Tôi học được gì khi thiết kế thời trang tại Nhật, Pháp?
Từng là một trong những du học sinh Việt hiếm hoi học ngành thời trang tại Nhật, cô nàng Khánh Tăng vừa vinh dự là người Việt đầu tiên được gia nhập đội ngũ thiết kế thời trang Haute Couture cho một hãng thời trang danh tiếng tại Pháp. Khánh đã chia sẻ với Kilala về con đường học và làm trong nghề thời trang của mình.
Việt Nam: Giấc mơ thời trang, giấc mơ có mẹ
Chị có niềm yêu thích thời trang vào thời điểm nào?Lúc nhỏ, khi đi ngang qua xưởng may trên đường đi học về, lần nào tôi cũng nán lại một lúc lâu để xem. Từ nhỏ niềm đam mê nghệ thuật và thời trang của tôi đã bắt đầu nhen nhóm và được mẹ nuôi dưỡng, nhưng bà lại mong muốn hai chị em tôi theo một ngành nào đó thực tiễn và ổn định hơn.
Cột mốc khiến chị quyết tâm theo đuổi nghề thời trang?
Cột mốc lớn nhất thay đổi cuộc đời tôi là vào năm tôi học lớp 12, khi mẹ tôi qua đời đột ngột bởi một tai nạn, sốc và hoang mang đến mức tưởng chừng đã gục ngã. Tôi thi trượt tốt nghiệp, tưởng chừng như giấc mơ vào đại học để được học ngành tôi yêu thích lúc đó đã khép lại mãi mãi, nhưng nhớ lời mẹ luôn khuyên bảo “Chỉ có học mới khiến con người ta thành người con à”, tôi đã cố gắng hết sức vì mẹ và vì câu nói đó để bắt đầu lên kế hoạch cho mình và biến giấc mơ trở thành hiện thực.
Tôi luyện thi 1 năm và vào học tại trường Tôn Đức Thắng, khi bạn bè tôi đều theo ngành thiết kế nội thất, đồ hoạ hay tạo dáng công nghiệp, riêng tôi thì vẫn cứng đầu chọn thiết kế thời trang. Sau đó, tôi đã được thầy chủ nhiệm khoa hướng dẫn đi du học tại Nhật.
“Chỉ có học mới khiến con người ta thành người con à”, tôi đã cố gắng hết sức vì mẹ và vì câu nói đó
Tôi nhặt nhạnh những giá trị nghệ thuật tốt đẹp để vun đắp, nuôi dưỡng cho tâm hồn và tiếp thêm sức mạnh cho chặng đường đời của mình. Bởi chỉ có nghệ thuật mới có thể chữa lành những vết thương và làm cho cuộc sống xung quanh tôi đầy những sắc màu tươi đẹp.
Nhật Bản: Chặng đường du học ngành thời trang
Những điều chị học được khi du học ngành thời trang tại Nhật? Tôi được học rất nhiều kỹ năng mới: cách cắt rập 3D, được giao lưu trao đổi sinh viên từ các trường quốc tế như Anh, Pháp, Mỹ…được xem những show trình diễn thời trang lớn tại Nhật, tham gia những phiên chợ hàng tháng ngay tại trường để tìm hiểu tâm lí khách hàng…
Trường tôi học có trang bị đầy đủ phòng thực hành cho sinh viên, dụng cụ cắt may và máy móc công nghiệp phù hợp với những nhà máy xưởng. Các sinh viên có thể đến trường thực hành bất cứ lúc nào sau giờ học.
Ở kinh đô thời trang Nhật Bản, chỉ cần chịu khó quan sát trên đường phố, shop và hàng quán, bạn cũng đã học hỏi được rất nhiều về kỹ năng phối màu và các style ăn mặc của người Nhật. Họ luôn tự do và phóng khoáng với những sáng tạo mới lạ như street style Harajuku, Pastel Goth, Lolita, Decora hay Gyaru
Đây là bộ sưu tập nhóm tôi mất 1 tháng để hoàn thành và nhận được nhiều lời khen từ thầy cô.
Thiết kế thời trang không đơn giản chỉ là vẽ một cái mẫu rồi đưa cho người khác làm tiếp công đoạn khác. Tôi đã phải làm tất cả các công đoạn lên ý tưởng, phác thảo, chọn chất liệu, vẽ rập và may hoàn chỉnh một bộ quần áo bằng vải nháp sau đó mới hoàn thiện nó trên vải thật, sau đó phải chỉnh sửa nhiều lần để làm hài lòng các vị khách của mình, không ít những đêm thức trắng để may vá, kết từng hạt cườm mà vẫn không hề thấy mệt mỏi. Thời trang đòi hỏi phải vừa tỉnh vừa điên, vừa phải khác biệt, độc đáo theo kiểu chủ quan nhưng lại phải được khách quan đón nhận.
Khánh là người tổ chức triển lãm ảnh cho những nghệ sỹ không chuyên để gây quỹ từ thiện “I AM FROM VIETNAM” (đại sứ quán Việt Nam tại Nauy hỗ trợ)
Trong quá trình học, chị có gặp khó khăn nào hay không?
Thời trang là một ngành học khá đắt đỏ, những sinh viên thời trang phải tự mua các dụng cụ may, vải vóc và sách vở để phục vụ việc học hàng ngày. Thời điểm đó tôi vừa phải đảm bảo giờ học trên lớp, vừa làm thêm để kiếm tiền học. Có thời gian, tôi còn bị chủ một nhà hàng quỵt tiền tàu đi lại khi làm thêm.
Tại sao chị không theo nghề thiết kế ngay khi ra trường mà còn làm nhiều công việc về marketing, truyền thông?
Có thể nói phương tiện truyền thông chắc chắn là cách tốt nhất và nhanh nhất để công chúng có thể truy cập được những hình ảnh mới nhất về những bộ sưu tập cũng như những xu hướng về thời trang. Chính vì thế tôi đã lấn sân sang truyền thông để hiểu rõ hơn về thời trang.
Pháp: Ước mơ thành sự thật
Nhà thiết kế nào là thần tượng của chị?Nhà thiết kế Christan Dior là thần tượng duy nhất trong ngành thời trang của tôi, vì ông là một trong những nhà thiết kế hiếm hoi trong làng thời trang trên thế giới quy tụ đầy đủ hai yếu tố tài và đức.
Chị hãy chia sẻ về quá trình trúng tuyển vào đội ngũ thiết kế của hãng thời trang danh tiếng tại Pháp?
Đối với tôi, nước Pháp là một thiên đường dành cho thời trang. Đến cả mơ tôi vẫn không thể ngờ bản thân mình có thể nằm trong đội ngũ thiết kế thời trang của một hãng thời trang rất danh tiếng tại Pháp.
Người phỏng vấn tôi là người đã rất nổi tiếng trên truyền thông của Pháp. Tôi đã chuẩn bị Portfolio với 15 trang trong vòng hai tuần gồm các bản vẽ, ý tưởng và những công việc đã làm và học. Tôi thuyết trình bằng tiếng Anh và sếp nói với tôi bằng tiếng Pháp và có một nhà thiết kế Nhật dịch lại cho tôi (thật bất ngờ khi tại đây có khá nhiều nhà thiết kế người Nhật)
May mắn đã mỉm cười với tôi khi CV và portfolio đã gây ấn tượng. Khi có kết quả trúng tuyển, tim như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực khi biết mình đã được nhận vào làm.
Trang phục của phu nhân tổng thống Pháp và Mỹ do đội ngũ NTK công ty của Khánh thiết kế.
Chia sẻ một chút về gia đình hiện tại của chị, chồng của chị có ủng hộ chị theo nghề?
Nước Pháp là nơi giúp tôi có cơ duyên gặp gỡ chồng hiện tại. Anh là người theo ngành Y nhưng cũng yêu thích nghệ thuật giống tôi, biết sáng tác nhạc và chơi được rất nhiều nhạc cụ như Piano, Guitar, Ukulele… Chúng tôi không bao giờ có định nghĩa “bận” với gia đình. Anh là người hỗ trợ tôi rất nhiều trong công việc, là người đã giúp tôi đến được với thời trang Pháp vì tiếng Pháp của tôi còn rất kém.
Khánh học vẽ tranh cùng bà ngoại của chồng
Cách để chị tìm kiếm cảm hứng, sáng tạo?
Thế giới rộng lớn hơn, nhiều màu sắc hơn sau mỗi lần đi du lịch. Du lịch là cách tốt nhất để tìm nguồn cảm hứng mới. Mỗi lần đến một quốc gia, tôi dành nhiều thời gian để vào các trường đại học nghệ thuật, bảo tàng văn hóa và thời trang…, phòng trưng bày và triễn lãm. Mỗi một hành trình mở mang cho tôi rất nhiều những trải nghiệm mới và học được nhiều kỹ thuật may, nhuộm vải, chất liệu mới.
Tôi đã đến được hơn 50 thành phố qua hơn 30 quốc gia trên thế giới.
Tôi còn rất thích làm bánh Wagashi.
Lời khuyên của chị dành cho các bạn trẻ muốn theo đuổi ngành thiết kế thời trang?
Đối với các bạn trẻ muốn theo đuổi ngành thiết kế thời trang, tôi chỉ có một chia sẻ: Các bạn không cần là nhà thông thái biết hết tất cả mọi thứ trong một lúc. Nếu coi thời trang như hơi thở thì hãy thở thật đều và thật chậm. Chăm chỉ và khiêm nhường là chìa khóa dẫn đến thành công.
"Chúng ta sống trong thời đại nhắn tin siêu tốc, niềm vui ăn liền, nhưng không có chuyện nhảy cóc đến thành công, chẳng có cái gọi là thành công sau một đêm.” - Tory Bunch
kilala.vn
12/06/2018
Bài: Phương Anh
Ảnh: NVCC
Đăng nhập tài khoản để bình luận