Senshu Ikenobo – Chàng “hoàng tử” của nghệ thuật Ikebana
Senshu Ikenobo - cháu trai của truyền nhân đời thứ 45 Trường phái cắm hoa Ikenobo danh tiếng, là một tài năng trẻ đang thu hút sự chú ý trong giới Ikebana xứ Phù Tang. Không chỉ vậy, anh còn sở hữu thành tích học tập đáng ngưỡng mộ khi đậu vào Đại học Keio và tốt nghiệp xuất sắc ngành Luật tại Đại học Tokyo.
Ikebana (生け花) là một trong những khía cạnh tiêu biểu nhất của văn hóa truyền thống Nhật Bản và nghệ thuật này được khởi nguồn từ Trường phái Ikenobo.
Năm 1462, nhà sư Senkei Ikenobo lần đầu tiên xuất hiện trong các ghi chép lịch sử với danh xưng “bậc thầy về cắm hoa”. Hậu duệ của ông – Senno Ikenobo, sống vào cuối thời Muromachi (giữa thế kỷ 16) là người đã thiết lập triết lý về Ikebana, hoàn thành một tuyển tập các giáo lý Ikenobo được gọi là “Senno Kuden”.
Ngày nay, đây cũng chính là trường phái Ikebana lâu đời nhất vẫn còn tồn tại ở Nhật Bản. Nhiều thế hệ của dòng họ Ikenobo từng nắm giữ vị trí trụ trì chùa Rokkakudo và ở thời điểm hiện tại là nghệ nhân Senei Ikenobo – truyền nhân đời thứ 45.
Senshu Ikenobo là cháu trai của nghệ nhân và là con trai cả của người kế thừa đời 46, bà Senko Ikenobo.
“Học bá” trường Todai
Senshu Ikenobo sinh ngày 20/01/1992. Dù sinh ra trong gia tộc Ikebana danh giá bậc nhất, cha mẹ chưa từng ép anh phải đi theo truyền thống gia đình. Thuở nhỏ, Senshu có niềm đam mê đặc biệt với bóng chày, vào mỗi buổi chiều sau khi tan học, anh thường cùng bạn bè chơi bóng bên bờ sông Kamo cho đến lúc chạng vạng.
Tốt nghiệp trung học, Senshu đậu vào khoa Khoa học và Công nghệ của Đại học Keio nhưng rồi rẽ hướng sang học Luật tại Đại học Tokyo (Todai). Cả hai ngôi trường này đều nằm trong top những đại học danh giá nhất đất nước Mặt trời mọc. Anh tốt nghiệp ngành Luật với bằng Xuất sắc.
Tại Đại học Tokyo, Senshu nghiên cứu về Triết học luật pháp. Theo chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với Encount, trong những năm đại học, anh từng đau đáu với câu hỏi "Làm thế nào để chúng ta nhận thức được sự tồn tại của con người và làm thế nào để cải thiện xã hội?”.
Xem thêm: Tên gọi tắt của trường đại học Nhật không phải ai cũng biết
Cuộc gặp gỡ định mệnh khơi dậy tình yêu với Hoa đạo
Từng nghĩ đến việc trở thành một công chức hoặc luật sư, nhưng cuối cùng Senshu đã chọn quay về với truyền thống của gia đình. Có câu “Bụt chùa nhà không thiêng” và quả thực người truyền cảm hứng để anh theo đuổi Ikebana không phải ông nội hay mẹ - những nghệ nhân lão luyện bậc thầy, mà là một người đặc biệt được Senshu gọi với biệt danh thân thương - “Showa no ojiichan” (ông lão thời Showa). Anh bắt đầu theo học nghệ nhân này sau khi tốt nghiệp Todai.
Trên website của mình, Senshu dành phần lớn lời giới thiệu để nói về người thầy đã giúp mình thay đổi cách nhìn nhận mọi thứ. Đó là một ông lão “có thể bắt gặp ở bất cứ đâu”, không biết dùng smartphone, có phần vụng về và “toát ra vẻ nông thôn thời Showa”. Tuy nhiên, ông luôn chân thành với hoa và dành trọn cuộc đời để cảm nhận vẻ đẹp của đời sống thực vật, trung thành với lời dạy từ sư phụ của mình.
“Ông nhìn thấy những thứ giống như tôi, nhưng luôn cố gắng để cảm nhận những gì tôi không thể thấy”, Senshu viết. Và đó là người dành sự chú ý đến cả việc chiếc lá bé nhỏ ở góc khuất của một bình hoa đang quay về hướng nào - điều khiến chàng trai trẻ Senshu vô cùng bất ngờ.
Sự trìu mến nơi người thầy khiến trái tim Senshu được gắn kết, anh bắt đầu tin tưởng vào việc cắm hoa và thông qua Ikebana mà có nhiều cuộc gặp gỡ đặc biệt. Giống như những gì sư phụ đã mang đến cho mình, Senshu mong muốn mọi người cũng được trải qua sự ngạc nhiên lẫn niềm vui như anh, được là chính mình, được kết nối với người khác thông qua thực hành Ikebana.
Khoảng bốn năm trước, Senshu bắt đầu truyền dạy Ikebana tại các lớp học. Học viên của anh ở độ tuổi từ 10 cho đến tận 70 và 30% trong số đó là nam giới. Trong khi truyền dạy kỹ thuật và linh hồn của Ikebana cho học viên, anh cũng tích cực tham gia nhiều hoạt động như xuất hiện trên truyền hình hay viết lách.
Cùng với trường Ikenobo, anh đã tạo cơ hội cho những người trẻ tuổi trưng bày Ikebana tại các cuộc triển lãm hoa, tổ chức cuộc thi cắm hoa Hana no Koshien dành cho học sinh trung học., góp phần mang Hoa đạo đến gần hơn với đại chúng.
Trong một cuộc phỏng vấn, Senshu chia sẻ: “Với sự lan rộng của internet và mạng xã hội, chúng ta bị ngập trong thông tin, vì thế thời gian ta đắm chìm trong các giác quan, chỉ tập trung vào mỗi cuộc sống của loài cây trước mặt thực sự rất quý giá.”
Nghệ nhân nhìn nhận chúng ta đang sống trong một xã hội luôn yêu cầu kết quả và mọi người buộc phải nỗ lực để trở nên xuất chúng. Nhưng ở một hệ quy chiếu khác, nếu như con người hướng đến một cuộc sống trọn vẹn bằng cách bước chậm lại, xã hội này sẽ trở nên thoải mái hơn. “Tôi ước mình có thể giúp sức," anh nói với lòng nhiệt thành.
Kết nối Ikebana và nhiếp ảnh
Ngoài là một nghệ nhân Ikebana, Senshu còn hoạt động với tư cách một nhiếp ảnh gia. Anh chụp nhiều tác phẩm Ikebana tại Cửa hàng chính Nihonbashi Mitsukoshi ở Tokyo và Takashimaya ở Kyoto, đồng thời chụp ảnh tác phẩm của chính mình.
"Đối với tôi, cắm hoa và chụp ảnh không phải là điều gì đặc biệt, mà là một phần trong cuộc sống hàng ngày", anh chia sẻ. Senshu cho rằng cả Ikebana và nhiếp ảnh đều quan trọng ở quá trình, còn kết quả không phải là mục tiêu của anh.
"Đối với tôi, Ikebana là khoảng thời gian đối thoại với cây cối. Bằng cách đối diện với thực vật, tôi cố gắng cảm nhận sức sống của chúng. Khi chụp ảnh, tôi cũng cố gắng cảm nhận cuộc sống của cây cỏ và không gian, thời gian xung quanh chúng. Ikebana và nhiếp ảnh giống nhau. Mặc dù hình thức khác nhau nhưng có thể nói cả hai đều là một quá trình liên tục", anh nhận định.
kilala.vn
22/06/2023
Bài: Andante
Đăng nhập tài khoản để bình luận