Độc đáo món bột soba nóng tại Mio Soba
Nếu như bạn dễ dàng tìm thấy được những quán chuyên về ramen ở Sài Gòn, thì dường như soba lại chưa được thịnh hành như vậy. Hiếm nhưng không phải không có, vừa qua Kilala đã tìm thấy một quán soba tọa lạc tại khu người Nhật ở quận Bình Thạnh mang tên Mio Soba.
Tại Sài Gòn nói riêng và Việt Nam nói chung, soba đa phần được kèm trong menu của những nhà hàng bán món Nhật. Nhưng tại Mio Soba thì soba lại nghiễm nhiên được trở thành “nhân vật chính”.
Không nằm trong khu phố Nhật nổi danh Lê Thánh Tôn – Thái Văn Lung, Mio Soba được mở tại con đường Nguyễn Ngọc Phương (quận Bình Thạnh) – nơi cũng tập trung nhiều quán ăn, công ty của Nhật tại Việt Nam.
Giữa một con đường yên bình với những ngôi nhà theo hướng hiện đại, thì Mio nổi bật bởi tấm bảng hiệu “thuần Nhật” - 蕎麦処 美桜 (Sobadokoro Mio). Cùng khám phá bên trong có gì nhé!
Không gian
Bước chân qua cánh cửa kéo, ngay bên tay trái bạn sẽ thấy một căn phòng kính với chiếc bàn siêu bự, tầm nhìn ra bên ngoài. Bạn nhân viên giải đáp rằng đây là căn phòng để bác đầu bếp sẽ làm soba tươi mỗi sáng, trước khi mở cửa đón khách.
Bên trong là không gian không lớn nhưng ấm áp, với khu vực ngồi dành cho nhóm từ 3 người trở lên được trải chiếu tatami. Giữa mỗi bàn sẽ có tấm rèm để tạo sự riêng tư cho khách nếu có yêu cầu. Đối diện là dãy bàn cao, dành cho những nhóm chỉ 2 người hoặc thậm chí đi một mình.
Món ăn
Đúng như tên gọi của quán, những món chính ở đây chủ yếu là soba, cùng với một số món ăn kèm cơ bản của Nhật như: tempura, tamago yaki, đậu hũ lạnh, bạch tuộc sống wasabi… và đặc biệt có một món hiếm nhà hàng nào có đó là soba gaki – bột soba nóng kiểu Nhật.
Soba Gaki
Cái gì thú vị thì mình khám phá trước. Khi order món này, bạn sẽ được phục vụ một chén bột đặc với xíu nước, bột đậu nành và nước tương có wasabi, đi kèm với đó là hướng dẫn cách ăn của các bạn nhân viên.
Theo đó, với hai loại chấm sẽ tương đương với hai cách ăn. Nếu là người thích đồ ngọt, bạn sẽ chấm bột cùng chén bột đậu nành có trộn đường. Nếu là team đồ mặn, thì chén nước tương kèm wasabi là của bạn.
Sử dụng chiếc muỗng gỗ đi kèm với món ăn này, chúng mình ăn trước phần bột không chấm bất kì loại gia vị nào. Cảm nhận đầu tiên là khối bột không mùi, không vị, có kết cấu mềm, không khô, hơi dẻo nhẹ và trơn trong miệng.
Vì miếng bột không có gia vị nên nó có thể linh hoạt, phù hợp với bất kì gia vị nào. Khi chấm với bột đậu nành, vị tương tự như một món bánh ngọt, thơm mùi bột đậu và có sự béo bùi. Còn khi chấm với nước tương thì vị đậm đà của nước tương cùng vị hơi nồng của wasabi khiến miếng bột trở nên đa vị hơn.
Tuy khá lạ nhưng khuyên các bạn nếu ăn không quá khỏe thì nên gọi món này khi đi nhóm từ 3 người trở lên vì phần bột khá nhiều, dễ khiến ngán và nhanh no.
Quay lại với món chính đó là hai phần mì soba quen thuộc: kitsune soba – mì nóng với đậu hũ kiểu Nhật và zaru soba – mì lạnh Nhật.
Kitsune Soba
Tô kitsune soba bao gồm mì soba, đậu hũ chiên aburaage, chả cá kamaboko, một ít hành thái sợi và nước lèo. Đây có thể gọi là một món soba cơ bản và quen thuộc nhất với những sợi mì được trụng chín tới, mềm, trơn được thấm nước lèo thanh thanh, thơm mùi nước tương. Gắp một miếng mì, kèm đậu hũ, chả cá, húp thêm miếng nước lèo, bạn sẽ cảm nhận được hương vị tinh tế của ẩm thực Nhật ngay trong khoang miệng.
Zaru Soba
Đây có lẽ là món ăn tụi mình gọi vui là “ê hề” nhất. Điểm sơ những món đi kèm trong zaru soba nhé: đĩa soba mà với sức ăn của tụi mình thì khá nhiều; chén nước nước tương kèm hành và wasabi; tôm tempura và củ cải bào; chén nước chấm tôm chiên; chén hành trộn và sobayu – nước nấu mì soba.
Bước đầu tiên sẽ cho hành thái nhỏ và wasabi vào chén nước chấm mì, khuấy đều. Khi ăn sẽ chấm mì vào chén và thưởng thức. Vì là dạng chấm nên nước tương cũng sẽ đậm đà hơn so với nước lèo của món kitsune soba, vị cay nồng của wasabi cũng khiến cho món ăn này trở nên hấp dẫn hơn. Mì soba phiên bản chấm này cũng được luộc cứng hơn một chút so với phiên bản nước.
Nếu cảm thấy món ăn đơn điệu, đã có tôm tempura chấm cùng chén sốt cho thêm củ cải bào. Sự khác biệt của món ăn này ở Mio so với nhiều quán khác là phần vỏ chiên giòn bên ngoài mỏng hơn, giúp cảm nhận được vị tươi của tôm rõ hơn.
Sau khi kết thúc món ăn, có hai cách để bạn thưởng thức Sobayu.
Cách 1: Bạn sẽ đổ nước nấu mì soba ra chén để uống, giúp giải ngấy (theo như lời hướng dẫn của các bạn nhân viên). Tuy nhiên với khẩu vị của team Kilala, chúng mình cảm thấy phần nước này khá khó uống, vì nó sẽ nhạt, hơi có mùi bột và đặc nhẹ do bột của mì hòa tan trong quá trình luộc mì. Nhưng bạn cũng có thể thử vì biết đâu bạn sẽ thích thì sao.
Cách 2: Sobayu được dùng để pha loãng nước dùng Soba. Nhờ đó, bạn không chỉ có thể thưởng thức hương vị đến tận cùng mà còn hấp thụ dinh dưỡng một cách hiệu quả.
Inari Sushi
Cuối cùng là món Inari Sushi – cơm được gói bên ngoài bởi đậu hũ chiên. Tuy nhiên phần đậu hũ ở món này lại thiên về độ ngọt nhiều, nên sẽ dễ khiến bạn bị ngán nếu không phải người “hảo ngọt”. Cơm bên trong thì được nấu bằng gạo Nhật, mềm dẻo nên không có điểm gì để chê.
Tổng chi phí cho 4 món ăn là 600.000 đồng (đã bao gồm VAT), nhưng với sức ăn của team 3 nữ tụi mình thì dường như là khá nhiều bởi đa phần các món đều là tinh bột. Nếu ghé Mio Soba, bạn hãy cân nhắc để gọi món cho phù hợp nhé.
kilala.vn
Thông tin chi tiết quán Mio Soba:
- Địa chỉ: 8C Nguyễn Ngọc Phương, phường 19, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh
- Facebook: 蕎麦処 美桜(sobadokoro MIO)
- Thời gian hoạt động: Từ thứ Ba – Chủ nhật, 11h30 – 14h00, 17h00 – 21h00.
Đăng nhập tài khoản để bình luận