Sessue Hayakawa: Biểu tượng gợi cảm đầu tiên của châu Á vang danh Hollywood
Ông cũng là nam diễn viên châu Á đầu tiên nhận đề cử Oscar cho hạng mục Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất.
Hollywood trước nay vẫn được xem là nơi rất ít người châu Á có thể nổi danh, do sự đào thải và khắc nghiệt khủng khiếp tại kinh đô điện ảnh. Nhưng vào thời kỳ kịch câm lên ngôi, một minh tinh Nhật Bản đã sở hữu sức hút có khả năng “lấp đầy” toàn bộ rạp chiếu phim, danh tiếng sánh ngang với huyền thoại Charlie Chaplin. Tên ông là Sessue Hayakawa, người được xem là một trong những biểu tượng quyến rũ của Hollywood.
Được định sẵn để trở thành sĩ quan
Sessue Hayakawa (1886–1973) tên thật là Kintaro Hayakawa, ông sinh ra tại làng Nanaura, nay là một phần của thị trấn Chikura, thành phố Minamiboso, tỉnh Chiba. Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã có khao khát được học tiếng Anh và đi du học, tuy nhiên, gia đình Hayakawa đã định sẵn tương lai của ông sẽ trở thành sĩ quan Hải quân. Khi đang theo học tại Học viện Hải quân ở Etajima, trong một lần đi lặn, ông đã bị chấn thương. Điều này khiến ông không đủ điều kiện để trở thành hải quân.
Sự việc này đã khiến cha của Hayakawa xấu hổ và tức giận, mối quan hệ giữa cha con họ ngày càng căng thẳng. Thất vọng về bản thân, Hayakawa đã quyết định thực hiện nghi lễ Seppuku (nghi lễ tự sát bằng cách đâm vào bụng của các Samurai xưa). Trong đêm tối, Hayakawa đã cùng với chú chó của gia đình vào trong nhà kho và đâm 30 nhát vào bụng mình. Tuy nhiên, có lẽ vì chứng kiến cảnh người chủ gặp nguy hiểm, chú chó đã sủa liên tục và tiếng ồn đánh thức cha mẹ của ông. Họ lần theo tiếng sủa, tìm đến nhà kho, phá cửa và cứu sống Hayakawa.
Du học và bén duyên cùng nghệ thuật thứ 7
Sau khi hồi phục, ông bắt đầu đến Mỹ du học tại Đại học Chicago, theo học ngành Kinh tế chính trị để thực hiện mong muốn mới của gia đình là trở thành chủ ngân hàng. Vào năm 1912, khi đã tốt nghiệp đại học, trước khi quay về Nhật Bản, Hayakawa đã du lịch đến California và cũng chính tại đây, ông “lọt vào mắt xanh” của một nhà sản xuất ở Hollywood. Ông bắt đầu sự nghiệp với nghệ danh Sessue Hayakawa, trên thực tế là “Sesshu" (có nghĩa là "cánh đồng tuyết") nhưng đã bị thay đổi trong tiếng Anh, trở thành Sessue.
Sau khi tham gia vai phụ trong một số bộ phim, ông được chọn đóng một trong những vai chính của bộ phim câm “The Cheat” (1915), do nhà làm phim huyền thoại Cecil B. DeMille đạo diễn. Điều này khiến ông trở thành người châu Á đầu tiên đóng vai chính ở Hollywood. Sau khi phim công chiếu, một “cơn sốt” mang tên Sessue Hayakawa đã lan truyền khắp nước Mỹ, tất cả những người phụ nữ sau khi xem The Cheat đều trở nên mê đắm nhan sắc và vẻ nam tính của Hayakawa.
Có một câu chuyện kể lại, khi Hayakawa rời khỏi chiếc xe limo của mình để đến buối ra mắt phim, phía trước ông là một vũng nước, sau khi nhận thấy Hayakawa nhăn mặt thì hàng chục fan nữ đã ném áo khoác của họ xuống vũng nước để ông đi qua mà không bị ướt giày. Dù chưa có ai xác thực về câu chuyện này nhưng tầm ảnh hưởng của Sessue Hayakawa vào thời bấy giờ là điều không cần phải bàn cãi.
Hayakawa là ngôi sao có mức catxe cao lúc bấy giờ, với 3.500 đô* (khoảng 80 triệu đồng) mỗi tuần vào năm 1919. Ông thu về 2 triệu đô (hơn 45 tỷ đồng) thông qua công ty sản xuất của riêng mình từ năm 1918 - 1920. Phần nhiều dựa vào bộ phim đã đưa ông lên đỉnh cao.
*Tất cả số liệu trong bài viết được quy đổi dựa theo mệnh giá hiện nay.
The Cheat
The Cheat (1915) kể câu chuyện về một cô gái (do Fannie Ward thủ vai) gặp một doanh nhân giàu có người Nhật Bản (Hayakawa) và ngay lập tức cảm thấy bị thu hút bởi anh ta. Cô vay một số tiền lớn từ vị doanh nhân này và đổi lại, cô hứa sẽ ngủ cùng ông. Tuy nhiên, do chồng cô đột nhiên “phất lên” nên cô có thể trả lại tiền cho vị doanh nhân. Đó không phải là điều mà nhân vật của Hayakawa mong đợi. Hắn cưỡng ép cô ngủ với mình, trong một lần chống cự, cô đã bắn anh ta.
Câu chuyện của The Cheat không khác nhiều so với các bộ phim hiện đại, có một số điểm tương đồng với “Indecent Proposal – Lời đề nghị khiếm nhã” hay “Fifty Shades of Grey – 50 sắc thái”, trong đó nam chính cố gắng thể hiện sự thống trị của mình đối với nữ giới. Dù tính cách của các nhân vật này khá đáng sợ nếu ở ngoài đời thực, nhưng trên phim, khi được thể hiện bởi những nam diễn viên quyến rũ thì cũng đủ sức tạo nên một làn sóng hâm mộ cực lớn.
The Cheat gần như là bệ phóng đưa tên tuổi của Hayakawa lên một tầm cao mới và trở thành người trong mộng của nhiều cô gái Mỹ. Sau đó chỉ 2 năm, ông đã sở hữu dinh thự cho riêng mình là một tòa lâu đài ở góc đại lộ Franklin giao với phố Argyle, Hollywood.
Sở hữu một hãng phim riêng
Sau The Cheat , Hayakawa trở thành người dẫn đầu các bộ phim truyền hình lãng mạn trong những năm 1910 và đầu những năm 1920. Hình tượng của ông luôn gắn với hình ảnh phong lưu, dù điều này giúp ông trở nên nổi tiếng và giàu có hơn nhưng cũng khiến Hayakawa trở nên chán nản và mệt mỏi với những vai diễn bị đóng khung. Chính vì thế, Hayakawa quyết định thành lập hãng phim cho riêng mình để có thể tự do đóng những dạng vai mình mong muốn. Trong ba năm tiếp theo, Hayakawa đã sản xuất 23 bộ phim và kiếm được 2 triệu đô la vào năm 1920.
Ông tham gia vào hầu hết các khâu như sản xuất, đóng vai chính và đóng góp vào việc thiết kế, viết kịch bản, biên tập và đạo diễn các bộ phim. Từ đây, tài năng của Hayakawa bắt đầu được công nhận, các nhà phê bình ca ngợi lối diễn xuất tinh tế, đậm chất Zen (Thiền) của Hayakawa. Một ví dụ thành công là “The Dragon Painter” (1919) đóng cùng nữ diễn viên Tsuru Aoki (sau này trở thành vợ của ông). Tuy nhiên, vì nhiều lý do, Hayakawa đã rời Hollywood vào năm 1922.
Khi trở lại vào năm 1950, ông chủ yếu đảm nhận các vai phản diện. Một trong những vai nổi tiếng nhất của ông là Đại tá Saito trong The Bridge on the River Kwai (1957). Bộ phim đã giành được giải Oscar cho Phim hay nhất và Hayakawa cũng được đề cử cho hạng mục Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất.
Sau thành công này, Hayakawa giã từ sự nghiệp diễn xuất để chuyên tâm vào Phật giáo Thiền tông, làm huấn luyện viên diễn xuất và viết cuốn tự truyện "Zen Showed Me the Way". Đôi khi ông xuất hiện với vai trò khách mời trên một số chương trình truyền hình và phim, bộ phim cuối cùng ông góp mặt là The Daydreamer (1966).
Ông qua đời tại Tokyo vào ngày 23/11/1973, do chứng huyết khối tĩnh mạch não, biến chứng từ viêm phổi và được chôn cất tại nghĩa trang chùa Chokeiji ở Toyama, Nhật Bản. Trong suốt những năm hoạt động nghệ thuật, Hayakawa đã cống hiến cho nền điện ảnh thế giới gia tài phim ảnh đặc sắc, lao động hết mình để tự khẳng định bản thân, trở thành người đàn ông gốc Á đầu tiên trong làng điện ảnh Mỹ và châu Âu. Ông cũng là diễn viên không phải người da trắng đầu tiên được khắc tên trên Đại lộ danh vọng.
kilala.vn
19/08/2021
Bài: Natsume
Đăng nhập tài khoản để bình luận