Nhà sáng lập Kamereo: "Thị trường Việt Nam còn nhiều tiềm năng mà tôi muốn khai phá"
Thị trường khởi nghiệp luôn được đánh giá là một cái “bẫy ngọt ngào”, vừa hấp dẫn, có tính cạnh tranh cao nhưng cũng dễ tụt dốc không phanh nếu như đánh giá sai về tình hình thực tế. Nhưng cũng có những doanh nghiệp thu được quả ngọt và không ngừng mở rộng thị trường của mình. Và một trong số đó là Kamereo – ứng dụng foodtech của một doanh nghân trẻ người Nhật, với tham vọng chinh phục thị trường Việt Nam.
Dù đã có thời gian làm quen với thị trường Việt Nam khi đảm nhiệm vị trí Giám đốc vận hành (COO) tại Pizza 4P’s, nhưng khi “bắt tay” vào khởi nghiệp thì đây lại không phải là lựa chọn đầu tiên của anh Taku Tanaka.
Anh dành quãng thời gian dài đi khắp các quốc gia Đông Nam Á để có thể cảm nhận rõ hơn nơi nào phù hợp với định hướng kinh doanh mới của mình. Sau tất cả, Taku vẫn quay lại Việt Nam vì nhận thấy đây là một vùng đất màu mỡ dành cho mảng F&B nói chung.
Taku Tanaka tự nhận Kamereo là một phần trong cuộc sống hằng ngày của mình và việc cùng mọi người đối mặt, vượt qua khó khăn để tiến tới thành công là một điều hạnh phúc. Vậy, hãy cùng Kilala trò chuyện với anh Taku Tanaka để hiểu thêm về tư duy kinh doanh của một người Nhật, học đại học ở Nhật và Mỹ, phát triển sự nghiệp tại Việt Nam, thì sẽ “đa sắc màu” như thế nào!
"Kamereo được đầu tư bởi chính sức hút của chúng tôi"
Bí quyết nào để anh có thể thuyết phục được các nhà đầu tư trở nên hứng thú và “xuống tiền” cho Kamereo?
Thật ra tôi không có bí mật nào đằng sau việc này. Nhưng đối với tôi, thành công trong việc gọi vốn tính đến thời điểm hiện tại của Kamereo sẽ được tóm gọn trong 03 lý do chính:
- Lý do thứ nhất là thị trường: Thị trường cung cấp thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam là một thị trường khổng lồ với quy mô hơn 100 tỷ USD. Mặc dù chúng tôi chỉ có thể khai thác 3 thành phố lớn là TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng, nhưng quy mô thị trường vẫn vào khoảng hơn 60 tỷ USD. Thị trường đầy hứa hẹn này dự kiến sẽ tăng trưởng 5 - 6% hàng năm. Khi thu nhập bình quân đầu người tiếp tục tăng, tâm lý của người tiêu dùng sẽ mong muốn có được nguồn thực phẩm an toàn và có khả năng truy xuất nguồn gốc thực phẩm, đây là những thứ mà chúng tôi xây dựng.
- Lý do thứ 2 là bối cảnh cạnh tranh: Trên thị trường cung cấp thực phẩm B2B hiện nay, có thể nói rằng chưa xuất hiện một “ông lớn” nào, chỉ có quá nhiều người chơi nhỏ lẻ. Và chúng tôi muốn là đơn vị thực hiện chúng một cách chuyên nghiệp.
- Lý do thứ 3 là sức hút của chúng tôi: Kể từ khi Covid-19 kết thúc, chúng tôi đã liên tục tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận. Chúng tôi có sự gắn bó tuyệt vời với khách hàng theo thời gian nhờ duy trì chất lượng dịch vụ cao.
Sau 6 năm kinh doanh tại Việt Nam, anh đánh giá thị trường này như thế nào? Tiềm năng phát triển cho các công ty start-up tại đây?
Tôi vẫn nghĩ thị trường F&B tại Việt Nam có triển vọng dài hạn như tôi đã nêu trước đó. Là một công ty khởi nghiệp đang giải quyết tình trạng thiếu hiệu quả của chuỗi cung ứng, chúng tôi cần tiếp tục học hỏi và phát triển nhanh nhất có thể để phục vụ khách hàng tốt hơn.
Là một đơn vị trung gian cung cấp thực phẩm/vật dụng, làm cách nào Kamereo có thể đảm bảo được chất lượng sản phẩm khi đến tay các đối tác?
Chúng tôi có trung tâm thu gom rau củ riêng tại Đà Lạt để đảm bảo việc giao tiếp trực tiếp với nông dân tại Đà Lạt chính xác, và kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt, chúng tôi tìm nguồn cung ứng từ nông dân địa phương mỗi ngày.
Đối với việc vận chuyển rau củ từ Đà Lạt đến trung tâm hoàn thiện đơn hàng cuối cùng ở TP. Hồ Chí Minh, để đảm bảo chất lượng, chúng tôi sử dụng xe tải lạnh giao trong đêm. Sáng sớm hôm sau, từ kho trung tâm chúng tôi bắt đầu giao đến cho khách hàng.
Với phương pháp chuỗi cung ứng “Just in Time” này, chúng tôi luôn giao những sản phẩm tươi ngon vừa được thu hoạch trong ngày cho khách hàng, cũng như giảm thiểu lãng phí trong chuỗi cung ứng.
Chúng tôi có quy trình QA/QC* trong mọi chuỗi cung ứng khi nhận hàng và giao hàng. Để đảm bảo nguồn cung ổn định với giá tốt, chúng tôi cũng thực hiện hợp đồng canh tác, trong đó Kamereo sẽ cung cấp vốn lưu động cho nông dân để bắt đầu canh tác mới và mua toàn bộ vụ mùa khi họ thu hoạch.
Để đảm bảo thời gian giao hàng, chúng tôi có gần 100 shipper của riêng mình để phục vụ khách hàng với chất lượng dịch vụ tốt nhất. Thậm chí sử dụng cả xe máy để có thể đến nhà hàng nằm trong những con hẻm nhỏ ở Sài Gòn.
*QC (Quality control): Kiểm soát chất lượng nhằm đảm bảo chất lượng của sản phẩm luôn được duy trì hoặc cải tiến tốt hơn.
QA (Quality Assurance): Quy trình đảm bảo chất lượng hoặc dịch vụ đáp ứng được yêu cầu cụ thể nào đó.
Điều quan trọng là mang lại giá trị gì cho khách hàng
Với những đối tác là các chuỗi siêu thị/nhà hàng… thì có lẽ quy trình đặt hàng sẽ đơn giản với họ. Nhưng nếu là những đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ, làm cách nào để đội ngũ Kamereo thuyết phục được họ thay đổi từ việc đặt hàng truyền thống đến việc đặt hàng qua một quy trình? Team đã đơn giản hóa việc đặt hàng như thế nào?
Trên thực tế thì các doanh nghiệp nhỏ có xu hướng sử dụng ứng dụng hoặc trang web của chúng tôi để đặt hàng hằng ngày.
Còn đối với các chuỗi lớn, họ đã có hệ thống ERP* riêng để tạo đơn hàng nên họ gửi đơn hàng bằng hệ thống của họ. Đối với các đơn hàng hệ thống ERP đó, nhóm kỹ thuật của chúng tôi đã phát triển chức năng chuyển đổi/nhập liệu trong hệ thống quản lý đơn hàng của chúng tôi để giảm các bước thủ công ở đầu vào.
Bằng cách sử dụng ứng dụng hoặc trang web của chúng tôi, khách hàng có thể xem tên sản phẩm, ảnh và giá một cách minh bạch. Họ cũng có thể tiết kiệm thời gian đặt hàng. Chúng tôi có thể tránh được sai sót trong giao tiếp, giúp duy trì chất lượng và hiệu quả hoạt động cao.
*ERP (Enterprise Resource Planning): Phần mềm Hoạch định Nguồn lực Doanh nghiệp.
Được biết, Kamereo đang có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Hà Nội. Nhưng ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh nhìn chung sẽ có sự khác biệt về thói quen mua sắm, vậy “chú tắc kè hoa” Kamereo có sự thay đổi như thế nào về việc tiếp cận để phù hợp hơn với các đối tác Thủ đô?
Khi làm COO tại Pizza 4P’s vào năm 2015, tôi phụ trách mở rộng kinh doanh tại Hà Nội nên ít nhiều cũng đã có hiểu biết về thị trường này. Mặc dù có thể có sự khác biệt giữa Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, chúng tôi nghĩ rằng điều chúng tôi cần làm là mang lại giá trị rõ ràng cho khách hàng. Việc tìm hiểu sự khác biệt ở Hà Nội hay bất kỳ nơi nào khi chúng tôi phát triển kinh doanh tại đó, cũng là bước không thể thiếu.
Tên công ty Kamereo bắt nguồn từ Chameleon – tắc kè hoa, một loài động vật độc đáo có thể thay đổi màu da dựa trên môi trường của nó. Chính vì thế, giống như Chameleon, chúng tôi sẽ linh hoạt trong việc điều chỉnh dịch vụ của mình để mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng tại Hà Nội.
Kamereo vừa cho ra mắt sản phẩm “Rau củ sẵn sàng thưởng thức”, từ đâu anh có ý tưởng phát triển dòng sản phẩm này? Đối tượng khách hàng mà anh hướng đến là ai?
“Rau củ sẵn sàng thưởng thức” là dòng sản phẩm phổ biến ở nhiều quốc gia khác. Đơn cử như Nhật Bản, mọi siêu thị và cửa hàng tiện lợi đều có một khu vực “Rau củ ăn liền” trên kệ.
Khi người dân Việt Nam, đặc biệt là ở các thành phố lớn, bận rộn với công việc nhưng vẫn quan tâm nhiều hơn đến lối sống lành mạnh, thì sản phẩm này của chúng tôi có thể giúp mọi người tiết kiệm thời gian, tiền bạc nhưng vẫn đầy đủ chất dinh dưỡng.
Như đã chia sẻ, chúng tôi chỉ lấy nguồn nguyên liệu chất lượng cao trực tiếp tại các trang trại ở Đà Lạt, giao đến thành phố Hồ Chí Minh bằng xe tải lạnh. Hằng ngày, Kamereo sử dụng công nghệ và quy trình của Nhật Bản để tự cắt, rửa, sấy và đóng gói để mang đến trải nghiệm tươi ngon nhất cho người tiêu dùng.
Văn hóa doanh nghiệp của chúng tôi là tinh thần Kaizen
Từ khi bắt đầu việc kinh doanh cho đến bây giờ, điều gì của Kamereo mà anh tự tin là khác biệt và có thể mang đến thành công?
Tôi tự hào về đội ngũ và văn hóa công ty của chúng tôi. Nếu không có một đội ngũ và văn hóa công ty tuyệt vời, chúng tôi không thể xây dựng một Kamereo như ngày hôm nay.
Bản thân mô hình kinh doanh có thể dễ dàng sao chép. Nhưng văn hóa và đội ngũ đằng sau thì không thể sao chép được.
Anh là người Nhật, nhưng lại start-up tại Việt Nam, vậy văn hóa doanh nghiệp tại Kamereo sẽ mang đặc trưng của quốc gia nào?
Một trong những văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản mà chúng tôi cho là thực sự quan trọng đối với Kamereo là tư duy dài hạn. Chúng tôi đang xây dựng một chuỗi cung ứng thực phẩm tốt hơn như một cơ sở hạ tầng tại Việt Nam. Để làm được điều đó, có thể mất nhiều năm và không có lãi trong những năm đầu. Chúng tôi cần sự kiên nhẫn và kỷ luật để điều hành một doanh nghiệp nhằm xây dựng một doanh nghiệp lâu dài.
Một văn hóa doanh nghiệp khác mà chúng tôi có tại Kamereo là tinh thần “Kaizen”. Kaizen là một từ tiếng Nhật nổi tiếng có nghĩa “cải tiến liên tục”. Vì chúng tôi luôn thử thách bản thân, chúng tôi có thể mắc sai lầm. Tuy nhiên điều quan trọng là chúng tôi sẽ không mắc lại sai lầm đó nữa và đảm bảo ngày mai sẽ tốt hơn ngày hôm nay. Khi chúng tôi tiếp tục phát triển mạnh mẽ với tư duy Kaizen, chúng tôi tin rằng Kamereo sẽ khác biệt và tốt hơn rất nhiều trong tương lai.
Là một công ty foodtech nhưng đối với sự phát triển của Kamereo, thì yếu tố con người hay công nghệ là quan trọng hơn?
Con người và công nghệ đều quan trọng đối với doanh nghiệp Kamereo. Chúng tôi khẳng định doanh nghiệp của mình là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ. Tại Việt Nam, các công ty công nghệ thuần túy có thể không hiệu quả vì chi phí lao động vẫn còn thấp và lực lượng lao động trên thị trường vẫn dồi dào so với các nước phát triển.
Tuy nhiên, chúng tôi cần tối ưu hóa nhiều quy trình khi mở rộng quy mô kinh doanh. Để tối ưu hóa, chúng tôi cần công nghệ hỗ trợ tối ưu hóa. Kinh doanh tại Việt Nam có xu hướng tuyển dụng nhiều nhân viên hơn so với các nước phát triển. Do đó, xây dựng văn hóa doanh nghiệp vững mạnh thực sự quan trọng để thành công.
Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!
kilala.vn
Đôi nét về Taku Tanaka - Nhà sáng lập Kamereo
- Học vấn: Đại học Keio (Nhật Bản) và Đại học Washington (Mỹ).
- Từng làm việc tại Credit Suisse - một trong các ngân hàng đầu tư lớn nhất trên thế giới. Sau đó là COO của Pizza 4P’s.
- Ra mắt Kamereo vào tháng 06/2018.
- Sở thích: Chơi bóng đá, câu cá, du lịch, ăn uống.
- Website Kamereo: https://kamereo.vn
- Facebook: Kamereo Vietnam
Đăng nhập tài khoản để bình luận