VĐV Nhật Bản bò 200m về đích: Lí giải tâm lí người Nhật

    Việc một VĐV người Nhật – Iida Rei đã bò về đích trong suốt quãng đường 200m dù chân đang bị chấn thương. Hành động ấy đã khiến mọi người phải thán phục và nhanh chóng trở thành nguồn cảm hứng cho ý chí của con người khi gặp nghịch cảnh. Điều gì đã khiến nữ VĐV Nhật Bản này hành động như vậy? 

    Ý chí “thép” của nữ VĐV Nhật Bản bò 200m về đích

    Trong vòng loại giải tiếp sức mang tên Princess Ekiden (Công chúa Ekiden) tổ chức tại Fukuoka, Nhật Bản vào ngày 20/10, nữ VĐV Nhật Bản Iida Rei 19 tuổi thi đấu ở chặng thứ hai và đã gục ngã do bị chấn thương ở hai chân, không còn sức lực để thi đấu. Nhưng thay vì bỏ cuộc, Iida Rei vẫn cố gắng tiếp tục về đích bằng cách… bò về trong quãng đường 200m để chuyền dải băng tiếp sức cho đồng đội.

    cảnh VĐV Iida Rei đang bò về đích
    Video quay cảnh VĐV Iida Rei đang bò về đích. (Ảnh: VnExpress)

    Hai đầu gối rướm máu chảy không ngừng trên đường nhựa của Iida Rei đã trở thành tấm gương về nghị lực, ý chí kiên cường, không bao giờ bỏ cuộc của người Nhật. Cô gái 19 tuổi này đã khiến hình ảnh người Nhật Bản lại một lần nữa hiện lên trong sự thán phục của bạn bè quốc tế. 

    Điều gì đã tạo nên ý chí “thép” của nữ VĐV Nhật Bản?

    1. Nỗ lực vì mục tiêu chung của tập thể

    Nhật Bản là một dân tộc có tinh thần tập thể rất cao. Điều này dễ thấy trong môi trường học đường và công sở. Ngay từ nhỏ, trẻ em Nhật Bản đã được giáo dục là phải hòa nhập với tập thể, gác lại quan điểm cá nhân để nỗ lực hết mình cho mục tiêu chung của tập thể. Chính vì vậy mà các hoạt động câu lạc bộ, đội nhóm ở trường học rất mạnh mẽ. Và thành công đều là nỗ lực của cả tập thể chứ không của riêng cá nhân nào. 

    mỗi cá nhân đều tham gia vào quá trình tạo nên xã hội

    Người Nhật quan niệm mỗi cá nhân đều tham gia vào quá trình tạo nên xã hội.(Ảnh: Pixabay)

    Đặc tính này theo chân người Nhật Bản từ môi trường học đường ra môi trường công sở. Người Nhật trong công việc đều chú ý tìm sự hòa hợp giữa mình và các đồng nghiệp xung quanh. Khi họp hành hay phê bình, người Nhật cũng cố gắng giảm bớt sự tranh cãi hay tránh dùng những từ có thể làm người khác buồn lòng.

    Tất cả đều là vì tập thể là một nét tính cách chung của nhiều người Nhật. VĐV Iida Rei dù đang bị chấn thương vẫn cố gắng bò về đích, chuyền dải băng tiếp sức cho đồng đội vì muốn nỗ lực hết sức có thể cho mục tiêu chung, không làm ảnh hưởng đến tập thể.

    2. Văn hóa “Không làm phiền đến người khác”

    Chính vì có tính tôn trọng tập thể, đề cao giá trị cộng đồng nên người Nhật hình thành văn hóa “Không làm phiền đến người khác”. Họ cố gắng không để cho bất kỳ người nào cảm thấy phiền phức hay bận tâm về hành động của mình. Dù đó chỉ là một người xa lạ tình cờ ngồi cạnh mình trên tàu điện. 

    Người Nhật quan niệm mỗi cá nhân đều tham gia vào quá trình tạo nên xã hội. Vì vậy, bất kỳ một hành động nào của cá nhân, dù là nhỏ nhất, cũng đều ảnh hưởng đến cả cộng đồng xung quanh. Một chuyến tàu đến trễ 1 phút là nhân viên tàu đã rối rít cúi đầu xin lỗi hành khách. Và văn hóa này đã tạo nên tính kỷ luật cao độ của người Nhật trong công việc. Ví công ty như một xã hội thu nhỏ và mỗi nhân viên là một mắc xích quan trọng nên người Nhật luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc để tránh làm phiền đến đồng nghiệp.

    người Nhật tránh làm phiền người khác

    Người Nhật luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc để tránh làm phiền đến đồng nghiệp. (Ảnh: Pixapay)

    Vì vậy, văn hóa này cũng đã lý giải được hành động của VĐV Iida Rei. Cô nỗ lực vì không muốn làm ảnh hưởng đến đồng đội. Cô không muốn bỏ cuộc vì sẽ làm mất tinh thần cả đội. Dù rằng kết quả, đội của Iida Rei về cuối cùng nhưng nghị lực kiên cường của cô đã giúp cả đội giữ vững ngọn lửa cho các cuộc thi tiếp theo.

    3. Những “chú ong” chăm chỉ, luôn nỗ lực hết mình

    Iida Rei không chỉ cố gắng vì tập thể, không muốn làm ảnh hưởng đến đồng đội mà còn vì tính chăm chỉ, nỗ lực đã ăn sâu vào máu của người Nhật Bản. Với một đất nước có đặc thù là luôn chịu những trận thiên tai mỗi năm, người Nhật đã xác định phải luôn chuẩn bị những kỹ năng sinh tồn để vượt qua nghịch cảnh. Một trong những kỹ năng cần có là sự chăm chỉ, cần cù. Thiên tai đi qua, để lại những hoang tàn, đổ nát trên đất nước đang oằn mình gánh chịu hậu quả. Để phục hồi lại nền kinh tế bị thiệt hại nặng nề, mỗi người dân Nhật Bản đều nỗ lực, chăm chỉ làm việc, không chỉ cho bản thân mà còn vì đất nước.

    Không chỉ vậy, họ xem trọng sự chăm chỉ, nỗ lực trên một chặng đường dài hơn là thành công trong nhất thời. Thế nên, dù biết sẽ không giành được huy chương nhưng Iida Rei vẫn cố gắng hoàn thành phần thi của mình đến cùng. Dù cô không phải là người chiến thắng nhưng hình ảnh của cô mãi trong lòng người hâm mộ. 

    Nếu nói về các tấm gương dù đang bị chấn thương vẫn cố gắng thi đấu thì không thể không nhắc đến VĐV trượt băng Yuzuru Hanyu

    Yuzuru Hanyu nổ lực hết mình
    VĐV trượt băng Yuzuru Hanyu. (Ảnh: The New York Times)

    Hanyu từng bị bong gân mắt cá chân trước phần thi đấu tự do ở giải Vô địch Thế giới tháng 3 năm 2012 tại Nice ở Pháp. Nhưng anh vẫn quyết định thi đấu và giành được huy chương đồng. Lại một lần khác, vào giải vô địch quốc gia tháng 12 năm 2014, Hanyu thi đấu với cơn đau dữ dội ở bụng. Kết quả anh giành được chiến thắng nhưng phải đến bệnh viện ngay để phẫu thuật và nằm viện hơn một tháng. Có thể thấy, ba nét tính cách nổi bật trên đã tác động đến ý chí, quyết tâm của người Nhật và tạo nên những tinh thần thi đấu thể thao rất đẹp, rất đáng ngưỡng mộ.

    kilala.vn

    25/10/2018

    Bài: Kim Ngân

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!