Câu chuyện về Albert Einstein ở Nhật Bản
Vào đầu thập niên 20, nhà bác học Albert Einstein đã có chuyến du hành đến xứ Phù Tang. Tại đây ông đã khám phá ra nhiều điều thú vị rồi dần say mê nền văn hóa đặc sắc của vùng đất Á Đông này.
Người dân nước Nhật cũng vô cùng thích thú trước sự xuất hiện của Einstein. Khi ông đến Kobe, mọi người đã chào đón nhà bác học lỗi lạc bằng những món ăn tuyệt vời, rất nhiều nhà báo đến đưa tin về chuyến đi của Einstein - người nổi tiếng nhất trên thế giới vào thời điểm đó.
Hành trình đến phương Đông
Vào ngày 08/10/1922, Einstein và vợ ông - bà Elsa đã khởi hành từ Marseille trên con tàu viễn dương SS Kitano Maru để bắt đầu chuyến đi kéo dài gần sáu tháng đưa họ đến Ai Cập, Ceylon (Sri Lanka ngày nay), Singapore, Hồng Kông và Trung Quốc, trước khi đến Nhật Bản vào ngày 17 tháng 11.
Trong chuyến hành trình đến Nhật trên tàu SS Haruna Maru và SS Ormuz, họ sẽ ghé thăm Palestine và Tây Ban Nha. Sau đó vợ chồng Einstein sẽ quay về Berlin, Đức vào ngày 21/3/1923.
Xuyên suốt chuyến đi, Einstein đã viết “Nhật ký hành trình của Albert Einstein: Viễn Đông, Palestine và Tây Ban Nha từ 1922-1923”. Tác phẩm sau này được xuất bản bằng tiếng Anh đã cho công chúng nhìn nhận rõ về Einstein ở khía cạnh mới: một vị khách du lịch ngoài đời thường.
Ông đã viết lên những suy nghĩ, cảm xúc của bản thân về những nơi mình đi qua, và Nhật Bản là vùng đất để lại cho ông nhiều ấn tượng sâu sắc nhất. Ông chia sẻ về cảm giác lạ lùng, tò mò, thích thú trước con người và văn hóa của xứ anh đào. Vùng đất này cũng là nơi để Einstein bắt đầu với cái gọi là "Thuyết hạnh phúc".
Những ngày tháng ở Nhật
Rất lâu trước khi đặt chân đến Nhật Bản, Einstein đã có một niềm yêu thích mãnh liệt với đất nước này. Theo ông: “Lời mời đến Tokyo khiến tôi rất hài lòng vì từ lâu tôi đã quan tâm đến con người và văn hóa phương Đông”. Đối với Nhật, chuyến thăm của Einstein đã tạo động lực mạnh mẽ cho nỗ lực của nước này nhằm được công nhận là một cường quốc thế giới tại thời điểm đó.
Và vào tháng 11/1922, nhà khoa học Albert Einstein đã đến Nhật để tham dự các cuộc hội thảo. Những bài giảng và hội nghị mà ông diễn thuyết đã thu hút hàng nghìn người Nhật tham gia, họ đến để xem tận mắt nhà bác học danh tiếng trông ra sao và lắng nghe tri thức mà Einstein truyền tải.
Ban đầu sự chú ý này khiến Einstein bối rối và xấu hổ nhưng rất nhanh sau đó, ông đã dần yêu mến và tò mò khám phá đất nước mặt trời mọc. Những ngày đầu ở Nhật, Einstein trải nghiệm qua những điều thú vị. Ông đã thử ngồi trên sàn nhà theo kiểu người Nhật nhưng khá khó khăn, ông cũng không thưởng thức được những món ăn tươi sống vì không hợp khẩu vị. Nhà bác học cũng cảm thấy lạ lùng về kiểu hát của người dân địa phương, ông viết trong nhật ký rằng: “Tôi từng nghe một người hát vang xa đến mức khiến bản thân choáng váng”.
Qua quan sát, Einstein đã có ấn tượng sâu sắc về văn hóa, con người nơi đây dù không hiểu ngôn ngữ. Einstein ngưỡng mộ các công trình kiến trúc và chia sẻ trong nhật ký cá nhân về Kyoto rằng: “Khoảng sân trong cung điện là một trong những kiểu kiến trúc xây dựng tinh tế nhất mà tôi từng được thấy”.
Ông cũng ấn tượng trước vẻ đẹp của phụ nữ xứ Phù Tang. Theo ông: “Phụ nữ Nhật Bản giống như những loài hoa. Họ rất tinh tế và kín đáo đến mức tôi phải nhường chỗ cho các nhà thơ để họ dùng những mỹ từ nói về phụ nữ Nhật”.
Miêu tả về người Nhật, ông viết như sau: “Chúng ta thấy nhiều người Nhật sống một mình cô đơn, họ học tập siêng năng và mỉm cười một cách thân thiện. Nhưng không ai có thể hiểu được cảm xúc thật ẩn sau nụ cười ấy là gì”.
Trong thời gian ở lại nước Nhật, Einstein đã có một số bài phát biểu phản ánh thực tế là người Nhật có sự nhạy cảm với nghệ thuật hơn nhiều so với khoa học. Họ có lòng tự tôn dân tộc rất cao và luôn gìn giữ nét văn hóa, phong tục truyền thống.
Thuyết hạnh phúc
Có một câu chuyện nổi tiếng mà đến nay vẫn được kể lại về sự kiện Einstein đến Nhật. Đó là lúc trú tại khách sạn Imperial ở Tokyo, Einstein đã nhận được bưu phẩm từ một người đưa thư chuyển đến.
Theo quy định ở Nhật lúc đó, việc boa tiền cho nhân viên phục vụ là không phổ biến và hành động này bị cho là xúc phạm đối phương. Trong một xã hội coi trọng sự khiêm tốn cùng các quy tắc và nghi thức, đưa tiền tip là không thể chấp nhận được.
Do đó theo quy định, người đưa thư không được nhận tiền boa và Einstein đã đưa cho anh một mẩu giấy với lời nhắn bằng tiếng Đức với nội dung như bên dưới, dặn anh giữ lại vì nó có thể sẽ có giá trị trong tương lai:
“Một cuộc sống yên bình và khiêm nhường mang lại nhiều niềm vui hơn việc mưu cầu thành công nhưng lo âu luôn thường trực".
Sau đó ông còn đưa thêm một mẩu ghi chú khác là: “Nơi nào có ý chí nơi đó có con đường."
Vào năm 2017, hai mẩu giấy có chữ ký của Einstein với nội dung diễn tả suy nghĩ của nhà bác học về hạnh phúc lúc ở Nhật này đã được bán đấu giá tới 1,8 triệu USD (khoảng hơn 43,86 tỷ VNĐ - tính theo tỷ giá hiện nay) tại Jerusalem, Israel.
Thời gian ở Nhật, Einstein đã có những chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc sống và hạnh phúc. Với ông: “Người Nhật là những con người có tâm hồn thuần khiết” và có thể tìm thấy sự bình yên ở vùng đất này.
Einstein sinh ra và lớn lên ở Đức nhưng lại xuất thân trong một gia đình gốc Do Thái, thế nên những xung đột chính trị tại châu Âu khiến ông gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, có một số người tại Đức hay các nước phương Tây khác đã nghi ngờ, bài xích ông. Nhưng người Nhật thì lại khác, học không có tranh chấp với Đức cũng như thoát khỏi chủ nghĩa bài Do Thái nên tại đây, ông được họ chào đón, hoan nghênh và ủng hộ.
Trong bức gửi cho con trai mình, Einstein từng thổ lộ rằng: “Những người mà cha đã gặp, cha thích người Nhật Bản nhất vì họ khiêm tốn, thông minh, chu đáo và quan tâm tới nghệ thuật."
Trong một bài luận được công bố năm 1923, Einstein đã so sánh sự tương phản giữa văn hóa phương Tây và văn hóa Nhật Bản. Ông kết luận rằng: “Người Nhật ngưỡng mộ những thành tựu trí thức của phương Tây và tiếp nhận lý tưởng khoa học mới nhưng không quên giữ gìn sự thuần khiết với những truyền thống của dân tộc, khiến người Nhật vượt trội hơn hẳn với người phương Tây. Điều này được tạo nên từ việc định hình cuộc sống một cách khéo léo, khiêm tốn, thanh tịnh và điềm tĩnh trong tâm hồn của họ”.
Nhưng chưa đầy một thập kỷ sau đó, sự thuần khiết và thanh tịnh trong tâm hồn của người Nhật đã bị tinh thần quân phiệt nghiền nát. Đó cũng là khi cuộc xâm lược Mãn Châu của quân Nhật bắt đầu. Thời điểm đó Einstein cũng rời khỏi nước Đức, nơi mà ông bị chính quyền Đức Quốc đàn áp và phải sang Mỹ sinh sống.
Thế chiến hai diễn ra và chiến tranh đã đánh chìm những con tàu Nhật Bản mà ông đã từng đi trong chuyến du lịch đến phương Đông bằng chính những quả bom có sức mạnh khủng khiếp, được tạo nên từ chính định luật mà ông đã đưa ra trước đây: E = mc2.
kilala.vn
Đăng nhập tài khoản để bình luận