Nhìn lại những quan niệm thay đổi trong thời kỳ Heisei

    Nhìn lại 30 năm dưới thời đại Heisei, nhiều nhà nghiên cứu Nhật Bản cho rằng đây là giai đoạn chứng kiến nhiều quan niệm truyền thống thay đổi, nhất là các quan niệm về sự nghiệp, công việc và vai trò giới. 

    Tỉ lệ phụ nữ tham gia thị trường lao động tăng

    Thập niên 1960, 1970 của thế kỷ 20, Nhật Bản khuyến khích mô hình gia đình lý tưởng, người chồng là trụ cột về kinh tế còn vợ thì ở nhà chăm con. Trong giai đoạn tăng trưởng kinh tế thần kỳ (1952-1973), phần lớn đàn ông Nhật được đảm bảo lương đủ cao, công việc suốt đời, kèm theo phúc lợi và lương hưu. Mọi thứ ổn định và khá bền vững từ khi người đàn ông đi làm cho đến khi về hưu cũng như cuộc sống sau khi về hưu. Tuy nhiên, chỉ vài năm sau thời kỳ Heisei, Nhật Bản chứng kiến cú sốc rất lớn của nền kinh tế, bong bóng nhà đất bị vỡ (1990-1991), kinh tế chững lại, nhiều đàn ông Nhật Bản không còn có thể lo cho gia đình như trước.

    Chính thập kỷ mất mát này phần nào làm giảm số người muốn lập gia đình. Hiện nay, trong 10 triệu người trẻ chưa có gia đình được khảo sát, có tới 4 triệu nói không muốn có người yêu. Sự độc lập cũng dẫn đến số phụ nữ đi làm và sống độc lập tăng lên. “Thay đổi lớn nhất trong thời kỳ Heisei là các phụ nữ trẻ có trình độ hay các bà mẹ đơn thân đã đi làm, không phải để kiếm thêm mà để tự chủ cuộc sống và gia đình mình”, Chizuko Ueno, chuyên gia, tác giả 30 cuốn sách về nữ quyền, nói với Japan Times.

    binh dang gioi

    Ngày nay, việc làm một nơi cả đời đã trở nên lỗi thời, và các nhân viên tự tìm ra sự nghiệp cho mình thay vì dành cả đời để leo nấc thang danh vọng ở một công ty. Sinh viên các trường hàng đầu như Đại học Tokyo có thể vẫn chọn làm việc trong các tập đoàn hay bộ ngành, nhưng họ có thể bỏ việc khi ở tuổi 30 để mở công ty hoặc chuyển sang việc khác. Họ linh hoạt hơn so với thế hệ trước.

    Thời đại Heisei cũng chứng kiến tỉ lệ phụ nữ tham gia vào thị trường lao động tăng từ 55% lên 65%, và tuổi lập gia đình trung bình của phụ nữ đã tăng từ 26 lên 29.

    Người trẻ Nhật bây giờ ngày càng tìm kiếm cuộc sống cho riêng mình. Chủ nghĩa cá nhân chưa hẳn đã là chủ đạo, nhưng đã hình thành. LGBT cũng không còn là điều cấm kỵ.

    “Thời kỳ Heisei là giai đoạn mà mô hình gia đình truyền thống không còn được coi là bắt buộc”, Takeshi Goto, tác giả, sử gia và nhà nghiên cứu về thời kỳ Heisei, nói với Japan Times.

    Ủng hộ bình đẳng giới

    Đầu những năm 2000, Nhật Bản có tỉ lệ sinh giảm mạnh, cùng với đó là sự già hoá của dân số, dẫn đến thiếu lao động trầm trọng. Các nhà chức trách lúc đó đành phải chuyển hướng nguồn cung lao động sang một đối tượng mới: phụ nữ.
    Điều này trái ngược lại với lối suy nghĩ từ trước tới nay của chính phủ Nhật là nếu phụ nữ càng làm việc nhiều, họ sẽ càng trì hoãn việc kết hôn và sinh đẻ. Vì thế, tới năm 2005, Nhật Bản ban hành nhiều hơn những chính sách ưu đãi về nghỉ sinh cũng như đồng ý trợ cấp cho các sản phụ. Nhưng tiếc thay, vẫn không có nhiều khác biệt. Mặc dù số lượng phụ nữ đi làm ngày càng tăng cao giúp giải quyết vấn đề thiếu lao động thì tỉ lệ sinh vẫn giảm mạnh.

    Khi các nhà chức trách Nhật Bản tiếp tục tìm hiểu lí do suy giảm tỉ lệ sinh, họ hiểu rằng trước giờ đã nỗ lực để thay đổi sai đối tượng. Phụ nữ thấy việc làm mẹ không hấp dẫn không phải do công việc đã chiếm hết thời gian của họ, mà là do thiếu sự ủng hộ và hợp tác từ chồng.

    binh dang gioi NB

    Theo một khảo sát vào năm 2006, đàn ông Nhật chỉ dành khoảng 1 giờ mỗi tuần để chăm sóc con cái, còn phụ nữ thì con số này lên tới 30 đến 40 tiếng mỗi tuần.

    Tuy nhiên, vấn đề là không bắt nguồn từ việc đàn ông Nhật coi thường việc chăm sóc con cái hay họ lười biếng. Khi bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi khảo sát những người cha trong năm 2008, một phần ba trong số họ nói rằng họ thực sự muốn xin nghỉ phép để ở nhà chơi với con nhưng lại sợ sếp mình không vừa ý.

    Sau đó, tại một cuộc phỏng vấn cho chương trình IkuBoss vào tháng 4 năm 2014, bà Masako Mori, Bộ trưởng phụ trách vấn đề tỉ suất sinh sản nói rằng, các công ty Nhật Bản cần tạo thêm nhiều cơ hội và chính sách ưu đãi hơn để các ông bố bà mẹ có thể yên tâm nghỉ phép để chăm con mà hoàn toàn không phải chịu bất cứ hình phạt nào.

    Áp lực từ gia đình và xã hội

    Kể cả khi các công ty đưa ra nhiều chính sách có lợi hơn cho các bậc cha mẹ, chúng ta cũng cần hiểu rằng áp lực từ các vị "phụ huynh của phụ huynh", hay ông bà của những đứa trẻ cũng là một trở ngại lớn cần vượt qua nếu như ta muốn hướng đến bình đẳng giới một cách toàn diện.

    Các thế hệ ông bà Nhật Bản thường sinh trưởng trong gia đình truyền thống, với những định kiến được giữ nguyên tới ngày nay, cả khi xã hội đã và đang thay đổi. Chính vì vậy, những phụ nữ theo đuổi sự nghiệp thường bị chỉ trích rằng làm như vậy sẽ khiến những đứa con của họ có một tuổi thơ bất hạnh do không có mẹ ở bên để chăm sóc.

    Bên cạnh việc tạo điều kiện cho người phụ nữ tham gia vào thị trường lao động, giảm bớt áp lực cho người chồng trong việc kiếm tiền thì hiện tại ở Nhật cũng có những gia đình vì nhiều người nhân mà người chồng thất nghiệp, mất sức lao động, người vợ trở thành trụ cột gia đình. Tuy nhiên, mô hình gia đình như vậy không dễ được chấp nhận ở Nhật khi định kiến xã hội còn khá khắt khe. 

    Thậm chí người Nhật còn có một thuật ngữ riêng chỉ những người đàn ông có vợ và thất nghiệp, đó là himo ("sợi dây trói buộc"), ám chỉ đến sự phụ thuộc tài chính vào người vợ của họ. Đó chính là lời lí giải cho một cuộc khảo sát được thực hiện vào đầu những năm 2000. Khi đó, phụ nữ thường đánh giá những người đàn ông làm nội trợ là "kém nam tính" hoặc "không có chí hướng".

    ap luc

    Những áp lực tinh thần tác động vào cả 2 phía đã khiến việc cố gắng đẩy mạnh bình đẳng giới đã khó nay còn khó hơn nhiều lần. Tuy khó khăn lại chồng thêm khó khăn, nhưng trong thập kỉ vừa qua, đã có một sự thay đổi rõ rệt trong tiềm thức của người dân Nhật Bản. Phụ nữ không chỉ là những người làm công việc nội trợ, và đàn ông cũng vì vậy mà được giảm bớt gánh nặng phải chu cấp cho gia đình mình.

    Những năm gần đây, số lượng đàn ông Nhật san sẻ việc nhà cũng như việc chăm sóc con cái với vợ mình ngày càng gia tăng. Giới truyền thông cũng đóng vai trò rất lớn trong vấn đề bình đẳng giới khi hình ảnh đàn ông làm nội trợ xuất hiện khắp nơi trên các mặt báo, chương trình truyền hình và kể cả các bộ phim dài tập.

    Trước đây, khi được hỏi về quan điểm của mình đối với những ông bố làm việc nhà, nữ sinh tại trường đại học Ochanomizu, Nhật Bản đã nói rằng theo họ đàn ông như vậy vô cùng thiếu hấp dẫn. Tuy nhiên, khi khảo sát lại nhóm người này vào thời điểm hiện tại, một nửa trong số họ nói rằng họ đang tìm kiếm bạn đời là những người "chồng nhà".

    Điều đáng nói ở đây là những ông bố bà mẹ này đều trong tầm tuổi 30, vì thế, có thể nhận thấy giới trẻ đã có cách nghĩ khác biệt so với thế hệ ở độ tuổi 50. Do đó, việc đặt niềm tin bình đẳng giới vào thế hệ trẻ Nhật là hoàn toàn có lý. 

    kilala.vn 

    01/04/2019

    Bài: N.A (t/h)
    Ảnh: Pixta

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!