Vượt qua rối loạn hoảng sợ nhờ điêu khắc tượng Phật
Nhờ điêu khắc những bức tượng Phật Kake-botoke nhỏ nhắn với kích thước chỉ 10cm, anh Shun Nakamura mắc bệnh sỏi niệu quản và chứng rối loạn sợ hãi đã có thể giảm các cơn đau và được xoa dịu tinh thần.
Năm 2016, Shun Nakamura (中村駿) tốt nghiệp Đại học Nghệ thuật Tama, Tokyo đã phát hiện mình mắc bệnh sỏi niệu quản và chứng rối loạn hoảng sợ (panic disorder). Nakumura phải thường xuyên chịu đựng những cơn đau, tim đập nhanh và chóng mặt do bệnh gây ra. Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi vào năm 2017, khi anh vô tình chiêm ngưỡng một bức tượng Kake-botoke cổ được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Tokyo – nơi Nakamura đang làm việc. Trước bức tượng Kake-botoke nhỏ nhắn, đơn giản và dễ thương, anh vô cùng bất ngờ vì bản thân luôn hình dung tượng Phật có kích thước lớn và được chạm khắc vô cùng công phu. Chính từ khoảnh khắc này, Nakamura quyết định sẽ điêu khắc các bức tượng Kake-botoke.
Vào tháng 3 năm 2020, Nakamura đã nghỉ việc tại bảo tàng và chuyển từ quê nhà Yokohama đến Yamatokoriyama, tỉnh Nara để tập trung điêu khắc tượng Phật vì Nara vốn nổi tiếng với số lượng chùa đông đảo. Để bắt đầu tạc những bức tượng nhỏ nhắn và độc đáo này, Nakamura đi vào nghiên cứu sâu hơn về lịch sử của chúng.
“懸仏 – Kake-botoke”, nghĩa đen là “Phật treo”, chỉ những bức tượng Phật trên đĩa tròn với chất liệu bằng đồng được chế tác vào thời kỳ Kamukura (1185 – 1333) và thời kỳ Muromachi (1336 – 1573). Tượng được treo lên tường, cột nhà tại cả chùa, đền Thần đạo, xuất phát từ tín ngưỡng “Shinbutsu Shugo – 神仏習合” (Thần Phật tập hợp) xem Thần đạo và Phật giáo là một. Kake-botoke với tượng Phật trên chiếc đĩa tròn tượng trưng cho hình ảnh Đức Phật phản chiếu trên gương, được tôn thờ tại đền, chùa.
Sau quá trình tìm hiểu về Kake-botoke, Nakamura đã tập trung làm bốn loại tượng Phật: “聖観音菩薩 – Thánh Quán Âm Bồ Tát”, “地蔵菩薩 – Bồ tát Jizo”, “十一面観音菩薩 – Quan Âm Bồ Tát 11 mặt” và “千手観音菩薩 – Quan Âm Bồ Tát 1.000 tay”. Không sử dụng chất liệu đồng như thời cổ đại, Nakamura đã tạo nên phiên bản hiện đại của Kake-botoke. Phần tượng Phật được nặn từ đất sét và tô sơn arcrylic để trông như bị gỉ sét, sau cùng là quét một lớp sơn đặc biệt để làm cho tượng trông cũ kỹ giống với thời cổ đại. Tượng Phật do Nakamura làm ra đa dạng màu sắc như hồng nhạt, xanh dương và xanh lá cây. Tổng thể một Kake-botoke gồm tượng Phật cao khoảng 10cm và bên dưới là một miếng gỗ tròn với đường kính tầm 14cm.
Khi chế tác các bức tượng Phật cổ xưa này, Nakamura xúc động chia sẻ: “Điêu khắc không chỉ là hoạt động sáng tạo, nó còn là tìm kiếm sự cứu rỗi từ Đức Phật và giúp ổn định tinh thần của tôi". Điều đặc biệt được Nakamura tiết lộ là kể từ khi anh thực hiện điêu khắc Kake-botoke thì những cơn đau đã giảm bớt. Vào mùa xuân năm 2020, Nakamura bắt đầu đăng các bức tượng lên tài khoản Instagram nakamura_shun và nhận được nhiều bình luận tích cực như: “Khuôn mặt Phật khiến tôi cảm thấy ấm áp, được yêu thương và hình dáng cũng rất dễ thương” hay “Tôi đoán rằng bầu không khí trong căn phòng của bạn sẽ dịu lại nhờ Kake-botoke”.
Nakamura cũng đã mở một shop online có tên shunnakamura để bán các sản phẩm Kake-botoke với giá thấp nhấp là 4.500 yên đã bao gồm thuế. Anh chia sẻ rằng đã có rất nhiều khách hàng nữ mua các bức tượng Phật này để làm quà tặng. Đặc biệt, một buổi triển lãm cá nhân về Kake-botoke của Nakamura cũng sẽ được tổ chức tại cửa hàng chuyên bán tượng Phật Isumu Omotesando tại quận Sbibuya, Tokyo từ ngày 22/07 đến ngày 04/08. Nakamura cũng nói thêm: "Điều hấp dẫn về Kake-botoke là chúng có thể được sử dụng như đồ trang trí trong nhà, và tôi hy vọng mọi người sẽ cảm thấy những bức tượng tôi làm ra đã có từ thời cổ đại”.
kilala.vn
08/07/2021
Bài: Rin
Đăng nhập tài khoản để bình luận