Ranh giới giữa "Người bạn thứ hai" và ngoại tình tại Nhật

    Người Nhật xem vợ/chồng mình là một partner - nghĩa là người bạn đời, nhưng đồng thời cũng có nghĩa là đối tác, cộng sự. Vậy thì người có vị trí ngay sau đó được gọi là second partner, tạm dịch là Người bạn thứ hai. Người bạn thứ hai cũng là người có gia đình nên đó là một mối quan hệ khác giới mà cả hai bên đều là người đang có gia đình.

    Tại sao lại có Người bạn thứ hai?

    Photo: prof4039 / PIXTA

    Ở Nhật, cuộc sống bận rộn và căng thẳng có khi một ngày các thành viên không nhìn thấy được mặt nhau. Chồng đi làm khi con còn chưa thức giấc. Chồng về nhà khi mấy mẹ con đã ngủ say.

    Người đi làm thì stress đã đành, nhưng người phụ nữ ở nhà đảm đương việc nội trợ, con cái, tài chính gia đình cũng phải đơn thương độc mã gồng gánh những nỗi vất vả nhiều lúc khó gọi thành tên. Tâm lý con người khi bị stress thì phải nói ra mới thoải nỗi lòng, dù đối phương chẳng giúp được việc gì cụ thể nhưng chí ít việc có người lắng nghe đã là một an ủi lớn. 

    Thế nhưng, người đi làm biết người ở nhà cũng trăm công ngàn việc, mà có thổ lộ tâm sự của mình gặp ở ngoài xã hội, trong công ty, có khi người ở nhà cũng không đồng cảm hết được. Người ở nhà lại thấy người đi làm đã quá bận rộn, vì chút chuyện trong ngày mà tỉ tê tâm sự, có khi lại thành ra làm phiền, tăng thêm gánh nặng không đáng có cho đối phương.

    Hai vợ chồng, sống dưới cùng một mái nhà, vốn nghĩa phải là hai người bạn, là bạn đời với nhau, lại chẳng chia sẻ được gì.

    Nhưng tâm lý muốn được sẻ chia của con người thì không tự nhiên mất đi, nó chỉ dồn nén, dồn nén lại...

    Cho đến một ngày, họ gặp được một người bạn khác giới trong một hoàn cảnh nào đó tự dưng mở lòng ra được với nhau một cách dễ dàng như đồng nghiệp ở công ty đối tác, bố/mẹ của bạn con mình hay gặp mỗi khi đi đón con tan trường,...

    Cùng một hoàn cảnh thì sự đồng cảm cũng dễ dàng hơn rất nhiều. Họ bắt đầu nói chuyện, bắt đầu cảm thấy sẻ chia, cảm thông và được cảm thông. Họ đi ăn cùng nhau, nói chuyện với nhau, đi xem phim cùng nhau,... rồi trở thành một sự tồn tại không thể thiếu của nhau trong cuộc sống của mỗi người bên cạnh nhân vật chính là vợ/chồng mình - người bạn thứ nhất.

    Ngoại tình hay không phải ngoại tình?

    Photo: RyoWATANABE / PIXTA

    Hầu hết các trường hợp khi bị phát hiện có Người bạn thứ hai đó, đều bị đâm đơn ly dị với lý do “Ngoại tình”. Người trong cuộc, với lý do rằng hai người chỉ đi ăn, đi nói chuyện với nhau chứ tuyệt đối không liên quan đến quan hệ tình dục nên đó đơn thuần chỉ là mối quan hệ tình bạn khác giới mà thôi. 

    Nhưng người vợ/chồng còn lại thì khó mà chấp nhận việc bạn đời của mình có một người khác cũng quan trọng không kém mình, thậm chí là hơn vì hai người đó đang cùng chung một mối quan tâm, một sự đồng cảm mà hai người vợ/chồng thực sự đang thiếu.

    Hầu hết các trường hợp khi bị phát hiện mà không nhận được sự đồng thuận từ phía người vợ/chồng còn lại thì luật sư cũng chỉ có thể tư vấn hoặc là ly dị để giữ mối quan hệ với Người bạn thứ hai đó, hoặc là chấm dứt mối quan hệ với Người bạn thứ hai để giữ vững cuộc hôn nhân của mình.

    Chuyên gia tâm lý nói gì?

    Hầu hết câu chuyện có Người bạn thứ hai thường xảy đến các với các cặp vợ chồng khi tình cảm dành cho nhau bắt đầu nguội lạnh. Nguyên nhân chủ yếu là do:

    - Quá bận rộn, không dành thời gian cho vợ/chồng được nhiều

    - Ở Nhật vẫn tồn tại kiểu hôn nhân gọi là Omiai kekkon, nghĩa là thông qua một người làm mối, hai người gặp nhau đôi lần rồi cưới, nên không tránh khỏi việc hai người không biết nhiều về nhau trước khi cưới hoặc cưới về mới biết không hợp nhau chút nào.

    - Vợ chồng sống chung sẽ thấy được tất cả điểm tốt lẫn điểm xấu của đối phương, nhưng chỉ giữa hai người bạn với nhau, họ chỉ cho nhau thấy những điểm tốt của bản thân. Đặc biệt, giữa hai người không có mối quan hệ xác thịt, càng làm cho họ cảm thấy tin tưởng vào mỗi quan hệ về mặt tinh thần “từ trái tim đến trái tim” của họ với Người bạn thứ hai.

    Rất nhiều người coi mối quan hệ với Người bạn thứ hai như chất bôi trơn, nguồn năng lượng cho cuộc sống của chính họ với vợ/chồng mình, một tình bạn không hơn không kém. Nhưng đối với nhiều người, mối quan hệ với Người bạn thứ hai lại là một sự ngoại tình tư tưởng!

    Tâm lý con người vốn phức tạp, phán xét nó còn phức tạp hơn bởi phải xem ở góc độ nào, hệ quy chiếu nào đúng sai, v.v. Nhưng trước khi làm việc đó, bạn có lẽ nên dành thời gian để nghĩ lại lần cuối hai vợ chồng bạn hẹn hò là khi nào? Hay hôm nay, tự bạn đã dành cho vợ/chồng mình một cái ôm, một lời động viên, khen ngợi, sẻ chia, hay chỉ đơn giản là một lời yêu nào chưa?

    Nếu chưa, có lẽ chẳng cần lời khuyên của một chuyên gia tâm lý nào cả, chính bạn biết mình nên làm gì lúc này.

    Minh Nhật/kilala.vn

    08/08/2017

    Bài: Minh Nhật. Cover: prof4039/ PIXTA

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!