"Cà tím" Nasubi và cuộc sống địa ngục được livestream trên sóng truyền hình

    Năm 1998, một nam diễn viên hài đã phải chịu đựng 15 tháng sống trong cảnh trần truồng, bị biệt giam trong phòng kín trước sự theo dõi trực tiếp của hàng triệu khán giả. Anh ấy là Nasubi (Cà tím) - Tomoaki Hamatsu.

    Vào tháng 6 năm 1998, Hollywood phát hành bộ phim The Truman Show với nội dung kể về cuộc đời của một người đàn ông bị biến thành nhân vật chính trong chương trình thực tế mà anh ta không hề hay biết. Kịch bản lấy cảm hứng từ tập Special Service trong phim truyền hình dài tập The Twilight Zone. Tuy nhiên ở đời thực, chuyện như phim đã xảy ra, đó là tại Nhật Bản trong chương trình Susunu! Denpa Shonen của kênh Nippon, và “nam chính” là anh Tomoaki Hamatsu.

    Hiện tượng truyền hình Nasubi (Cà tím) 

    Tomoaki Hamatsu sinh ngày 03/08/1975, là một diễn viên hài. Ở tuổi 23 anh đã chấp nhận tham gia một chương trình truyền hình thực tế để tìm kiếm cơ hội đổi đời, thăng tiến trong sự nghiệp mà không ngờ rằng mình lại trở thành nạn nhân của truyền thông. Từ chương trình này mà biệt danh Nasubi (Cà tím) đã gắn liền với cuộc đời anh.

    Vào tháng 01/1998, Hamatsu đồng ý tham gia chương trình Susunu! Denpa Shonen (進ぬ!電波少年) sau khi trúng thưởng "một công việc liên quan đến chương trình truyền hình". Sau đó, Hamatsu bị đưa vào trong một căn phòng kín rộng khoảng 20m2 với tiện nghi sinh hoạt chỉ có điện, nước và bếp ga, bị bắt cởi sạch quần áo, trần truồng cả ngày và không được ra ngoài hay giao tiếp với bất kỳ ai.

    Một mình anh sống trong căn phòng đó với những chồng bưu thiếp và tạp chí để tham gia rút thăm trúng thưởng. Anh sẽ cào phiếu trúng thưởng mỗi ngày cho đến khi cán mốc 1 triệu yên tiền thưởng thì sẽ chiến thắng, kết thúc cuộc chơi.

    nasubi-livestream
    "Nasubi" Tomoaki Hamatsu.

    Hamatsu đồng ý tham gia vì nghĩ rằng chương trình sẽ được phát sóng sau khi các cảnh quay được thu thập đầy đủ và biên tập, chỉnh sửa phù hợp. Tuy nhiên anh lại không ngờ rằng họ đã phát sóng trực tiếp cuộc sống của anh trong 15 tháng tại căn phòng kín đó trước sự theo dõi của hàng triệu khán giả.

    Khi ấy, Tomoaki Hamatsu được gọi là Nasubi (Cà tím) vì khuôn mặt dài 30cm của anh được cho là có hình dạng giống quả cà tím, và việc nhà sản xuất che bộ phận sinh dục của anh bằng hình vẽ quả cà tím đã phổ biến trên màn ảnh.

    Cuộc sống của Nasubi được livestream trên tivi và thu hút số lượng người xem kỷ lục với với 17 triệu lượt theo dõi vào mỗi tối Chủ nhật. Nasubi trở thành một hiện tượng truyền hình lúc bấy giờ, ai ai cũng đón xem những diễn biến tiếp theo trong cuộc sống của anh. Nam diễn viên hài vô danh Tomoaki Hamatsu bỗng chốc trở thành Nasubi nổi tiếng, nhưng cái giá anh phải trả lại quá đắt.

    the-truman-show
    Cuộc sống của Nasubi được xem như bản đời thực của bộ phim kinh điển The Truman Show (1998).

    Những ngày tháng sống trong “địa ngục”

    Vào năm 2020, Hamatsu từng chia sẻ với Style Koriyama về những gì bản thân anh đã trải qua trong chương trình Susunu! Denpa Shonen: “Hồi đó mỗi ngày đều giống như địa ngục”. Đúng vậy, cuộc sống của anh khi đó không khác gì bị cầm tù, trở thành “trò tiêu khiển” cho bàn dân thiên hạ thích thú theo dõi và bàn tán.

    Hamatsu sống 15 tháng dưới cái tên Nasubi, ở tình trạng không mảnh vải che thân trong căn phòng kín chỉ có vòi tắm, bếp ga, bồn rửa, radio, điện thoại, giá đựng tạp chí, một chồng bưu thiếp khổng lồ, bàn nhỏ và gối. 

    Tường phòng được nối với camera và micro cầm tay treo quanh cổ của Nasubi để khán giả có thể nghe anh nói gì. Mỗi ngày anh sẽ cào phiếu nhận thưởng để nhận được những phần quà, sau đó biểu lộ cảm xúc của bản thân. Ban đầu anh vẫn vui vẻ, cầm cự qua ngày với số thực phẩm ít ỏi, nhưng sau 2 tuần đầu không có thức ăn, anh đã lộ dấu hiệu mệt mỏi. Anh cũng trúng được thùng thạch hay bao gạo và tìm cách chế biến chúng thành đồ ăn để vượt qua cơn đói.

    nhan-vatSau một thời gian Nasubi trông như người rừng, người anh hốc hác hẳn, cơ thể gầy gò xanh xao, râu ria xồm xoàm, tóc tai bù xù. Thậm chí anh chẳng có ý định (và cảm thấy khó chịu) khi mặc quần áo, cứ trần truồng sống qua ngày. Anh còn biểu hiện dấu hiệu của bệnh trầm cảm khi tự cười, nhảy nhót, nói chuyện một mình, còn nhận một con gấu bông là Sensei (thầy).

    335 ngày sau khi bắt đầu, Nasubi đã lập kỷ lục Guinness về "người sống sót lâu nhất nhờ chiến thắng trong cuộc thi".  Sau khi được báo tin chiến thắng và nhận lại quần áo, họ bịt mắt và đưa anh đến một địa điểm bất ngờ. Nasubi vui vẻ đi theo với niềm tin rằng mình sẽ nhận được giải thưởng đặc biệt cho một năm làm việc chăm chỉ.

    Khi tháo khăn bịt mắt ra, anh thấy mình đang ở Hàn Quốc và có một ngày đi chơi tại công viên giải trí, thưởng thức các món ăn ngon tại xứ kim chi. Rồi sau đó anh lại bị đưa đến biệt giam tại một căn phòng kín, tiếp tục tham gia trò chơi để trúng vé máy bay trở về Nhật Bản.

    Nasubi đồng ý làm theo yêu cầu của nhà sản xuất chương trình mà không có dấu hiệu phản kháng lại, như thể đã quen với cuộc sống giam cầm này. Chương trình kết thúc sau 15 tháng, vào tháng 03/2002, lúc đó anh đã về quê nhà và bàng hoàng khi thấy mình xuất hiện trong một studio truyền hình trước sự chứng kiến của đông đảo khán giả. Khi đó anh mới nhận thấy rằng bản thân đang “trần như nhộng” trước bao người và hình ảnh của anh đã được phát sóng trực tiếp đến hàng triệu khán giả.

    chuong-trinh-truyen-hinh-nhat-banTrở về với đời thực, Tomoaki Hamatsu phải mất một thời gian dài để hòa nhập với cuộc sống, anh cho biết bản thân gặp khó khăn trong việc giao tiếp và cảm thấy ngột ngạt, nóng bức khi mặc quần áo. Hamatsu phải điều trị về mặt tinh thần để ổn định lại, tiếp tục với đời sống thường nhật.

    Ban đầu sau khi chương trình mới kết thúc, anh được truyền thông chú ý, trở thành tiêu điểm bàn luận. Anh đã viết nhật ký về trải nghiệm bị cách ly khỏi thế giới bên ngoài, cuốn nhật ký đươc xuất bản và trở thành sách bán chạy nhất tại Nhật Bản thời điểm đó.

    nasubi-nhat-ky
    Cuốn nhật ký được xuất bản của Nasubi. Ảnh: Nippon

    Tuy nhiên sau này, Hamatsu cũng chẳng thể nổi tiếng, anh chỉ là một diễn viên nhỏ nhận những vai phụ mờ nhạt trong một số dự án phim ảnh. Nhưng Hamatsu là một người sống lạc quan, anh vượt qua giai đoạn khó khăn trong đời và sống tích cực hơn, thành lập đoàn kịch sân khấu Eggplant Way, đi biểu diễn khắp Nhật Bản. Anh cũng tham gia các hoạt động leo núi và thành công chinh phục đỉnh Everest để gây quỹ cho thảm họa hạt nhân Fukushima.

    Anh còn tham gia vào phong trào thuyết phục mọi người hợp tác với lệnh giãn cách trong thời gian bùng phát COVID-19 vào tháng 04 năm 2020 qua cách chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân khi từng sống trong việc tự cô lập.

    everest
    Nasubi chinh phục đỉnh Everest.
    [subscribe]

    Thực trạng chương trình thực tế “vô nhân đạo”

    Sự thành công ngoài sức tưởng tượng cùng lượng người xem kỷ lục với Nasubi đã khiến Susunu! Denpa Shonen tiếp tục tạo ra những thử thách mới, nhưng nó đã nhận phải nhiều phản ứng trái chiều từ dư luận. Chương trình đã bị cấm chiếu vào năm 2002 vì có dấu hiệu tra tấn tinh thần và thể xác với người chơi.

    Vì tỷ suất người xem mà Susunu! Denpa Shonen đã tạo ra chương trình được cho là điên rồ, vô nhân đạo, tra tấn giới hạn của con người. Mỗi khi người chơi thực hiện hay làm tốt nhiệm vụ được đưa ra thì nhà sản xuất lại thay đổi “luật chơi” để tăng độ khó và thêm thắt các tình huống nhằm “câu khách”, tạo sự kịch tính dù có gây tranh cãi hay bị chỉ trích vì tính tàn khốc, khắc nghiệt.

    Câu chuyện của Nasubi cũng cho thấy sự dị biệt, khác thường trong các gameshow tại Nhật và phản ánh góc khuất của ngành công nghiệp truyền hình, đó là việc bất chấp những hành động mang tính vô nhân đạo để gia tăng tỷ suất người xem.

    Susunu! Denpa Shonen đã bị cấm nhưng giờ đây nó đang dần quay lại dưới một hình thức khác. Hiện tại, với sự bùng nổ của mạng xã hội, nhiều người đang bất chấp tất cả để sống như Nasubi. Họ tự phơi bày hay bị thao túng để livestream cuộc sống của bản thân trên các phương tiện truyền thông, bán đi tự do riêng tư nhằm để đổi lấy sự nổi tiếng trên mạng. Đây là một thực trạng đang gây nhức nhối cho xã hội, và quyền riêng tư trực tuyến của mỗi người đang bị đe dọa trong thời đại công nghệ 4.0 này.

    kilala.vn

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!