Hội thao là sự kiện thường niên mà tất cả các nhà trẻ, mẫu giáo cũng như trường học của Nhật đều tổ chức vào mỗi dịp cuối hè, đầu thu khi tiết trời đã trở nên mát mẻ phù hợp với các hoạt động ngoài trời. Có rất nhiều ý nghĩa giáo dục sâu sắc được ẩn chứa sau hoạt động này và bài viết dưới đây sẽ giúp độc giả Việt Nam hiểu rõ hơn về một trong những hoạt động của mầm non Nhật Bản.
Quang cảnh ngày hội thao tại trường mẫu giáo Nhật (Ảnh: MIKI Yoshihito/flickr) Với những trường mầm non có quy mô lớn và có sân trường riêng thì có thể tổ chức riêng, còn những trường có quy mô nhỏ và ít học sinh (thường là các nhà trẻ trong cùng một hệ thống mầm non) thì 2 trường sẽ tổ chức chung với nhau. Địa điểm để diễn ra hội thao thường là nơi có sân rộng để biểu diễn các tiết mục văn nghệ, thể thao.
Quá trình luyện tập
Trước ngày diễn ra hội thao tầm hơn 1 tháng các bạn em đã phải tập trung tập luyện dưới sự hướng dẫn của các thầy cô với cường độ và sự nghiêm túc không thua gì người lớn. Trong thời gian đó thời gian học các môn khác sẽ giảm đi để thay bằng thời gian tập luyện. Mỗi lớp sẽ có tiết mục riêng và độ khó sẽ tương ứng với độ tuổi: múa, thể dục nhịp điệu, thi chạy…
Ngày hội thao
Đầu tiên các em sẽ tập trung theo lớp của mình,theo trường của mình, còn phụ huynh sẽ ngồi ở phía đối diện, bao xung quanh hội trường rộng. Buổi hội thao sẽ được diễn ra ngay sau màn khai mạc rất ngắn gọn của thầy cô hiệu trưởng. Đầu tiên là bài hát múa tập thể “chào buổi sáng” với bài hát múa thống của trường mình. Sau đó lần lượt từng lớp sẽ biểu diễn các tiết mục của mình là các bài hát múa tự chọn, có thể dựa theo những bài múa trong các lễ hội truyền thống của Nhật.
Phần thứ hai là phần chạy thi, đây như một môn bắt buộc ở hội thao của Nhật. Các bạn có ngày sinh nhật gần nhau sẽ được xếp để thi chạy cùng nhau xem ai về đích trước tiên. Những em nhỏ tầm 1 tuổi chưa hiểu rõ lắm mục đích của việc phải chạy về đến đích nên có khi chỉ đi bộ về đích, hoặc chạy đến gần đích thì quay đầu lại. Những em nhỏ không chạy về đích thì cô giáo sẽ chạy cùng hướng dẫn các em về. Nhưng em nhỏ dưới 1 tuổi thì sẽ thi xem ai bò về đích nhanh hơn. Mục đích của cuộc thi chỉ là để các em cùng nhau cố gắng chứ không có yếu tố thắng thua hay ai là người mạnh nhất.
Mục đích của cuộc thi chỉ là để các em cùng nhau cố gắng chứ không có yếu tố thắng thua hay ai là người mạnh nhất (Ảnh: MIKI Yoshihito/flickr) Phần thứ 3 là phần thi kết hợp: hai mẹ con cùng chạy tiếp sức, để xem mức độ ăn ý của cha mẹ và con cái như thế nào.
Sự tham gia của bố mẹ và người thân
Ngày hội thao không chỉ bố mẹ và anh chị em mà cả ông bà và họ hàng cũng có thể tham gia đóng vai trò là người cổ vũ và tham gia vào phần thi dành cho phụ huynh để không khí hội thao thêm sôi nổi. Thường thì phụ huynh sẽ được chia làm các đội theo lớp hoặc theo trường và chơi những trò như ném bóng bầu dục để tính điểm, chạy tiếp sức, chạy cướp cờ. Sự tham gia của các ông bố hay các bà mẹ đã góp phần làm cho không khí của hội thao thêm vui vẻ và sôi động. Con cái nhìn thấy sự cố gắng của ba mẹ trong mỗi phần thi, được cổ vũ cho ba mẹ mình, chính là một cơ hội quý báu để gắn kết thêm tình yêu thương giữa cha mẹ và con cái.
Sự tham gia của các ông bố hay các bà mẹ đã góp phần làm cho không khí của hội thao thêm vui vẻ và sôi động (Ảnh: MIKI Yoshihito/flickr) Tinh thần chuyên nghiệp
Hội trường diễn ra hội thao vô cùng rộng lớn đối với các em nhỏ. Nếu như những em lớn trên 3 tuổi có thể bình tĩnh và tự tin trước đám đông, thì những em 1-2 tuổi sẽ vô cùng bất an, lo sợ vì lần đầu được ở trong không gian rộng lớn và gặp nhiều người lạ như thế. Chính vì thế rất nhiều em nhỏ 1-2 tuổi khóc ầm ĩ khi phải xa bố mẹ đi theo cô giáo đến tập trung với lớp của mình.
Nhưng các cô giáo nói với phụ huynh rằng dù trẻ có khóc như nào thì phụ huynh hãy tạm lánh mặt và không được chạy lại chỗ các bé để vỗ về, các cô sẽ là người vỗ về bé. Bởi vì các cô muốn rèn luyện cho trẻ tinh thần làm việc gì cũng phải làm đến cùng. Trẻ đã mất công sức luyện tập cả tháng trời, hôm nay là cơ hội để các em thể hiện sự nỗ lực ấy. Trẻ cần học hỏi từ bạn bè xung quanh để bản thân mình không cảm thấy thua kém. Trẻ có thể khóc, nhưng trẻ vẫn biểu diễn cùng các bạn để trẻ học được rằng bản thân mình đã cố gắng, đã không thua kém các bạn khác. Còn nếu như chỉ vì trẻ khóc mà không cho tham gia biểu diễn thì đã vô tình đánh mất đi cơ hội để dạy trẻ bài học ấy. Chính vì thế có những trẻ 1-2 tuổi vừa khóc, vừa biểu diễn nhưng cha mẹ không hề cảm thấy xót xa cho con họ. Chính tinh thần nghiêm túc và chuyên nghiệp đó cùng sự kiên trì nhẫn nại của các thầy cô giáo dạy trẻ ngay từ khi còn ở độ tuổi rất nhỏ là điều tôi cảm thấy ấn tượng nhất.
Nguyễn Thị Thu / kilala.vn
Đăng nhập tài khoản để bình luận