Phân tích sự nhẫn nại đặc trưng của người Nhật

    Nhắc đến người Nhật, bạn bè quốc tế thường nghĩ ngay đến một đức tính: Nhẫn nại. Nhẫn nại, trong tiếng Nhật là “gaman”, là một đặc điểm nổi bật gần như định hình xã hội Nhật Bản, phong cách sống và cả ấn tượng của người khác khi nhìn một người Nhật. Julian Littler từ BBC đã có một bài phân tích thú vị về nghệ thuật nhẫn nại và những mặt tối của sự nhẫn nại vốn đã trở thành đặc trưng của người dân xứ Phù Tang.

    Nghệ thuật “gaman” của người Nhật

    Một ngày làm việc ở thủ đô Tokyo thường bắt đầu bằng một “cơn lũ người” tràn qua hệ thống tàu điện đông đúc nhất thế giới. Có khoảng 20 triệu người sử dụng tàu điện mỗi ngày tại thủ đô của Nhật Bản. Tại sân ga, hành khách nghiêm chỉnh “dàn trận” hai bên cửa toa tàu chờ khách trên tàu xuống hết rồi mới bước lên chứ không chen lấn dù đang trong tình thế gấp rút. Những hành khách trên tàu thời điểm đó dường như không thể cử động, nhưng tuyệt nhiên họ vẫn giữ không khí yên tĩnh bao trùm.

    sự nhẫn nại của người Nhật
    Cảnh tượng đông đúc trong giờ cao điểm ở ga Shinjuku, Tokyo. (Nguồn ảnh: Wikimedia)

    Du khách nước ngoài thường ngạc nhiên với khả năng kiên nhẫn của người Nhật trong việc đợi tàu, xếp hàng mua sắm hay ngay cả trong tình thế cần cứu trợ như sau thảm họa động đất và sóng thần Fukushima tám năm về trước. Khái niệm “gaman” có thể hình dung hữu hình rằng bạn đặt một cái phanh cho cảm xúc của mình để kiềm lại đúng lúc trước khi xảy ra xung đột. Trong xã hội Nhật, “Gaman” là một “nghĩa vụ” gần như được mặc định và là dấu hiệu của sự trưởng thành. 

    nhẫn nại là nghĩa vụ mặc định

    Trong xã hội Nhật, “Gaman” là một “nghĩa vụ” gần như được mặc định và là dấu hiệu của sự trưởng thành.

    David Slater, một giáo sư Nhân chủng học tại đại học Sophia mường tượng “gaman” như một tập hợp những chiến thuật nhằm đối phó với các sự kiện vượt khỏi tầm kiểm soát. “Các cá nhân dần phát triển từ bên trong khả năng kiên cường và chịu đựng những điều bất ngờ, tồi tệ, khó khăn mà họ phải vượt qua.”

    Đối với một số người, “gaman” chính là đặc điểm nhận dạng người Nhật. Nobuo Komiya, một nhà tội phạm học tại Đại học Rissho, Tokyo, thừa nhận đó là một đặc điểm tiêu biểu của người Nhật Bản. Komiya tin rằng sự giám sát lẫn nhau, sự tự giám sát và kỳ vọng của công chúng liên quan đến gaman là một yếu tố góp phần trong tỷ lệ tội phạm thấp của Nhật Bản, nơi mọi người đề phòng tránh xung đột và cẩn thận với hành động của mình.

    Mặt trái của việc nhẫn nại

    Gaman bắt nguồn từ những lời dạy của Phật giáo về việc các cá nhân hoặc thành viên trong một cộng đồng phải cải thiện bản thân và dần dần hình thành đức tính kiên trì. Gaman được mài giũa trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế sau chiến tranh của Nhật Bản khi làm việc mang vị thế xây dựng quốc gia - nghĩa là cá nhân phải hy sinh thời gian với gia đình để dành nhiều giờ hơn cho công việc.

    mặt trái của việc nhẫn nại

    Trong giai đoạn kinh tế Nhật bùng nổ hậu Thế chiến II, nhẫn nại đồng nghĩa với chịu đựng những giờ lao động dai dẳng nhằm xây dựng đất nước cho một tầng lớp trung lưu mới. (Nguồn ảnh: Getty Images)

    Theo giáo sư Odagiri, “Nhẫn nại quá nhiều gây ảnh hưởng tiêu cực lên sức khỏe tinh thần chúng ta. Đôi lúc khi con người giữ quá nhiều điều tiêu cực, nhẫn nại có thể chuyển biến thành bệnh tâm lý.” Trong một nền văn hóa trọng nhẫn nại, việc cầu cứu sự giúp đỡ từ người khác có thể xem như một loại thất bại. Mọi người được kỳ vọng phải tự giải quyết vấn đề, việc thất bại có thể dẫn đến bạo lực chốn công sở và cả bạo lực trong gia đình. Sự nhẫn nại đồng thời có thể khiến phụ nữ bị mắc kẹt trong những cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Và một khi nghĩ đến việc ly hôn, nhiều người nhận ra họ không thể làm thế vì họ đã bỏ quên công việc để chăm lo cho gia đình nên không độc lập về tài chính. 

    Theo Noriko Odagiri, giáo sư tâm lý học của đại học Quốc tế Tokyo, gốc rễ của việc nhẫn nại nằm ở thực tế là người Nhật xem trọng việc không nói nhiều và hết sức kiềm nén những cảm xúc tiêu cực. Công cuộc huấn luyện bắt đầu từ sớm bởi trẻ em học theo gương cha mẹ. Kiên nhẫn là kiên trì là một phần của giáo dục, bắt đầu ngay từ bậc tiểu học. “Đặc biệt là phụ nữ, phụ nữ được giáo dục để kiên nhẫn hết mức có thể.”

    Đơn cử cho mặt trái của việc quá nhẫn nại, Yoshie Takabayashi (33 tuổi) là một thợ bạc ở Tokyo trước khi cô kết hôn, chuyển đến sống tại Kanazawa và sinh con. Khi được hỏi khi nào cô phải “gaman”, cô nhấn mạnh khoảng thời gian sau khi có con và kết quả là bản thân đã phải từ bỏ nhiều việc cô yêu thích trước đây. Cô đồng thời kể lại việc từng là nạn nhân của nạn bắt nạt công sở nhưng không ai đưa tay giúp đỡ. Ông chủ không can thiệp, cô đã định nghỉ việc, nhưng gia đình lại bảo cô hãy kiên trì, khuyến khích cô tiếp tục làm việc và chịu đựng. “Tôi không tưởng nổi mình đã phải “gaman” đến mức nào lúc đó.” - Yoshie nói. 

    Tại sao phải “gaman” trong một nền kinh tế không ràng buộc?

    Xã hội thật sự đang thay đổi. 30 năm trước, tuyển dụng tại Nhật là một công cuộc suốt đời. Trước đây, đàn ông làm việc liên tục trong thời gian dài để dần tiến lên bậc cao hơn trong một công ty nơi họ dành cả đời để cống hiến, trong khi phụ nữ thường làm những công việc không được thăng chức để chuẩn bị rời đi và sinh con đẻ cái.

    Nhưng ngày nay, nền tuyển dụng trói buộc cả đời đang dần sụp đổ, mọi người kết hôn muộn hơn, số lượng phụ nữ làm việc nhiều hơn và tỉ lệ sinh đang ở ngưỡng thấp nhất trong lịch sử. Rất nhiều người trẻ tuổi làm những công việc hợp đồng tạm thời hoặc bán thời gian - những việc họ không cần phải đặt nặng vấn đề “gaman”.

    “Họ không xem bạn là một thành viên thực sự trong nhóm. Bạn được thuê và bị sa thải, bạn có một hợp đồng, bạn được trả lương theo giờ. Thế nên toàn thể ý tưởng về việc "gaman" ở đây trở nên không phù hợp. Bạn có giữ im lặng để giữ công việc đó, nhưng những giá trị của "gaman" như để giữ vững các mối quan hệ xã hội lâu dài thì trở nên không cần thiết nữa.” - Trích lời giáo sư Slater.  

    người Nhật cống hiến gần như trọn đời cho một công ty
    Trước đây, Nhật Bản phổ biến cái gọi là “tuyển dụng suốt đời” tức bạn cống hiến gần như trọn những năm lao động cho một tổ chức và thăng tiến khi đến tuổi. (Nguồn ảnh: Nikkei Asian Review)

    Một bộ phận người trẻ ngày nay bắt đầu không chọn “gaman” trong công việc theo hướng của các thế hệ trước. Điển hình như Mami Matsunaga (39 tuổi) làm việc trong lĩnh vực thời trang trước khi bỏ Tokyo và tìm đến biển nơi giờ đây cô lướt sóng mỗi ngày và dạy thiền cùng yoga ở nhiều buổi workshop trong khắp Nhật Bản.

    “Trong văn hóa Nhật Bản, việc trông đợi phải ‘gaman’ đã tạo một áp lực rằng mọi người đều phải cư xử giống nhau và như thế không còn không gian cho sự khác biệt. “ - theo Matsunaga. Khi được hỏi liệu cô có từng phải chịu đựng khi làm việc, Matsunaga thẳng thắn: “Không. Tôi bỏ việc đó ngay khi có nguy cơ phải như vậy.”

    kilala.vn

    22/05/2019

    Bài: An Thuỷ
    Theo Julian Littler, BBC

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!