Những người phụ nữ nỗ lực gắn kết gia đình Việt – Nhật tại Kyushu

    Hội Gia đình Việt - Nhật tại Kyushu được xem là cầu nối gắn kết những cặp vợ chồng Việt – Nhật và các hội đoàn người Việt Nam trong khu vực Kyushu – Okinawa, hỗ trợ cộng đồng xây dựng cuộc ổn định, hạnh phúc và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

    Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao cho đến nay, Nhật Bản luôn tạo điều kiện cho người Việt Nam sang Nhật học tập và làm việc. Thời điểm cuối năm 2021 có đến hơn 400 nghìn người Việt Nam ở Nhật Bản, chiếm 15,7% số người nước ngoài ở Nhật và là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ hai tại đất nước Mặt trời mọc (sau cộng đồng người Trung Quốc).

    hội gia đình việt-nhật kyushu

    Hội Gia đình Việt - Nhật tại Kyushu.

    Trong đó, vùng Kyushu – Okinawa là khu vực tập trung tương đối đông người Việt Nam, với cộng đồng khoảng gần 45.000 người. Chính vì vậy, với mong muốn gắn kết, hỗ trợ cộng đồng người Việt trong khu vực xây dựng cuộc sống ổn định, hạnh phúc, hội nhập với xã hội Nhật Bản đồng thời gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, ngày 25/12/2021, Hội gia đình Việt-Nhật tại Kyushu đã chính thức được thành lập trong sự trang trọng của buổi hội nghị diễn ra tại trụ sở Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka.

    Nhân dịp kỷ niệm 1 năm thành lập Hội gia đình Việt-Nhật tại Kyushu, Kilala đã có cơ hội trò chuyện với chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt và chị Tào Diệu Hương, Chủ tịch và Phó Chủ tịch nhiệm kỳ 2021 – 2023 để lắng nghe câu chuyện về những nỗ lực gắn kết gia đình Việt – Nhật tại Kyushu.

    Hội Gia đình Việt - Nhật tại Kyushu chính thức được thành lập vào cuối năm 2021. Vậy động lực, mục tiêu nào đã khiến các chị thành lập Hội?

    Chị Minh Nguyệt: Ý tưởng về việc thành lập Hội Gia đình Việt – Nhật tại Kyushu đã được Tổng lãnh sự Việt Nam ở Fukuoka Vũ Bình đề nghị với chúng mình từ lâu, với mục đích gắn kết các gia đình trong khu vực, giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống Việt Nam, xa hơn nữa là góp phần tích cực cho sự phát triển quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Tuy nhiên, thời điểm đó, do mỗi người đều có những bận rộn cá nhân nên việc thành lập hội đành phải tạm gác lại cho đến tháng 12 năm ngoái.

    Chị Diệu Hương: Cụ thể hơn thì vào tháng 11/2021 chúng mình tập trung các thành viên cùng bàn bạc để đưa ra quyết định về ban chấp hành và ngày thành lập hội. Sau gần một tháng chuẩn bị, vào ngày 25/12/2021, Hội nghị Thành lập Hội Gia đình Việt-Nhật tại Kyushu đã được tổ chức ở trụ sở Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka với sự tham gia của hơn 40 đại biểu. 

    thành lập hội gia đình việt nhật kyushu
    Hội Gia đình Việt - Nhật tại Kyushu thành lập ngày 25/12/2021.

    Trong quá trình tập hợp được các gia đình và thành lập Hội, các chị có phải đối mặt với khó khăn nào không, nếu có làm cách nào để mọi người vượt qua và kiên định với mục tiêu ban đầu?

    Chị Diệu Hương: Vì hội mình có khá đông thành viên nên điều khó khăn có lẽ là trong việc thống nhất ý kiến. Ngoài ra thì như mình đã chia sẻ lúc nãy, ban đầu khi vừa tiếp nhận lời đề nghị từ Tổng lãnh sự, chúng mình rất hào hứng, tuy nhiên vì những lí do cá nhân nên việc thành lập hội không thể thực hiện ngay.

    Chị Minh Nguyệt: Ngoài vấn đề thống nhất ý kiến thì rào cản ngôn ngữ cũng là một trong những khó khăn đối với một số chị em. Mặc dù có thể giao tiếp tiếng Nhật cơ bản nhưng đối với những chủ đề khó hơn, như công tác của Hội thì các chị em gặp khó khăn khi truyền đạt lại thông tin bằng tiếng Nhật với gia đình.

    thành viên hội gia đình việt nhật kyushu
    Các thành viên tham gia buổi thành lập Hội.

    Hiện tại Hội đã kết nạp được bao nhiêu thành viên?

    Chị Diệu Hương: Sau gần một năm thành lập thì Hội Gia đình Việt – Nhật tại Kyushu chúng mình đã kết nạp được khoảng 50 gia đình tương đương hơn 100 thành viên.

    Từ khi Hội Gia đình Việt – Nhật tại Kyushu được thành lập đến nay đã được gần một năm, các chị có thể chia sẻ về những hoạt động của Hội trong thời gian này?

    Chị Diệu Hương: Trong năm 2021, chúng mình có tham gia hỗ trợ Lãnh sự quán tại Fukuoka kêu gọi cộng đồng người Việt trong khu vực quyên góp ủng hộ Quỹ Vaccine phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam. Bên cạnh đó, Hội đã tổ chức các buổi đọc truyện tranh online bằng tiếng Việt cho con em các gia đình trong Hội. 

    vận động quyên góp ủng hộ quỹ vaccine
    Buổi lễ phát động quyên góp ủng hộ Quỹ Vaccine. 

    Chị Minh Nguyệt: Ngoài hai hoạt động Hương vừa kể thì năm vừa qua Hội còn tổ chức lễ đón Giáng sinh tại Lãnh sự quán Việt Nam ở Fukuoka cho các bé, kết hợp cùng Hội Người Việt Nam tại Fukuoka để tổ chức lễ hội Tết cổ truyền Việt Nam năm 2022.

    lễ giáng sinh
    Lễ đón Giáng sinh tại Lãnh sự quán Việt Nam ở Fukuoka.

    Được biết, Hội có sự tham gia của các gia đình đang sinh sống trên địa bàn các tỉnh thuộc khu vực Kyushu – Okinawa, vậy trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn tiếp diễn, các thành viên ở cách xa nhau, làm thế nào để mọi người duy trì các hoạt động của hội cùng nhau?

    Chị Minh Nguyệt: Hội mình có lập một trang facebook và nhóm chat để thường xuyên cập nhật thông tin hoạt động, công tác của Hội đến các thành viên. Ngoài ra, ở mỗi tỉnh, Hội đều cử một thành viên làm đại điện để mọi người có thể dễ dàng kết nối và giữ liên lạc với nhau. 

    Theo những chia sẻ của Hội trên page facebook, ở thời điểm mới thành lập, một trong những mục tiêu của hội là mở lớp dạy tiếng Việt miễn phí dành cho con em của các gia đình trong Hội. Các chị có thể cập nhật thêm về tình hình thực hiện mục tiêu này?

    Chị Minh Nguyệt: Về mục tiêu này, thời gian đầu Hội đã tổ chức được một vài buổi dạy tiếng Việt cho các bé (mượn địa điểm Học viện Nhật ngữ GAG ở Fukuoka và được sự hỗ trợ của một cô giáo tiểu học người Việt sang Nhật định cư cùng gia đình). Sau đó do tình hình dịch bùng phát dữ dội trong khu vực, để bảo đảm an toàn sức khỏe cho các con, lớp học tiếng Việt đã phải tạm thời dừng lại. 

    Tuy nhiên, Hội vẫn tổ chức các buổi đọc truyện online để các bé được tiếp xúc với tiếng Việt thường xuyên. Dự kiến sang năm 2023, chúng mình sẽ khởi động lại lớp học.

    Mình chia sẻ một chút về cuộc sống ở Nhật nhé! Hai chị cảm thấy đâu là điều khó khăn nhất khi người Việt Nam kết hôn với người Nhật và sinh sống ở Nhật Bản?

    Chị Diệu Hương: Riêng cá nhân Hương, lúc mới bắt đầu sang Nhật, 3 điều khiến mình cảm thấy khó khăn nhất đó là rào cản ngôn ngữ, vấn đề kinh tế và nỗi nhớ quê hương. Đến khi kết hôn cùng ông xã là người Nhật, mình lại phải đối mặt với những khác biệt về văn hóa, tính cách và quan điểm nuôi dạy con cái. 

    chị tào diệu hương

    Chị Minh Nguyệt: Thực tế, khi đã thực sự bước vào cuộc hôn nhân, dù mình có giỏi tiếng đến mấy đi chăng nữa, thì có những điều cả hai cũng không thể chia sẻ với nhau 100%. Bạn thấy đó, vợ chồng cùng là người Việt còn có lúc như vậy huống hồ gì hai con người khác nhau về đất nước, văn hóa. Chẳng hạn chỉ là bữa cơm hằng ngày thôi, nếu người Việt mình thường cho thức ăn ra tô, đĩa lớn, cả gia đình cùng quây quần gắp thức ăn cho nhau thì người Nhật lại chuẩn bị mỗi người một phần riêng biệt, dẫu vẫn ngồi ăn cùng nhau. Nên thời gian đầu, mình và ông xã có “chút xíu tranh cãi” về chuyện này đó! (Cười). 

    chị minh nguyệtNhững khác biệt về văn hóa có ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống gia đình của hai chị cũng như các thành viên trong Hội không? 

    Chị Minh Nguyệt: Có chứ, các chị em vẫn thường tâm sự và chia sẻ kinh nghiệm với nhau. Riêng hai chúng mình mặc dù ở ngoài xã hội là người phụ nữ mạnh mẽ, nhưng khi trở về nhà lại hóa thành người phụ nữ truyền thống Á Đông, nên thường nhẹ nhàng để dung hòa cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, cũng có những chị em mạnh mẽ lắm, các bạn ấy có thể thuyết phục chồng mình và “Việt hóa” cuộc sống gia đình ngay tại đất Nhật luôn (cười).

    Về việc nuôi dạy con cái, là người Việt Nam sinh sống tại Nhật Bản, hai chị có thể chia sẻ cách để truyền dạy cho các con mình về văn hóa, cội nguồn dân tộc Việt?

    Chị Diệu Hương: Thú thật mình không phải là người giỏi trong vấn đề này, mình chỉ làm hết sức có thể thôi. Mình vẫn thường cho bé nghe bài hát, ca dao Việt Nam, xem các trò chơi dân gian Việt Nam trên Youtube cũng như là đọc truyện tiếng Việt cho con nghe, cùng con đón tết âm lịch như ở Việt Nam. Ngoài ra, mỗi tuần dù bận cách mấy mình cũng cố gắng duy trì việc nấu 2 món Việt để con được thưởng thức hương vị quê nhà và gia tăng tình yêu đất nước qua mỗi món ăn.

    Chị Minh Nguyệt: Mình cũng giống như Hương, cho con đón tết Trung thu, tết Nguyên đán theo phong tục người Việt, cho con ăn món ăn ngày tết Việt Nam, nhận lì xì, dạy con các câu chúc ngày tết. để con biết về văn hóa dân tộc. Ngoài ra, mình có cho bé học thêm tiếng Việt online. Và để bé rèn luyện, mình yêu cầu bé khi nói chuyện với mẹ phải nói bằng tiếng Việt, có lẽ hơi nghiêm khắc một chút (cười), nhưng mình thường cố gắng kiên quyết không đáp lại đến khi bé chịu nói bằng tiếng Việt mới thôi.

    chị hương chị nguyệt
    Chị Diệu Hương (áo tím) và chị Minh Nguyệt (áo đỏ) trong buổi lễ thành lập Hội.

    Chỉ còn hơn 30 ngày nữa là đến Tết cổ truyền Việt Nam, Hội Gia đình Việt – Nhật tại Kyushu có những chuẩn bị nào để mang hương vị tết quê nhà về trên đất Nhật không?

    Chị Minh Nguyệt: Năm nay Hội Gia đình Việt – Nhật tại Kyushu sẽ tiếp tục phối hợp cùng Hội Người Việt Nam tại Fukuoka cùng Lãnh sự Quán Việt Nam tại Fukuoka tiếp tục tổ chức Lễ Hội Tết cổ truyền Việt Nam 2023.

    Năm ngoái, lễ hội đã nhận được sự hưởng ứng rất lớn từ cộng đồng người Việt trong khu vực nên năm nay chúng mình dự kiến sẽ tổ chức lễ hội hoành tráng hơn và mong là có thể duy trì như một hoạt động thường niên để mọi người được gặp gỡ, giao lưu và cùng nhau giữ gìn, quảng bá những nét đẹp văn hóa truyền thống của Việt Nam mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

    lễ hội tết cổ truyền ở fukuoka
    Lễ Hội Tết Việt Nam ở Fukuoka.

    Năm 2023 sẽ kỷ niệm cột mốc 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam, Hội có kế hoạch nào hướng đến sự kiện này?

    Chị Minh Nguyệt: Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt – Nhật là một cột mốc vô cùng ý nghĩa, Hội cũng ấp ủ nhiều kế hoạch và sẽ tiếp tục hỗ trợ Lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka trong các hoạt động kinh tế – xã hội với hy vọng có thể kết nối các doanh nghiệp Việt – Nhật, thúc đẩy hợp tác kinh tế, cải thiện đời sống cho lao động người Việt tại Nhật Bản, mà cụ thể là khu vực Fukuoka.

    Từ những kinh nghiệm của bản thân, các chị có lời khuyên nào dành cho những người mới đến Nhật sinh sống và làm việc có thể vượt được những khó khăn nơi đất khách quê người không?

    Chị Minh Nguyệt: Khi sang một quốc gia khác sinh sống và làm việc, dù là Nhật hay nước nào đi nữa, mình muốn nhắn nhủ các bạn hãy chuẩn bị thật kỹ ngôn ngữ, tìm hiểu văn hóa nước sở tại để khi sang không bị quá sốc.

    Nhưng điều quan trọng, mình mong mọi người phải tìm hiểu và nắm thật chắc luật pháp của quốc gia mà mình đến, ít nhất là luật lao động. Bạn biết không, trong 10 năm ở Nhật, mình từng làm công việc phiên dịch, hỗ trợ cho các bạn thực tập sinh Việt Nam sang, có những trường hợp các bạn vô tình vi phạm và bị phạt vì không hiểu rõ luật pháp Nhật Bản, rất đáng tiếc. 

    chị minh nguyệt

    Bên cạnh đó, các bạn cũng đừng ngại làm quen, kết bạn với người dân địa phương, một người bạn bản xứ sẽ giúp bạn nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống và hỗ trợ, hướng dẫn bạn rất nhiều khi cần thiết.

    Mình cũng hy vọng các hội, đoàn tương tự như Hội Gia đình Việt – Nhật tại Kyushu sẽ có thể đoàn kết cùng nhau hỗ trợ các bạn người Việt sang Nhật học tập và làm việc để chúng ta có thể xây dựng và phát triển cộng đồng người Việt Nam thật lành mạnh trong lòng nước Nhật.

    Chân thành cảm ơn chị Minh Nguyệt và chị Diệu Hương, cũng như Hội Gia đình Việt – Nhật tại Kyushu đã dành thời gian chia sẻ với Kilala! Chúc hai chị thật nhiều sức khỏe để tiếp tục đồng hành cùng Hội và chúc cho Hội Gia đình Việt – Nhật tại Kyushu ngày càng phát triển hơn nữa để có thể đoàn kết các cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản.

    kilala.vn

    22/12/2022

    Bài: Happy

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!