NỘI DUNG BÀI VIẾT

    Thiền sư Eisai: Ông tổ trà Nhật Bản

    Thiền sư Eisai: Ông tổ trà Nhật Bản

    Tại Nhật Bản, trà được du nhập từ Trung Quốc trong thời kỳ Nara và Heian bởi các vị đại sư Saicho và Kukai. Bấy giờ trà được đóng thành bánh gọi là Dancha (Đoàn Trà), rất quý và chỉ phổ biến trong giới quý tộc, tăng lữ như một loại dược liệu. Phải đến thời Kamakura, trà mới thực sự phổ biến rộng rãi nhờ công lao của vị thiền sư Myouan Eisai.

    Thiền sư Myouan Eisai (明菴榮西 Minh Am Vinh Tây) sinh vào cuối thời Heian, năm 1141 tại tỉnh Bitchu (Okayama ngày nay). Người ta nói rằng ngài đã bắt đầu đọc kinh Phật từ năm lên 8, và đến năm 14 tuổi thì xuất gia tại chùa Enryaku-ji, ngôi chùa trên núi Hiei ở kinh đô Kyoto.

    Sinh thời, nhà sư đã hai lần đến Trung Quốc để học tập, lần thứ nhất vào năm ông 28 tuổi và chuyến đi kéo dài 7 tháng. Chuyến đi thứ hai vào năm 1187, khi đại sư 47 tuổi, đã trở thành một bước ngoặt quan trọng đối với lịch sử Phật giáo và Trà đạo Nhật Bản.

    myouan-eisai
    Thiền sư Myouan Eisai. 

    Sau bốn năm du học, Eisai hồi hương và bắt đầu truyền bá giáo lý Thiền Lâm Tế (Rinzai). Cũng trong lần trở lại này, nhà sư đã mang hạt giống trà và phương pháp pha trà của nhà Tống về Nhật Bản, đồng thời truyền bá rộng rãi công dụng và nghi thức uống trà. Cũng vì những đóng góp quan trọng này, đại sư được xưng tụng là ông tổ trà Nhật.

    Nghi lễ Sarei tiền thân của trà đạo

    Vào thời Kamakura, nghi lễ uống trà gọi là Sarei (茶礼) đã được thiền sư Eisai mang về từ Trung Quốc và bắt đầu được thực hành tại các ngôi chùa Thiền tông. Sarei được tổ chức nhiều lần trong ngày, các nhà sư sẽ uống nước nóng hoặc trà sau khi ngồi thiền buổi sáng, sau bữa ăn, trong giờ giải lao và trước khi đi ngủ. Nghi thức bao gồm việc chia sẻ và cùng uống trà từ một ấm trà duy nhất, do đó tượng trưng cho sự hòa hợp, thống nhất về tinh thần.

    sarei
    Ảnh: zenbunka.or.jp

    Loại trà được sử dụng khi ấy cũng tương tự như Matcha ngày nay, với cách chế biến do thiền sư học được trong thời gian tu tập ở Trung Quốc. Theo ghi chép để lại, người ta sẽ nghiền nát lá trà hấp thành bột, thêm nước nóng rồi uống.

    Ngoài ra, trà cũng đặc biệt được giới samurai thời này coi trọng vì là thức uống giúp tập trung trí óc và phục hồi mệt mỏi. Việc uống trà cũng trở nên phổ biến trong tầng lớp samurai như một công cụ giao tiếp xã hội.

    Các buổi hội trà (茶寄合 Cha-yoriai) nơi mọi người tụ tập để thưởng trà đã bắt đầu được tổ chức. Và vào cuối thời Kamakura, Tocha (闘茶) hay đấu trà, một trò chơi mà mọi người sẽ thi nhau phân biệt “honcha” (trà thật, ám chỉ trà trồng ở vùng Toganoo) với “hicha” (không phải trà, tức trà xuất xứ từ những vùng khác), cũng lan rộng.

    Khiết Trà Dưỡng Sinh Ký Kissa Yojoki

    Một đóng góp đặc biệt quan trọng của thiền sư Eisai cho lịch sử trà Nhật Bản là tác phẩm Kissa Yojoki (潔茶養生記, Khiết Trà Dưỡng Sinh Ký), cuốn sách giải thích về đặc tính dược liệu của trà. Eisai tuyên bố: “Trà là tiên dược dưỡng sinh, là thuật diệu kỳ kéo dài tuổi tác. Sơn cốc sinh ra trà, đất ấy thần thánh sao! Con người hái uống trà, người ấy sống lâu sao!” (Trần Quang Đức, Chuyện Trà Lịch sử một thức uống lâu đời của người Việt, Nhã Nam, 2021).

    Trong tác phẩm, thiền sư giải thích công dụng của trà theo thuyết Âm Dương Ngũ hành. Thuyết này cho rằng vạn vật đều được tạo thành từ năm yếu tố: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, và thực phẩm cũng được phân thành năm loại dựa trên hương vị.

    Tạng cũng được phân loại theo cách tương tự, trong đó: Mộc = Gan = Chua; Hỏa = Tim = Đắng; Thổ = Lá lách = Ngọt; Kim = Phổi = Cay; và Thủy = Thận = Mặn. Ý tưởng là bằng cách tiêu thụ các loại thực phẩm một cách cân bằng, con người có thể duy trì cơ thể khỏe mạnh.

    Theo Eisai, trà có tác dụng điều hòa tim cơ quan quan trọng nhất trong ngũ tạng, nếu tim khỏe mạnh thì các cơ quan khác cũng sẽ khỏe mạnh. Ông cho rằng chế độ ăn uống của người Nhật vào thời điểm đó thiếu đi vị đắng nên việc uống trà sẽ giúp cải thiện sự mất cân bằng này. Ngoài ra, Khiết Trà Dưỡng Sinh Ký cũng đề cập đến cách trồng cây trà, hái lá trà, cách pha và uống trà.

    Người ta tin rằng cuốn sách này đã được Eisai tặng cho Shogun của Mạc phủ Kamakura, Minamoto no Sanetomo, cùng với một tách trà vào tháng 02/1214, khi vị Tướng quân đang trong tình trạng nôn nao vì say rượu.

    khiet-tra-duong-sinh-ky
    Ảnh: nara-wu.ac.jp

    Phổ biến nghề trồng trà

    Khi trở về từ Trung Quốc, thiền sư đã mang theo hạt giống và kiến thức canh tác cây trà, bắt đầu phổ biến việc trồng trà trong những ngôi chùa. Trà được ông gieo trồng từ chùa Fushun-an ở Hirado, tỉnh Nagasaki cho đến khu vực xung quanh chùa Reizanji trên núi Sefuri, tỉnh Saga.

    Đệ tử của ông là nhà sư Myoe Shonin (1173-1232) đã trồng những hạt giống nhận được từ sư phụ mình tại chùa Kozanji, vùng Toganoo, tỉnh Kyoto, biến nơi đây trở thành vùng trồng trà đầu tiên ở Nhật Bản. Trà từ vườn này trở nên nổi tiếng đến mức người ta nói rằng "Trà từ Toganoo mới là trà thật (honcha), mọi loại khác đều không phải là trà".

    Nhà sư Myoe đã rất tích cực phổ biến trà và văn hóa uống trà. Nhờ đó, từ cuối thời kỳ Kamakura cho đến thời kỳ Nanbokucho, những đồn điền trà tập trung quanh các ngôi chùa đã lan rộng ra khắp Kyoto, và trà cũng bắt đầu được trồng ở Ise, Iga, Suruga và Musashi.

    yousai
    Tượng thiền sư Eisai tại thành phố Kakegawa, Shizuoka. Ảnh: Wikipedia

    Kết

    Có thể nói thiền sư Eisai là người đã thay đổi đáng kể lịch sử trà ở Nhật Bản, từ cách trồng, phương pháp chế biến, công dụng cho đến văn hóa Sarei kết hợp trà và Thiền tông. Những đóng góp của ông trở thành nền tảng cho Trà đạo Nhật Bản sau này, và cho đến nay vẫn giữ nguyên giá trị.

    Năm 1215, bốn năm sau khi viết Kissa Yojoki, vị thiền sư qua đời ở tuổi 75. Tuổi thọ trung bình trong thời kỳ Kamakura mà Eisai sống là 24 tuổi. Vào thời mà tuổi thọ của giới quý tộc cũng chỉ khoảng 40 đến 50, Eisai đã sống một cuộc đời dài đến kinh ngạc.

    Mời bạn đọc thêm những bài viết về thời kỳ Kamakura tại đây.

    kilala.vn

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!