược lại, giới trẻ luôn háo hức đón nhận “cô Chuối” với niềm say mê và những lời ca ngợi có cánh. Bởi họ tìm thấy trong những tác phẩm ấy sự đồng cảm, bên cạnh đó còn là những vẻ đẹp xúc cảm và sự dung hòa giữa truyền thống – hiện đại.
Banana Yoshimoto luôn viết về các vấn đề nhạy cảm trong xã hội như: loạn luân, quan hệ đồng giới, chuyển đổi giới tính với một thái độ cảm thông của người mang trái tim nhân hậu.Những nhân vật trong trang văn của Banana Yoshimoto đa phần là những người trẻ bị tổn thương tinh thần, thể xác nhưng tất cả đều gắng gượng để sống, để được an lành, không tuyệt vọng và hướng tới một tương lai tươi sáng hơn.
“Văn của Banana đã tiến gần đến thơ, tiết độ và gọt giũa, gợi không khí vừa thuần khiết vừa u hoài của tâm trạng, trên ranh giới mong manh của những gì được nói ra một cách tằn tiện và những gì được giữ lại kìm nén trong tâm tư thầm kín của nhân vật.”– Nhã Nam
Một số tác phẩm tiêu biểu của Banana Yoshimoto
Kitchen (1988)
Dù là tác phẩm đầu tay nhưng chính Kitchen đã tạo nên “Hội chứng Banana” ở Nhật với hơn 2,5 triệu bản được tiêu thụ và tái bản trên 60 lần. Đây còn là cuốn sách được chọn để làm quà gửi tặng các đại biểu ngoại quốc tham gia Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Nhật năm 1993. Kitchen là quyển tiểu thuyết đầy sức mê hoặc và cũng là bản thể chứa đựng nhiều bài học sâu sắc về tình yêu, bi kịch cũng như làm bật lên tầm quan trọng của căn bếp dưới mái ấm gia đình. Vì vậy nó đã thực sự trở thành một nơi trú ẩn ngọt ngào đối với mọi người, đặc biệt là Mikage – nơi này đã giúp cô khuất lấp đi hết thảy mỏi mệt khi phải sống với thực tại đầy khắc nghiệt của mình.
Cũng chính từ căn bếp mà tình cảm giữa Yuichi và Mikage ngày càng gắn bó. Từ chính những san sẻ trong lúc hoạn nạn và cô độc đã khiến họ dần cảm nhận được là mình cần nhau, còn đối phương đã trở thành niềm hy vọng để họ tiếp tục bấu víu vào cuộc sống. Giữa họ không đơn thuần là tình yêu, mà nó sâu đậm như tiếng “thương” của người Việt mình, họ cần và sống tiếp là vì nhau.
Những nhân vật trong câu chuyện có thể khác nhau về huyết thống nhưng đều là những nốt trầm trong bản giao hưởng của xã hội Nhật lúc bấy giờ. Trong lòng họ luôn có một hố sâu của cô đơn, buồn bã và sợ hãi. Tuy nhiên điều quý giá nhất chúng ta có thể nhận ra là họ vẫn cố gắng sống và vượt qua nỗi đau mất mát người thân.
N.P (1990)
N.P là một tiểu thuyết dị thường với nhóm bốn nhân vật lạ lẫm, phức tạp về cảm xúc. Tác phẩm bắt đầu với một lời nguyền chết chóc đáng sợ. Thiên truyện thứ 98 của cố nhà văn Takase Sarao luôn tìm cách đoạt lấy sinh mệnh của những kẻ sở hữu nó. Trong đó có Shoji, một dịch giả đã tự sát khi đang cố chuyển ngữ tác phẩm này sang tiếng Nhật. Ám ảnh sau sự ra đi đột ngột của người thương, Kazami bắt đầu lên kế hoạch tìm kiếm sự thật đằng sau những trang bản thảo giết người. Giống như bao kẻ xấu số khác, Kazami không thể cưỡng lại sự hấp dẫn và quyến rũ của thiên truyện bí ẩn.
Mối nhân duyên bất ngờ được dẫn lối tới ba người con của Takase Sarao là Saki, Otohiko và Sui – em cùng cha khác mẹ với Saki và Otohiko, Kazami dần khám phá được những bí mật phía sau gia đình này. Cuối cùng tấn bi kịch cũng đến lúc phải hạ màn.
N.P được Banana viết bằng văn phong hết sức giản dị, dù đề cập đến một chủ đề gai góc và u uất là tình yêu đồng giới – đồng huyết nhưng không hề có ý cổ xúy hay phản đối. Từng câu, từng chữ, mỗi trang, mỗi dòng đều thể hiện rõ tấm lòng của cô gửi gắm, như đó là nỗi dằn vặt đớn đau, trải nghiệm của chính cô. N.P chứa đựng “…một không gian vừa hiện thực, vừa hư ảo cùng những nhân vật đều thiện và đẹp với thứ bút pháp miêu tả tâm lý tinh tế đáng khâm phục, tất cả điều đó làm nên một Banana duy cảm, duy mỹ và duy thiện” (lời giới thiệu của dịch giả Lương Việt Dzũng).
Amrita (1994)
Amrita với bìa sách xanh màu biển, lấp lánh các con sóng nhỏ bạc đầu, cùng những cánh chim hải âu đang tung bay và hình ảnh một cô gái đầy nỗi u hoài sẽ dễ lọt vào tầm mắt của bạn. Dù bạn có vẽ ra hàng tá những liên tưởng về một câu chuyện đầy đau thương và mỏi mệt thì chính Yoshimoto sẽ luôn biết cách biến sự mất mát, bi ai trở nên rực rỡ. Với những tình tiết mang hơi hướng huyền ảo, Amrita càng về sau càng trở nên nhẹ nhàng và sâu lắng hơn.
Ngay trong lời giới thiệu, báo Asahi đã nhận định tiểu thuyết của Yoshimoto Banana giống như trò chơi cảm giác mạnh tốc độ cao Jet-coaster, một khi đã ngồi lên rồi, ta sẽ bị cuốn đi đến tận cùng với tốc độ của nó. Amrita là kiểu tiểu thuyết như vậy, đã đọc được một trang lại muốn lật đến trang tiếp theo để hiểu hết những diễn biến tâm lý và xúc cảm của các nhân vật. Yoshimoto không hề cố ý tạo ra một câu chuyện hoàn hảo, mà bà dẫn dắt độc giả đi theo hành trình tìm lại chính mình và nhặt nhạnh từng mảnh vỡ ký ức để ghép nó thành bức tranh hoàn thiện như trước của nhân vật chính Sakumi, người bị mất trí nhớ sau một tai nạn. Lẫn trong đó là khát khao được sống một cách trọn vẹn và sự ham sống đến tột cùng của Sakumi, chính điều ấy đã giúp cô tạo nên sức mạnh ý chí rất diệu kỳ. Độc giả từ bao giờ cũng dần đắm chìm vào hành trình đó một cách vô thức, từng bước chân Sakumi trên chặng đường gian nan của chính mình đã thực sự chạm đến mớ bòng bong cảm xúc mà những người trẻ chôn giấu bên trong, cho họ thêm động lực tiến về phía trước.
Hồ (2005)
Có những nỗi đau chỉ như cơn gió thoảng trong đời, giúp ta ngộ ra rất nhiều điều trong cuộc sống này. Nhưng cũng có những nỗi đau trở thành một làn khói cứ từng ngày ám vào tâm hồn ta chẳng thể xoá nhoà được, nỗi đau đó giống với Chihiro và Nakajima. Họ cứ như bị lạc vào mê cung của sự tổn thương, mất mát mà không tìm được lối ra, càng đi sâu lại càng thấy bế tắc. Vậy mà khi hai tâm hồn đầy những vết xước ấy tìm thấy nhau, họ lại trở thành kim chỉ nam của đối phương, cùng nhau soi đường để thoát khỏi những ám ảnh trong quá khứ. Hồ của Banana Yoshimoto chứa đựng một hồn văn lặng lẽ và tĩnh tại, giống như mặt hồ phẳng lặng nhưng lại mang trong mình một cơn sóng ngầm của sự ám ảnh – một nỗi ám ảnh thật dịu.
Một bầu không khí nằng nặng bóng tối tinh thần nhưng lại trong vắt không thể nào quên của Hồ sẽ khiến người đọc cảm thấy vô cùng hài lòng. Hồ giống như một bức tranh thuỷ mặc chứa đựng nhiều nét màu u buồn nhưng lại phảng phất đâu đó sự bình yên như chính tâm hồn của Chihiro và Nakajima khi họ tìm thấy nhau.“Quan trọng nhất không phải là đấu tranh để xoá đi sự khác biệt, mà là thấu hiểu sự khác biệt và lý do tồn tại của người khác”.
Nắp Biển (2004)
Nắp Biển là tác phẩm mang sự xoa dịu bình dị và an ổn, như thể: “Chỉ cần sống trên đời thôi cũng có quá nhiều điều kỳ diệu”. Bạn sẽ rất khó để tìm ra một câu từ mĩ miều hay những hình ảnh tượng trưng mang thông điệp quá lớn lao trong Nắp Biển, vậy mà Yoshimoto vẫn đủ sức để lan tỏa cảm giác yên bình bằng câu chuyện chẳng thể đơn giản hơn của Mari và Hajime. Một ý định khởi nghiệp điên rồ với hàng tá vấn đề về tài chính lẫn lượng khách tiêu thụ, bài học đẹp đẽ về tình cảm gia đình, xúc cảm chân thành xuất phát từ lòng thương mến đặc biệt đối với quê hương và mối quan hệ lạ lùng giữa hai cô gái… thật sự chẳng cần phô trương chút nào nhưng tất cả lại lấp lánh như sao đêm trên biển vậy.
Vẫn phong vị thuần khiết và thành thật đã lôi cuốn bao lứa độc giả vào thế giới của cô, nhưng Yoshimoto đã nương bớt mỹ học của cái lạnh lùng để kể về chiêm nghiệm của người sống đời giản dị, về ý nghĩa sâu xa từ cái thường ngày. Nắp Biển như một bài thơ nhẹ nhàng nhưng đầy ắp cảm giác rằng cuộc sống đã là phép lạ, rằng linh hồn thế giới ngụ trong từng vốc nước nhành cây, và những con người bé nhỏ nơi góc biển cũng có thể vì tình yêu với một không gian mà khiến nó nở đầy hoa đẹp. Một quyển sách chứa đựng quá nhiều hơi thở của sự tự do nhưng đâu đó vẫn thấp thoáng những cái nghẹn ngào của nỗi cô đơn.
“Đừng quá bận tâm về vật chất, chỉ cần mỗi ngày trước khi đi ngủ đều cảm tạ một ngày trôi qua thì dù có ở đâu con người ta cũng có thể là con người. Vì thế mà dù có bị trôi dạt về đâu em cũng không ngại. Đi đến đâu em cũng sẽ biến nó thành tốt đẹp, em sẽ tiếp tục tạo ra thật nhiều kỷ niệm. Và khi mất đi, em sẽ mang theo những kỷ niệm đó như mang một bó hoa to ôm không xuể”.
kilala.vn
04/05/2021
Bài: Mayy
Ảnh bìa: matrixbarcelona.com
Đăng nhập tài khoản để bình luận