Otohime: Âm thanh kỳ lạ che giấu sự "xấu hổ" trong toilet

    Otohime: Âm thanh kỳ lạ che giấu sự "xấu hổ" trong toilet

    Nước Nhật có rất nhiều ý tưởng hay ho, thú vị khiến bạn bè quốc tế phải bất ngờ. Và “Otohime - Công chúa Âm thanh” của Toto là một trong những thứ như vậy. Nó ra đời để giúp con người cảm thấy thoải mái, bình yên và đặc biệt là tiết kiệm nước hơn khi giải quyết “nỗi sầu cá nhân”.

    Đi vệ sinh là nhu cầu hết sức tự nhiên trong cuộc sống, mặc dù vậy, đây vẫn là một chủ đề kín đáo đối với hầu hết mọi người. Phần lớn cảm thấy ngại ngùng khi hoạt động trong nhà vệ sinh, nhất là khi phát ra tiếng động trong lúc giải quyết “nỗi buồn". 

    Ở mỗi đất nước, việc sử dụng nhà vệ sinh cũng có những khía cạnh văn hóa cụ thể liên quan đến lối sống, phong tục và Nhật Bản cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, đất nước mặt trời mọc lại đưa vấn đề này lên một tầm cao mới khiến thiên hạ phải trầm trồ, thích thú.

    Nước Nhật nổi tiếng với những bồn cầu sở hữu nhiều chức năng hiện đại và vô cùng tiện lợi như rửa, sấy, làm ấm..., trong đó sự xuất hiện của “Otohime - Công chúa Âm thanh” đã tạo nên nét độc đáo, khác lạ cho không gian giải quyết vến đề tế nhị của mỗi cá nhân.

    Otohime là gì?

    "Otohime - 音姫” là từ ghép giữa "oto" (âm thanh) và "hime" (công chúa), có nghĩa đen là âm thanh của công chúa, đồng âm với tên của Otohime - con gái thần biển Ryujin trong thần thoại Nhật Bản.

    Cái tên Otohime được đặt cho thiết bị điện tử của hãng Toto ra mắt vào năm 1988. Thiết bị này có chức năng phát ra âm thanh dễ chịu và làm át đi những tiếng động phát ra trong quá trình đi vệ sinh.

    otohime-la-gi

    Trước đó thiết bị có chức năng tương tự đã được Orihara Manufacturing - đơn vị sản xuất đồ dùng nhà vệ sinh có trụ sở tại Tokyo quảng bá trên thị trường vào năm 1979. Etiquette Tone - tên của thiết bị này - mô phỏng âm thanh của nước chảy và có chức năng làm mát không khí.

    Xa xôi hơn trong quá khứ, ý tưởng về đồ vật giúp át đi âm thanh khi đi vệ sinh đã có từ thời xa xưa với Otokeshi no tsubo (chiếc bình tiêu âm). Chiếc bình làm bằng đồng, có đường kính tầm 50cm, được đặt trên cột đá cao 2m.

    Khi xả nước từ chiếc vòi trên bình, nước sẽ chảy xuống một tấm đất sét nung đặt trên mặt đất, phát ra âm thanh làm át đi tiếng ồn trong nhà xí. Chiếc bình có từ thời Edo (1603-1868), dành cho tầng lớp quý tộc và hiện một phiên bản của nó đang được lưu giữ tại chùa Rendaiji ở thành phố Kurashiki, tỉnh Okayama.

    otokeshi-no-tsubo
    Otokeshi no tsubo ở chùa Rendaiji. Ảnh: Nikkei Asia

     

    Tại sao người Nhật lại dùng Otohime?

    Mặc dù phát ra tiếng động là điều hoàn toàn bình thường khi đi vệ sinh nhưng nữ giới xứ Phù Tang vẫn cảm thấy xấu hổ, ngại ngùng. Theo thống kê trong một cuộc khảo sát của Toto về việc đi vệ sinh của phái nữ thì những người được hỏi cho biết họ dội nước trung bình 2,3 lần nếu không có các thiết bị tiêu âm và 1,5 lần với trường hợp có.

    toto-otohime
    Thiết bị Otohime của Toto. Ảnh: Yabai

    Theo Toto, trong một văn phòng có 400 phụ nữ làm việc thì việc lắp đặt thiết bị Otohime thực tế giúp tiết kiệm được 5,5 triệu lít nước hằng năm, tương đương mức chi phí khoảng 3,86 triệu yên (hơn 600 triệu VND).

    Toto đã nảy ra ý tưởng về Otohime khi thành phố Fukuoka trải qua vấn đề thiếu nước sinh hoạt trầm trọng vào năm 1978, lúc đó họ nhận thấy phụ nữ cần phải chấm dứt thói quen xả bồn cầu nhiều hơn mức cần thiết để tiết kiệm nước. Cũng từ đây mà Toto đã giới thiệu Otohime vào năm 1980 và tung sảm phẩm này ra thị trường từ năm 1988.

    Otohime giúp giảm lãng phí nước sinh hoạt cũng như giải quyết được vấn đề tâm lý xấu hổ khi đi vệ sinh của hội chị em phụ nữ tại nước Nhật. Ngoài ra thiết bị cũng được sử dụng để thể hiện sự quan tâm đến người khác, vì nhiều người chú ý đến việc những người ở xung quanh có thể sẽ thấy khó chịu khi nghe âm thanh đi vệ sinh của mình.

    Không chỉ với phái nữ, Otohime cũng được cánh mày râu tin dùng. Theo một cuộc khảo sát do Toto thực hiện trên 200 nam sinh viên đại học vào năm 2007 thì có hơn 30% số người được hỏi cũng thực sự xả bồn cầu liên tục để át đi tiếng ồn lúc đi vệ sinh. 

    Hiệu quả của Otohime 

    Hiện nay, Otohime được lắp đặt tại khu vực nhà vệ sinh công cộng kiểu mới theo phong cách phương Tây dành cho nữ, một số nhà vệ sinh cũ theo kiểu truyền thống cũng đã được nâng cấp để tích hợp thiết bị này. Thực sự Otohime đã giúp nhiều người thoải mái hơn khi giải quyết nhu cầu. Otohime thường được gắn vào tường của nhà vệ sinh hay được tích hợp trong bồn cầu thông minh.

    Ngoài ra, Toto đã hợp tác với công ty sản xuất đồ chơi Takara Tomy Arts để sản xuất phiên bản nâng cấp của Otohime. Họ cùng nhau giới thiệu Keitai Otohime - một thiết bị di động mà người dùng có thể mang theo mọi lúc, mọi nơi. 

    keitai-otohime-di-dong
    Thiết bị Otohime di động. Ảnh: All about Japan

    Keitai Otohime có màu hồng với hai phiên bản Ribbon và Forest, kích thước nhỏ xinh vừa lòng bàn tay với chiều dài 85mm, rộng 55mm và dày 15mm, vận hành bằng hai cục pin AAA và có thể sử dụng liên tục từ 7 đến 10 giờ. Thiết bị có thể phát ra tiếng nước chảy liên tục trong vòng hai phút.

    Keitai Otohime được giới thiệu là thân thiện với môi trường, việc sử dụng thiết bị sẽ giúp tiết kiệm khoảng hơn 15 lít nước khi đi vệ sinh. Ngoài ra thiết bị được thiết kế nhỏ gọn xinh xắn và rất tiện dụng, có thể dùng trong trường hợp nhà vệ sinh không lắp đặt sẵn Otohime.

    Với những tính năng vượt trội như vậy nên từ khi vừa mới ra mắt, Keitai Otohime đã trở thành mặt hàng đắt khách, ngay ngày đầu tung ra thị trường đã bán được 30.000 chiếc. 

    Sự xuất hiện của Otohime càng chứng minh sự tinh tế của các sản phẩm Nhật Bản khi quan tâm đến các nhu cầu, tâm lý, cảm xúc thầm kín của khách hàng. Otohime đã giúp nhiều người cảm thấy thoải mái khi ở trong nhà vệ sinh cũng như góp phần tiết kiệm nguồn tài nguyên nước. Qua đó nó cũng thể hiện sự hiện đại, độc đáo, nét đặc sắc riêng trong lối sống của người Nhật.

    kilala.vn

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!