Điện thoại nắp gập Nhật Bản
Lịch sử điện thoại Nhật Bản
Tại Nhật Bản, cho dù dòng điện thoại của Apple chiếm thị phần lớn nhưng những công ty điện tử Nhật không từ bỏ mà vẫn tiếp tục phát triển các sản phẩm điện thoại của mình. Trong lịch sử, điện thoại nắp bật xuất hiện ở Nhật tương đối sớm.
Năm 1991, công ty viễn thông Docomo đã sản xuất mẫu điện thoại siêu nhỏ gọn tiện lợi, được xem là những chiếc điện thoại nắp bật đời đầu tiên. Ở thời điểm đó, những chiếc điện thoại này có giá vô cùng đắt đỏ, chỉ dùng để liên lạc truyền tin.
Đầu thế kỷ 21, giá thành điện thoại di động bắt đầu giảm xuống, lúc này điện thoại di động tiếp cận được nhiều đối tượng hơn và dần trở thành một món đồ điện tử thông dụng đối với người Nhật.
Điện thoại Nhật phát triển từ sớm
Năm 2000, Nhật Bản chính thức sử dụng mạng kết nối 3G, sớm hơn so với các quốc gia khác trong khu vực. Đến khi bước sang thế kỷ 21, NTT Docomo bắt đầu tích hợp vào điện thoại những tính năng như xem tin tức, gửi tin nhắn, đặt vé xe. Với những tính năng này, điện thoại di động không còn là công cụ để trao đổi thông tin nữa. Riêng với dòng điện thoại i-mode, trên điện thoại có thêm phím chuyên dụng, người dùng chỉ cần ấn vào là có thể tra thời tiết, thời gian chạy của xe điện, đọc e-book, thậm chí là truy cập các trang web của Nhật.
Sau khi "i-mode" xuất hiện, điện thoại di động Nhật càng phổ biến và được đón nhận nhiều hơn. Sau đó, NEC tung ra dòng điện thoại N502it, kích cỡ vừa tay, màn hình LCD, nhanh chóng được giới trẻ Nhật Bản yêu thích.
Ưu thế của di động nắp bật lúc này được thể hiện rõ. Do bản chất của dòng điện thoại "i-mode" là thể hiện khá nhiều thông tin nên việc dùng một màn hình lớn là vô cùng cần thiết. Kích thước và hình dáng vẫn nhỏ gọn, màn hình và bàn phím tách rời, thỏa mãn được nhu cầu của người dùng ở thời điểm đó. Về sau, kết nối mạng tại Nhật càng được hoàn thiện tốt hơn, rất nhiều điện thoại nắp bật có thể xoay ngang màn hình, trên thân máy kéo một cây ăng-ten nhỏ là có thể xem video.
Cải tiến, đổi mới và thích nghi
Hiện tại, theo các con số thống kê, điện thoại iPhone của Apple chiếm hơn 40% thị phần tại Nhật, hơn 50% còn lại là các dòng điện thoại nội địa. Tuy nhiên, vào thời điểm mà các dòng điện thoại cảm ứng cả iOS lẫn Android bắt đầu thịnh hành, các công ty sản xuất điện thoại nội địa trở nên khó khăn. Trước sự phát triển của các loại điện thoại cảm ứng thông minh, điện thoại nắp bật vẫn không bị lép vế. Nguyên nhân chủ yếu có thể nói là bởi sự thay đổi không ngừng của các công ty sản xuất trong suốt hai năm qua. Dòng điện thoại nắp bật truyền thống vẫn còn chỗ đứng nhất định. Bằng chứng là ba công ty sản xuất lớn vẫn tiếp tục tung ra thị trường những mẫu điện thoại mới, được cải tiến và đa dạng mẫu mã hơn.
Nếu vào các trang web bán điện thoại online của Nhật, chúng ta sẽ thấy có hai loại là điện thoại thông minh và điện thoại truyền thống. Những loại điện thoại thông minh có màn hình cảm ứng như iPhone sẽ được ghi là: sumaho - スマホ, còn điện thoại truyền thống như điện thoại nắp bật, điện thoại chức năng sẽ được ghi là ガラケー.
Do thị trường điện thoại ở Nhật Bản được phát triển từ sớm và khá hoàn thiện nên khi những chiếc điện thoại thông minh "tiến vào" cũng khiến một số người dùng cảm thấy không có gì mới mẻ. Nhật Bản có dân số già, đó cũng là một trong số các lý do khiến điện thoại thông minh không quá phổ biến tại đất nước này. Rất nhiều người cao tuổi vẫn chọn sử dụng điện thoại nắp bật, bởi bình thường họ chỉ cần gọi điện thoại, gửi tin nhắn là đủ rồi. Các tính năng cảm ứng của điện thoại thông minh đối với họ lại có hơi "dư thừa".
Trong thời gian tới, NTT Docomo, FOMA và Softbank tuyên bố ngừng kết nối 3G cho các thiết bị từ năm 2026. Vì để nâng cấp tính năng nhưng không mất đi kiểu dáng, các công ty đã tích hợp phần mềm (software) vào các điện thoại nắp bật. Người ta có thể gọi đây là "một nửa smartphone" hoặc "kết hợp giữa smartphone và điện thoại truyền thống". Về kiểu dáng, những chiếc điện thoại này vẫn sẽ giữ nguyên phần thiết kế gồm màn hình nắp bật và thân máy có bàn phím. Tuy nhiên, hệ thống máy đã được cài đặt lại, sử dụng nền tảng Android, cho phép kết nối 4G, wifi, bluetooth và cũng tích hợp Line để người dùng tiện nhắn tin trao đổi. Có thể nói đây là một nước đi thông minh, sự cải tiến này khiến cho chiếc điện thoại trở nên "xịn sò" hơn, có nhiều không gian phát triển nhưng vẫn giữ được giá thành không quá đắt.
Truyền thống không nhất định là lạc hậu, đôi khi chỉ cần cải tiến một chút, bình cũ rượu mới là có thể tỏa sáng thêm lần nữa.
kilala.vn
09/07/2020
Bài: Aki Kanou
Đăng nhập tài khoản để bình luận