Review Kitchen: Khi phải chết, tôi muốn được chết trong bếp
Kitchen là cuốn tiểu thuyết đầu tay của Banana Yoshimoto, ngay khi vừa giới thiệu với độc giả, cuốn sách đã tạo nên "Hội chứng Banana" ở Nhật Bản với 2,5 triệu bản sách được tiêu thụ và tái bản trên sáu mươi lần. Ngoài ra, cuốn sách còn được chọn là món quà gửi tặng các đại biểu ngoại quốc tham gia Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Nhật năm 1993.
Tình yêu bình thường trong một hoàn cảnh bất thường
Sakurai Mikage, cô gái trẻ luôn ám ảnh về gia đình chỉ có duy nhất một người, cuối cùng đã thực sự chỉ còn lại một mình sau khi bà cô mất. Người bà yêu hoa cỏ đã để lại cho cô một mối an duyên trong đời – người bạn vong niên của bà, chàng trai Tanabe Yuichi phụ việc ở cửa hàng hoa. Khi cô định chuyển nhà, Yuichi đề nghị cô đến sống tạm tại nhà anh. Theo một lẽ rất tự nhiên, Mikage biết được bí mật về người cha chuyển giới xinh đẹp mà Yuichi gọi bằng mẹ khi sống chung cùng gia đình anh.
Với Kitchen, mọi sự thấu hiểu và ngơi nghỉ của tâm hồn lạc lõng đều neo đậu ở căn bếp gọn ghẽ, tinh tươm thông với phòng khách nhà Tanabe. Họ uống trà, nói với nhau những câu chuyện không đầu không đũa, Mikage nấu ăn và Yuichi phụ bếp nhưng từ đó trở đi họ tìm thấy một nửa đồng điệu trong niềm cô đơn riêng của mỗi người. Nỗi cô đơn mà người yêu trước đó của cả hai đều không bao giờ chạm tới được.
Với Kitchen, mọi sự thấu hiểu và ngơi nghỉ của tâm hồn lạc lõng đều neo đậu ở căn bếp gọn ghẽ, tinh tươm thông với phòng khách nhà Tanabe. (Ảnh: Tú Anh)
Suốt hồi chuyện dài, người đọc không tìm thấy đâu một câu thổ lộ nhưng vẫn nhận ra những chuyển điệu tinh vi của tình yêu. Sau cái chết bất ngờ của mẹ Yuichi, cả hai đều nhận ra điều không nói. Nhưng nỗi sợ mất đi người thân duy nhất, sợ phải một mình án ngữ giữa tình yêu của hai tâm hồn nhạy cảm. Họ vẫn im lặng, lời nói có gì quan trọng nữa đâu vì tình yêu bắt đầu bằng tình thương sẽ luôn ở đó, không lay chuyển khó đổi dời. Mikage vẫn rúc vào áo của Yuichi khi trời trở lạnh. Yuichi từ chối một lời tỏ tình vì tự hỏi “còn Mikage thì sao?”
Nhưng cuối cùng, giữa tình yêu và nỗi sợ hãi, tình yêu vẫn cho những kẻ đang yêu nhiều dũng khí hơn. Từ vùng Izu xa xôi, Mikage đã mang món mì katsudon nóng hổi đến chỗ Yuichi chỉ để nói với anh: “Nếu từ nay, có thêm mình ở bên có thể Yuichi sẽ phải chứng kiến thêm những điều cực nhọc, những điều phiền toái và cả những điều khó chịu nữa nhưng chỉ cần Yuichi đồng ý thôi cả hai chúng mình sẽ đến một nơi nào đó nhọc nhằn hơn nhưng cũng tươi sáng hơn.”
Đừng chỉ dán nhãn “nữ tính” cho người yêu bếp
Mikage yêu bếp, dù là căn bếp sạch sẽ hay bẩn thỉu, miễn là bếp Mikage sẽ đặt trọn lòng yêu. Mikage tin rằng khi đứng ở bếp “tất cả mọi thứ sẽ trở lại lúc ban sơ và thế nào rồi cũng có điều gì đó sẽ quay về”. Cô yêu bếp đến độ muốn trút hơi thở cuối cùng trong bếp.
Từ lâu, bếp là không gian được dán nhãn “nữ tính”. Nhưng tình yêu của Mikage dành cho bếp trong Kitchen thể hiện đặc quyền phái tính theo một cách riêng.
Khác với những cô gái đến lớp học nấu ăn để yêu và cưới chồng, Mikage bỏ ngang đại học, đến phụ việc ở đó chỉ vì tình yêu thuần tuý dành cho bếp. (Ảnh: Tú Anh)
Hình ảnh người cha chuyển giới Eriko mà Yuichi gọi là mẹ cũng đem đến cho người đọc một suy nghĩ khác về sự nữ tính. Sau khi mẹ của Yuichi qua đời, Eriko quyết định chuyển giới để nuôi dưỡng Yuichi trong vai trò người mẹ. Ở Eriko, bản chất đàn ông đã được hoán đổi với bản thể phụ nữ, trách nhiệm của người cha đã nhường chỗ cho tình yêu của người mẹ. Để có một Yuichi tốt bụng, dịu dàng cả khi nói và cười đều điềm tĩnh, Eriko đã nuôi dưỡng anh bằng tất cả sự cao nhã, lịch thiệp, giàu lòng vị tha và cả sự “nữ tính đàn ông” của mình.
Như một mạch nước ngầm trong trẻo, mát lành nhưng thâm trầm, Kitchen chảy sâu vào nội tâm những người đọc luôn phải lòng lối văn chương điềm đạm, hướng nội. Tôi nhớ mãi tâm sự của Mikage: “Còn lại tôi và bếp. Dẫu sao như thế vẫn còn hơn nghĩ rằng còn lại một mình.”
Tú Anh/ kilala.vn
06/07/2017
Bài, Ảnh: Tú Anh
Đăng nhập tài khoản để bình luận