Đạo diễn Kore-eda mong muốn thúc đẩy sự sáng tạo của tài năng trẻ
Đạo diễn nổi tiếng Hirokazu Kore-eda lo ngại rằng ngành công nghiệp điện ảnh hướng nội, thiếu nguồn vốn của Nhật Bản đang loại bỏ các tài năng trẻ, vì vậy ông đã tự mình giải quyết vấn đề bằng cách cố vấn cho các nhà làm phim triển vọng, trong một loạt phim mới của Netflix.
Hirokazu Kore-eda là một trong những đạo diễn tài năng và có sức ảnh hưởng lớn trong nền điện ảnh Nhật Bản. Năm 2018, bộ phim "Shoplifters" xuất sắc nhận giải “Cành cọ vàng” tại LHP Cannes và “Broker” mang đến giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất tại Cannes 2022.
Trong một cuộc phỏng vấn với AFP, Kore-eda chia sẻ rằng thái độ tự mãn và điều kiện làm việc tồi tệ trong ngành điện ảnh Nhật ở cả lĩnh vực điện ảnh và truyền hình đã ảnh hưởng đến sự phát triển của toàn ngành.
“Môi trường làm việc cần phải thay đổi. Trong suốt sự nghiệp của mình, tôi chỉ có thể tập trung vào việc cải thiện kỹ năng làm phim của riêng mình. Nhưng giờ đây, khi nhìn xung quanh mình, tôi thấy rằng những người trẻ tuổi không còn chọn làm việc trong lĩnh vực điện ảnh và truyền hình nữa. Và tôi nghĩ rằng môi trường làm phim của chúng ta phải thay đổi”. Kore-eda kêu gọi chấm dứt tình trạng lương thấp, thời gian làm việc kéo dài khiến mọi người không còn hứng thú với việc cống hiến và trau dồi kỹ năng.
Để giúp giải quyết vấn đề này, đạo diễn của “Broker” đã hợp tác với ba người trẻ tuổi để thực hiện loạt phim Netflix mới lấy bối cảnh ở Kyoto đậm chất truyền thống. Bộ phim chuyển thể từ truyện tranh dài chín tập, "The Makanai: Cooking for the Maiko House", nói về cuộc sống của những Maiko và Geisha hiện đại, nó cũng có bản anime với tựa đề “Kiyo in Kyoto”. Bộ phim sẽ lên sóng Netflix từ 12/01.
Vị đạo diễn tài ba này hài hước cho biết trong suốt quá trình thực hiện bộ phim này, ông đã “ăn cắp” được nhiều kỹ năng của những đồng nghiệp trẻ tuổi: “tư duy nghệ thuật, kiến thức, góc nhìn hiện đại của họ đã hỗ trợ tôi rất nhiều”.
Sau thành công của "Shoplifters", đạo diễn đã bắt đầu lấn sân sang các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Nhật, việc làm phim Pháp "The Truth", phát hành năm 2019, và phim gần đây "Broker" hợp tác với dàn diễn viên Hàn Quốc đã làm sắc nét quan điểm của anh ấy về những điều mà ngành công nghiệp điện ảnh Nhật Bản đang còn thiếu sót.
Trong khi phim hoạt hình Nhật Bản đang bùng nổ trên Netflix, các dịch vụ phát trực tuyến khác và cả ở các rạp chiếu phim, thì các tác phẩm người thật đóng của quốc gia này đã bị lu mờ bởi các siêu phẩm Hàn Quốc như "Squid Game" và bộ phim đoạt giải Oscar "Ký sinh trùng".
Kore-eda cho biết, để trở thành một cường quốc văn hóa toàn cầu, chính phủ Hàn Quốc đã đi đầu trong nỗ lực tung ra một loạt xuất khẩu văn hóa đại chúng trong hai thập kỷ qua. Suốt thời gian đó, Nhật Bản luôn hướng nội với rất ít động lực để tiếp thị các bộ phim và chương trình truyền hình của mình ở nước ngoài vì họ cảm thấy thị trường nội địa đang phát triển mạnh mẽ.
Năm nay, Kore-eda và các đạo diễn khác đồng ý kiến cho rằng Nhật Bản cần một Trung tâm Điện ảnh Quốc gia do nhà nước điều hành tương tự với Pháp để tài trợ mạnh mẽ hơn cho ngành và cải thiện điều kiện làm việc.
Một cuộc khảo sát năm 2019 của chính phủ Nhật Bản cho thấy hơn 60% nhân viên và 70% người làm việc tự do tham gia làm phim ở Nhật Bản không hài lòng với mức lương thấp, thời gian làm việc mệt mỏi và tương lai không chắc chắn của ngành.
Hiroshi Okuyama, một trong ba đạo diễn làm việc với Kore-eda trong loạt phim mới, cho biết anh và các đồng nghiệp không còn coi nghề nghiệp của mình là một nguồn thu nhập khả thi: “Các nhà làm phim thuộc thế hệ của tôi, bao gồm cả tôi, cam chịu thực tế rằng chúng tôi không còn có thể kiếm sống chỉ bằng cách làm phim,” chàng trai 26 tuổi nói với AFP, ngoài ra hai đạo diễn trẻ khác là Megumi Tsuno và Takuma Sato cũng đồng quan điểm.
Trước đó, Kore-eda được biết đến là một nhà vận động tích cực chống quấy rối tình dục trong thế giới điện ảnh, và vào tháng 3, anh ấy và những người khác đã đồng hành với các diễn viên tố cáo câu chuyện bị một đạo diễn nam ở Nhật Bản hành hung.
Những lời buộc tội đó đã biến thành một chiến dịch truyền thông xã hội giống như #MeToo và vào tháng 7, Hiệp hội Đạo diễn Nhật Bản đã đưa ra một tuyên bố cam kết xóa bỏ hành vi quấy rối, đây được Kore-eda mô tả là một "bước tiến lớn".
kilala.vn
07/01/2023
Nguồn: Japantoday
Đăng nhập tài khoản để bình luận