Bài tập hè - Áp lực của học sinh Nhật Bản
Kỳ nghỉ làm bài tập
Theo The Japan Times, đa phần các ông bố bà mẹ ngày nay đều muốn con mình dành thời gian ngồi bên bàn học hơn là để chúng tự do xem tivi cả ngày, vui chơi với đám bạn hay tận hưởng hương vị mát lạnh của que kem mùa hè. Đối với học sinh Nhật Bản, bài tập hè phủ cái bóng đen dài lên hết thảy mọi hoạt động vui chơi giải trí mà các em đã luôn mong chờ. Dự định “Mùa hè năm nay, mình sẽ…” được đặt ra trước khi bắt đầu năm học mới đã vỡ vụn trước núi bài tập chất chồng.
Từ khi Nhật Bản bắt đầu công cuộc hiện đại hóa hệ thống giáo dục vào cuối thế kỷ XIX, việc giao bài tập về nhà trong các kỳ nghỉ để học sinh không quên kiến thức đã trở thành một phần tất yếu. Toán ôn tập, luyện viết Hán Tự, bài văn cảm nhận về quyển sách đã đọc, bài nghiên cứu tự do, viết nhật ký về kỳ nghỉ hè và ghi chú lịch tập thể dục hằng ngày thường là những bài tập mà học sinh phải làm trong suốt kỳ nghỉ hè và nộp lại cho giáo viên chủ nhiệm vào ngày tựu trường. Tùy theo cấp học mà số lượng bài tập được giao sẽ khác nhau, trong số đó cũng có vài bài tập thú vị như quan sát sự phát triển của cây trồng, cắt giấy thủ công… nhưng nhìn chung hầu hết các em đều tỏ ra ngán ngẩm. Những học sinh năm cuối buộc phải “nuốt nước mắt” khi vừa phải lo liệu bài tập hè vừa học tối mặt mũi ở trường dạy thêm để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh sắp tới. Trên trang yahoo.net, một học sinh giấu tên đã chia sẻ:
“Ghét quá đi! Sao mình lại phải làm nhiều bài tập đến thế?
Hơn 50 trang bài tập ở trường cho một môn học, ngoài ra còn bài của những môn phụ khác, đề cương và những cuốn sách tham khảo dày cộm.
Cả bài tập ở chỗ học thêm nữa.
Một ngày mình phải làm 6 trang bài tập. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng tính ra một tuần mình phải làm đến 42 trang.
Dù đã nhiều như vậy rồi nhưng vẫn còn có một trường dạy thêm từ sáng đến tối, dạy đến 5 buổi/tuần.
Mình đã cố làm hết bài tập ở trường trong buổi sáng, nhưng làm mãi mà chẳng hết. Cả bài tập ở chỗ học thêm cũng vậy.
Buổi tối, mình thật sự rất mệt mỏi, nhưng không vì thế mà mình không thể không làm bài tập được…”
Khi áp lực học tập lan sang phụ huynh
Mùa hè năm nay, trường trung học Kojimachi ở Tokyo đã “bắn phát súng đầu tiên” thông báo kế hoạch bãi bỏ bài tập về nhà trong kỳ nghỉ hè và kêu gọi kết thúc các kỳ thi “vô nghĩa” vắt kiệt sức học sinh.
“Không bài tập về nhà, không giáo viên chủ nhiệm lớp, thi giữa kỳ và cuối kỳ cũng không” trở thành khẩu hiệu của trường. Khi được hỏi liệu điều đó có ổn không, hiệu trưởng Kojimachi Kudo Yuichi đã không ngần ngại trả lời “Tất nhiên là ổn.” Mặc dù nhận được rất nhiều sự đồng tình, nhưng một số khác lại quan ngại cách làm này chỉ hiệu quả đối với các trường điểm như Kojimachi.
Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Ikoyo tiến hành khảo sát trên 768 phụ huynh đã cho thấy có 53% người được hỏi tin rằng bài tập hè là cần thiết cho con trẻ. Ngược lại chỉ có 15% phụ huynh nghĩ điều này là không cần thiết. Tuy nhiên, nếu một đứa trẻ suốt ngày rong chơi không màn đến bài tập thì đến khi mùa hè sắp kết thúc, không phải một mình đứa trẻ mà là cả gia đình đều bị cuốn vào “trận chiến” với cả đống bài tập. Không cha mẹ nào có thể làm ngơ trước vẻ mặt khẩn khoản tội nghiệp của con mình, một phần là do họ không muốn con bị điểm kém ngay trong ngày đầu tiên trở lại trường.
Có những phụ huynh thậm chí còn cho phép con sử dụng dịch vụ làm bài tập thuê trên Internet. Chỉ cần lên mạng tìm kiếm từ khóa 宿題代行 (Shukudai daikou), một loạt trang web nhận làm bài tập thuê sẽ hiện ra trên kết quả tìm kiếm. Giá cả đa dạng phụ thuộc vào từng loại bài tập, chẳng hạn như 500 yên (khoảng 110.000 đồng) cho một trang bài tập Toán, 10.000 yên (khoảng 2.000.000 đồng) cho năm trang viết cảm nhận về quyển sách đã đọc hay 5.000 yên (khoảng 1.100.000 đồng) cho một bài nghiên cứu tự do. Tuy nhiên, gần đây một số trang web đã ký thỏa thuận với Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ về việc hạn chế loại hình dịch vụ này.
Trung bình một người Nhật dành mười hai mùa hè niên thiếu của mình để hoàn thành bài tập về nhà. Rất may là khi lên Đại học đã không còn khái niệm “bài tập về nhà” nữa, nhưng bốn năm Đại học trôi nhanh như cái chớp mắt, những người trẻ lại bước tiếp vào guồng quay công việc chóng mặt để rồi sau này khi hồi tưởng lại, những ngày hè thuở xưa đã thực sự trở thành một miền ký ức xa xăm.
kilala.vn
06/09/2019
Bài: Nguyễn Ngân
Nguồn tham khảo: The Japan times
Đăng nhập tài khoản để bình luận