NỘI DUNG BÀI VIẾT

    Tsutaya Juzaburo: Vua xuất bản thời Edo

    Tsutaya Juzaburo: Vua xuất bản thời Edo

    Tsutaya Juzaburo được biết đến là nhà xuất bản vĩ đại, người đã phát hiện, nuôi dưỡng những tài năng văn học nghệ thuật và thay đổi văn hóa Nhật Bản thời Edo.

    Tại xứ hoa anh đào, Tsutaya là thương hiệu lừng danh trong lĩnh vực kinh doanh sách. Các nhà sách Tsutaya thường nằm ở những khu thương mại sầm uất, cung cấp dịch vụ tiệm sách kết hợp quán cafe và khu trưng bày, với không gian được thiết kế độc đáo, sang trọng. Thương hiệu này do Muneaki Masuda thành lập vào đầu thập niên 80, và cái tên Tsutaya được cho là lấy từ tên của bậc thầy huyền thoại trong giới xuất bản Nhật: Tsutaya Juzaburo (1750-1797).

    Lập nghiệp ở Yoshiwara

    Tsutaya Juzaburo (蔦屋 重三郎) sinh ngày 13 tháng 2 năm 1750 tại khu ăn chơi phồn hoa nhất Edo lúc bấy giờ là Yoshiwara. Họ của ông được đặt theo tên một trong những quán trà của nhà Kitagawa, gia tộc đã nhận nuôi ông.

    Vào thế kỷ 18, kinh tế phát triển thịnh vượng với sự bùng nổ của tầng lớp thương nhân, dẫn tới nhu cầu giải trí trong đời sống tăng cao. Sách không chỉ phục vụ cho tầng lớp quý tộc, thượng lưu mà đã trở thành một sản phẩm văn hóa phổ biến với cả thường dân.

    Nhận ra cơ hội kinh doanh, Tsutaya bắt đầu với việc mở một tiệm bán và cho thuê sách tại Shinyoshiwara Gojukkendo Higashigawa, khu vực bên ngoài cổng chính của Yoshiwara vào năm 1774.

    Ấn phẩm đầu tiên ông xuất bản là tập tranh minh họa về những người đẹp Yoshiwara của Kitao Shigemasa, có tựa "Hitome Senbon". 

    con-dau
    Con dấu của nhà xuất bản Tsutaya Juzaburo. Ảnh: Wikipedia

    Đầu óc kinh doanh nhạy bén của Tsutaya thể hiện qua việc ông nắm rõ thị trường ngay từ khi bắt đầu xây dựng sự nghiệp. Ông làm sách về phố đèn đỏ - đề tài ít có nguy cơ thất bại nhờ sự nổi tiếng của chốn ăn chơi thiên đường này.

    Với sự trợ giúp của cha mình, người làm việc trong các khu giải trí của Yoshiwara, từ năm 1774 đến 1775, Tsutaya đã hợp tác cùng nhà xuất bản Urokogataya, cho ra đời "Yoshiwara saiken" - loạt sách cung cấp thông tin về các nhà chứa và kỹ nữ ở khu phố hoa. Từ năm 1776, ông tự xuất bản và độc quyền với đề tài hướng dẫn về Yoshiwara.

    yoshiwara-saiken
    Loạt sách "Yoshiwara saiken". Ảnh: Wikimedia Commons

    Tsutaya còn chuyên xuất bản các ghi chép, tài liệu châm biếm tầng lớp samurai, giới quý tộc. Vì vậy, một số học giả ví ông như một thứ vũ khí truyền thông chống chính quyền. Cũng có ý kiến cho rằng, Tsutaya biết nắm bắt xu thế thời đại, dựa vào sự nhạy bén để cung cấp thông tin cho công chúng.

    Xưng vương trong lĩnh vực xuất bản thời Edo

    Năm 1783, Tsutaya đến Nihonbashi - nơi nhiều nhà xuất bản lớn khác đặt trụ sở, để bắt đầu công cuộc xây dựng “đế chế” của riêng mình. Ông mở hiệu sách Koshodo và tiếp cận với nhiều thể loại thơ văn, tranh ảnh khác nhau, làm phong phú hơn các đề tài xuất bản.

    hieu-sach-koshodo
    Hiệu sách Koshodo trong sách tranh "Ehon azuma asobi" của Katsushika Hokusai (tác phẩm ra đời năm 1802 và được cho là mô tả cửa hàng sau khi Tsutaya qua đời). Ảnh: Nippon

    Ở Edo vào cuối thế kỷ 18, sách là phương tiện giải trí phổ biến. Tsutaya nắm rõ nhu cầu của thị trường và ra mắt các ấn phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau, từ sách học thuật mang chủ đề như Nho giáo, địa lý đến loạt sách giải trí gồm văn thơ trào phúng, sách minh họa, sách tranh hay các tác phẩm về chủ đề phố đèn đỏ... 

    Tsutaya xuất bản kibyoshi của nhà văn nổi tiếng Kisanji vào năm 1783, đánh dấu sự thành công của ông sau này. Kibyoshi là sách tranh thường được in thành tập 10 trang, gồm 2 đến 3 tập, với đặc trưng là bìa sau màu vàng.

    Ông tiếp tục nâng cao danh tiếng với thể loại kyoka (một biến thể vui tươi và hài hước của thơ tanka). Tsutaya đã thực hiện tuyển tập tác phẩm kyoka của các nhà thơ như Koikawa Harumachi và Tegarano Okamochi - người cũng viết tiểu thuyết dưới bút danh Hoseido Kisanji.

    Với tài quảng bá, ông khiến những tác phẩm kyoka trở nên được ưa chuộng rộng rãi. Ngoài ra Tsutaya cũng làm thơ kyoka, ông sáng tác dưới bút danh Tsuta no Karamaru.

    cac-nha-tho-kyoka-noi-tieng-va-tsutaya-hop-mat
    Một bức tranh trong "Yoshiwara daitsue" vẽ cảnh các nhà thơ kyoka nổi tiếng và Tsutaya họp mặt. Ảnh: Nippon

    Trong mảng tranh minh họa, Tsutaya thể hiện gu thẩm mỹ hoàn hảo khi lựa chọn tranh của Katsushika Hokusai và Kitagawa Utamaro. Những bức tranh của của các danh họa này đã góp phần tăng thêm tính nghệ thuật cho ấn phẩm mà Tsutaya xuất bản.

    Được xem là người đưa văn hóa Ukiyo-e thời Edo lên tầm cao mới, Tsutaya gắn với danh xưng “vua xuất bản" với số lượng tác phẩm đồ sộ đa thể loại, phục vụ nhu cầu giải trí nghệ thuật của người dân. 

    Người nâng đỡ các văn nghệ sĩ 

    Trong sự nghiệp huy hoàng của mình, Tsutaya đã phát hiện và hỗ trợ nhiều văn nghệ sĩ, đưa tên tuổi họ ra ánh sáng. Trong đó nổi bật có các họa sĩ Utamaro và Sharaku, các nhà văn Bakin và Jippensha Ikku, họa sĩ kiêm nhà văn Santo Kyoden.

    Tsutaya là người đã phổ biến các bức chân dung họa người đẹp của Kitagawa Utamaro - một trong những bậc thầy hàng đầu về nghệ thuật Ukiyo-e. Loạt tác phẩm như "Fujin Sogaku Jittai" và "Fujin Ninso Juppin" của danh họa thời Edo đã trở nên “ăn khách” nhờ tài quảng bá của Tsutaya.

    fujin-ninso-juppon
    Một người phụ nữ trong loạt tranh "Fujin ninso juppin". Ảnh: Nippon

    "Ông vua xuất bản" cũng có công phát hiện ra tài năng của Toshusai Sharaku, một họa sĩ vô danh xuất hiện vào năm 1794. Sharaku đã sáng tác 140 bức chân dung về diễn viên Kabuki và các nghệ sĩ khác trong khoảng thời gian 10 tháng ngắn ngủi. Tsutaya độc quyền xuất bản tất cả các tác phẩm này.

    tac-pham-cua-sharaku
    Tác phẩm "Sandaime Otani Oniji no yakko Edobei" của Sharaku. Ảnh: Nippon

    Tsutaya đã không ngần ngại tạo mọi điều kiện để các nhà văn, họa sĩ phát triển sự nghiệp. Ông cho họ ở tại nhà mình, hỗ trợ về mặt tài chính cũng như khuyến khích sự sáng tạo và đóng vai trò là người bảo trợ, cố vấn.

    Qua đó Tsutaya đã đạt được thành công lớn và thu được lợi nhuận khổng lồ từ các ấn phẩm. Tuy nhiên danh tiếng của ông đến từ việc khám phá và nuôi dưỡng những tài năng lớn. 

    Sau cuộc cải cách Kansei (1789-1801), Tsutaya đã trải qua nhiều khó khăn liên quan đến tình hình chính trị của quốc gia. Tuy nhiên ông vẫn tiếp tục với công việc của mình, cho ra đời nhiều tác phẩm hay và chỉ dừng lại công cuộc xuất bản khi qua đời vào năm 1797, ở tuổi 48 do bệnh tật. Cuộc đời dẫu không dài nhưng Tsutaya Juzaburo đã để lại một di sản lớn về văn học nghệ thuật cho Nhật Bản.

    Sự nghiệp xuất bản của ông được kế thừa bởi Yusuke - người lấy tên là Juzaburo II. Đến năm 1850 thì hoạt động xuất bản dưới “thương hiệu” Tsutaya đã dừng lại.

    Cuộc đời của vua xuất bản Tsutaya Juzaburo sẽ được tái hiện trong bộ phim truyền hình taiga năm 2025 của đài NHK. Phim có tựa đề là "Berabou ~Tsutajueiga no Yumebanashi~", và vai của Tsutaya sẽ được đảm nhiệm bởi nam diễn viên Yokohama Ryusei.

    berabou
    Công bố dàn cast trong phim taiga 2025 của NHK. Ảnh: NHK

    kilala.vn

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!