Trong thế giới sơn mài của Saeko Ando

    Chị đã có chuyến du lịch ngẫu hứng đến Việt Nam năm 1995, điều gì gây ấn tượng nhất với chị trong lần gặp gỡ đầu tiên đó ?
    Tôi sốc nặng vì khác biệt văn hóa, và ghét nhiều hơn là yêu. Những người Việt tôi gặp khi ấy rất lạnh lùng, khó gần, khiến tôi không có thiện cảm. Cho đến một hôm bị ốm, chị chủ nhà trọ vẫn vẻ mặt lạnh lùng thường ngày, nhiệt tình đi mua thuốc, chăm sóc tôi như người nhà. Tôi chợt nghĩ hóa ra mình đã hiểu sai về người Việt, vì vậy tôi quyết định ở lại lâu hơn dự định, chỉ mong khám phá một nét gì đó tươi vui hơn.

    Nét tươi vui ấy có phải là sơn mài ?
    Cũng có thể là vậy, vì khi vào các cửa hiệu bán đồ mỹ nghệ, gặp sản phẩm sơn mài hàng chợ, thấy ngô nghê, thô sơ quá nên lấy làm tiếc và muốn đẩy mức độ thủ công ấy lên cao hơn, biến nó trở thành một nghệ phẩm giá trị. Vậy là học sơn mài định chừng một năm, khi vẽ được, làm được thì về Nhật. Hết một năm, lại có thêm những kỹ thuật mới, và học thêm năm nữa, cho đến giờ là 19 năm rồi.

    Trong thế giới sơn mài của Saeko Ando

    Vậy ý định trở về Nhật có còn vương vấn trong chị như những năm đầu ở Việt Nam?
    Hết rồi, bây giờ mà về sống ở Nhật, thế nào tôi cũng bị sốc về văn hóa một lần nữa bởi cuộc sống đã khác nhiều so với 19 năm về trước. 

    Chọn lĩnh vực khó là sơn mài, đến khi có gia đình, con cái, cuộc sống có ảnh hưởng đến con đường sáng tác nghệ thuật của chị?
    Lúc sáng tác, tôi là nghệ sĩ, khi về gia đình, tôi làm người nội trợ. Mặc dù thời gian dành cho sáng tác có hạn chế đi nhiều vì tôi luôn tự tay chăm lo cho chồng con, không để bất kỳ ai thay thế. Nhưng tôi may mắn không phải lo nghĩ nhiều về kinh tế, công sức bỏ ra chỉ để tập trung thể hiện sao cho tác phẩm thật đẹp, không quan trọng yếu tố thời gian.

    Các con đã lớn, hẳn chị có nhiều thời gian hơn để chăm chút cho những đứa con tinh thần là các tác phẩm?
    Không phải vậy, lúc các cháu còn ở tuổi ăn tuổi ngủ, tôi chỉ nuôi, hoặc nhờ người giúp việc cho các cháu ăn uống, giúp ngủ nghỉ. Giờ hai cháu đã lớn, việc dạy con tôi không giao người khác được, nên thời gian sáng tác càng eo hẹp hơn. Nhưng với tôi, hai con trai chính là “tác phẩm sơn mài” lớn nhất của đời, tôi phải từng ngày dạy dỗ, chăm chút, mài dũa để hai “tác phẩm” ấy thêm hoàn thiện. 

    Trong thế giới sơn mài của Saeko Ando

    Một người nghệ sĩ sơn mài, có bao giờ chị tìm thấy trong công việc nội trợ thường ngày một phát kiến nào đó để ứng dụng vào sơn mài?
    Mỗi khi cả nhà ăn xong, tôi thường dọn dẹp bàn ăn, đồ ăn thừa gói giấy bóng đem cất, đến khi dùng lại, tôi phát hiện khi kéo tấm giấy bóng ra khỏi đồ ăn, tạo cho bề mặt những hiệu ứng đường nét rất độc đáo, tự nhiên, không dễ vẽ được bằng tay, vậy là tôi ứng dụng vào sơn mài, và hiệu quả rất tuyệt.

    Sơn mài, là sự kết hợp giữa người họa sĩ và người thợ thủ công, yếu tố họa sĩ mạnh, nhưng tay nghề yếu thì cũng không thể mài dũa nên một tác phẩm đẹp cả về nội dung lẫn hình thức, vậy sơn mài của Ando Saeko thì thế nào?
    Khi tìm tòi ý tưởng sáng tác và thể hiện ý tưởng lên bản vóc, tôi là họa sĩ, nhưng khi tác phẩm đã hoàn thiện các lớp sơn, tôi trở thành người thợ thủ công, tự tay mài dũa tác phẩm của mình cho đến khi hoàn thiện. Mỗi tác phẩm sơn mài của tôi, từ khâu làm vóc, phác thảo ý tưởng, phủ sơn, mài hoàn thiện. đều tự bản thân tôi làm tất cả.

    Vậy thường mất bao lâu để chị hoàn thiện một tác phẩm?
    Ít nhất là một tháng, lâu thì một đến hai năm. Tôi chỉ sáng tác khi mình thực sự hứng thú, không áp đặt số lượng, mà quan trọng nhất là yếu tố kỹ thuật và tính mỹ thuật phải đảm bảo. Trong sơn mài, kỹ thuật là đôi cánh để vẻ đẹp mỹ thuật thăng hoa.

    Trong thế giới sơn mài của Saeko Ando

    Mỗi họa sĩ thường tìm nguồn cảm hứng để sáng tác, vậy còn chị?
    Thiên nhiên là nguồn cảm hứng bất tận, chẳng hạn tôi gặp con côn trùng có đôi cánh đẹp lấp lánh, tôi nghĩ ngay đến chuyện ứng dụng màu sắc ấy vào sơn mài. Từ ý chính đó, tôi nghĩ ra bố cục, sắp xếp chi tiết, và biến nguồn cảm hứng ấy thành một tác phẩm nghệ thuật. Từ bé, tôi đã rất yêu quý động vật, khi làm sơn mài, nếu vẽ người sẽ bị hạn chế về màu sắc, từ gương mặt, da, trang phục, không thể tung hứng và dùng màu tự do như vẽ một con rắn được, chi tiết khi vẽ động vật cũng đa dạng hơn các mảng đề tài khác.

    Kích cỡ tranh cũng là một chi tiết thường được họa sĩ quan tâm, chị thích sáng tác tranh khổ lớn hay nhỏ? 
    Tôi thích sáng tác khổ nhỏ mỗi khi muốn thể hiện điều gì đó vượt khỏi ranh giới bức tranh. Đây có lẽ là tính cách của người Nhật, mượn cái nhỏ để miêu tả cái lớn, giống như thơ Haiku và nghệ thuật bồn cảnh (Bonsai).

    19 năm gắn bó với sơn ta, chị có thể chỉ ra một vài khác biệt giữa sơn mài Nhật Bản và Việt Nam?
    Đi sâu vào lĩnh vực sơn mài Việt mới thấy học cả đời cũng chẳng hết được, mỗi người thợ, mỗi nghệ sĩ ở Việt Nam lại có một điểm hay để tôi học. Kinh nghiệm cho thấy sơn Nhật mau khô, rất cứng, khi mài khó khăn hơn, còn sơn ta có độ trong cao, lâu khô, nhờ vậy tạo nên những hiệu ứng màu sắc rất khác biệt và dễ mài. Do độ khô của sơn ta chậm, cũng là chất kết dính tốt nên dễ kết hợp với các chất liệu khác, tạo nên hiệu ứng đặc biệt cho tác phẩm.

    Xin cảm ơn chị!

    01/01/2015

    Bài: Nguyễn Đình. Ảnh: Nguyễn Đình, www.andosaeko.com

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!