Sashiko: kỹ thuật may vá truyền thống của Nhật Bản

    Sashiko là một kiểu thêu truyền thống được lưu truyền từ xa xưa tại Nhật Bản. Nghệ thuật này được hình thành như thế nào, ứng dụng của nó trong đời sống ra sao, hãy cùng Kilala tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

    Sashiko là gì?

    Sashiko (tiếng Nhật: 刺し子, nghĩa là "mũi đâm") là một kiểu khâu vá truyền thống được lưu truyền từ xa xưa tại Nhật Bản. Nghệ thuật này bắt đầu từ nhu cầu thực tế của những người dân thường trong thời đại Edo (1603 – 1868). Theo truyền thống, Sashiko được sử dụng để gia cố hoặc sửa chữa những chỗ bị mòn rách trên quần áo bằng các miếng vá, làm cho miếng vải trở nên bền chắc và dày hơn. Đường chỉ trắng trên nền vải màu chàm truyền thống tượng trưng cho tuyết rơi trên mặt đất trong những tháng mùa đông lạnh giá, khi mà thêu Sashiko là hoạt động trong nhà chính của những phụ nữ vùng nông thôn phía bắc nước Nhật. Đến thời Minh Trị (1868 – 1912), Sashiko đã có lịch sử phát triển đủ lâu để trở thành công việc mùa đông của các nông dân miền bắc khi họ không thể ra đồng làm việc do thời tiết quá lạnh. 

    sashiko
    Sashiko vốn là phương pháp may vá từ thời xa xưa của Nhật Bản (Ảnh: collater.al)

    Ngày nay, khi con người hiện đại có xu hướng tối giản hóa lối sống, những vết khâu đơn giản nhưng lại có sức hút khó tả của Sashiko trở thành một trong những hình thức nghệ thuật thủ công tiêu biểu của Nhật Bản. Bạn có thể tìm thấy kiểu khâu Sashiko trên các tấm lót ly, quần áo, chăn màn,. với thiết kế từ truyền thống đến hiện đại. Mặc dù vậy, Sashiko kết hợp với các loại vải nhuộm chàm dường như vẫn được yêu thích hơn cả.

    sashiko
    Ngày nay, Sashiko được ứng dụng như một nghệ thuật trang trí vải. Ảnh: tsukurira.com.

    Sashiko được tìm thấy trên khắp đất nước Nhật Bản, do đó nơi bắt nguồn của loại hình nghệ thuật này rất khó để xác định. Tuy nhiên, kỹ thuật Sashiko truyền thống của vùng Tohoku là được biết đến rộng rãi nhất. Trong đó, "Kogin sashi" (こぎん刺し) ở vùng Tsugaru, tỉnh Aomori, "Hishizashi" (菱刺し) ở phía nam tỉnh Aomori, và "Shonai sashiko" (庄内刺し子) ở Shonai, tỉnh Yamagata được coi là 3 kỹ thuật Sashiko chính của Nhật Bản.

    Sashiko từng là "cứu cánh" cho những người nông dân thời xưa

    Vào thời Edo, vì thời tiết lạnh giá mà những người nông dân không thể trồng bông tại những khu vực ở phía Bắc Nhật Bản. Lúc ấy, theo hệ thống phân chia tầng lớp tại Nhật thời đó, một sắc lệnh tiết kiệm đối với tầng lớp nông dân được ban hành vào năm 1742 đã cấm nông dân mặc đồ bông, bao gồm quần áo lao động, mũ đội đầu, đồ lót và thắt lưng Obi (帯). Do đó, họ quyết định sử dụng vải lanh để thay thế. Mặc dù vải lanh thoáng mát và thoải mái vào mùa hè, nó lại không phù hợp với mùa đông tại miền bắc lạnh giá. Vì vậy, họ đã nghĩ ra cách may chồng các mảnh vải lanh lên nhau để tạo độ dày, giúp hơi ấm được lưu lại trong bên trong áo quần. Trong môi trường sống khắc nghiệt, chỉ có trí tuệ của những con người thời đó mới có thể giúp họ mạnh mẽ vượt qua khó khăn.

    Sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên hạn chế với Sashiko

    Vào thời kỳ Edo, vải chỉ có thể được sản xuất bằng cách dệt thủ công nên rất có giá trị, và hầu hết những người dân thường mua vải và Kimono tại các cửa hàng quần áo cũ. Khi kimono trở nên cũ, họ sẽ tái sử dụng chúng nhiều lần bằng cách làm thành quần áo trẻ em, tã lót hoặc giẻ lau, và bán các mảnh vải thừa còn lại cho cửa hàng vải vụn. Những miếng vải cũ mòn trong quá trình sử dụng sẽ được chắp lại với nhau để tạo ra những tấm vải mới bằng những đường khâu Sashiko, tuy đơn giản nhưng vẫn mang tính thẩm mỹ.

    Nghệ thuật này là một cách tái chế quần áo cũ thể hiện sự thông minh của người xưa. Bên cạnh đó, nó còn thể hiện triết lý “mottainai” của người dân tại xứ sở mặt trời mọc.

    *Mottainai (勿体無い – lãng phí) là một thuật ngữ trong Phật giáo cổ của Nhật Bản, mang hàm ý tôn trọng các tài nguyên xung quanh, không được lãng phí và sử dụng chúng với sự biết ơn. Trong nhiều thế kỷ, “Mottainai” thể hiện thái độ sống có trách nhiệm của người dân nước này đối với mọi sản vật tự nhiên và sản phẩm nhân tạo. Người Nhật luôn mang sự tôn trọng đối với mỗi sản phẩm và có ý thức cao trong việc giảm thiểu sự lãng phí, khuyến khích tái sử dụng, tái chế rác thải.

    sashiko
    Những tấm vải lau đa năng được may bằng kỹ thuật Sashiko. Ảnh: Giiton.

    Các họa tiết Sashiko cơ bản

    Họa tiết Sashiko vô cùng đa dạng, nhưng nhìn chung có thể chia làm hai loại chính là Moyozashi (模様刺し) và Hitomezashi (一目刺し).

    Moyozashi có các dạng hình học lặp đi lặp lại, được tạo thành từ các đường thẳng, đường cong hay zigzag, và thường bao gồm những họa tiết, hình ảnh mang ý nghĩa may mắn từ xa xưa. Với Moyozashi, các mũi khâu không bao giờ chạm nhau mà có khoảng cách được giữa chúng.

    sashiko moyozashi
    Họa tiết Moyozashi có các mũi khâu không chạm nhau. (Ảnh: coto-lab.com)

    Hitomezashi được tạo thành từ một loạt các đường ngang, dọc hoặc có khi là đường chéo, có thể chạm hoặc không chạm nhau, tạo thành các hình có đường viền. Đường cong không được sử dụng trong họa tiết này. Không giống như mẫu Moyozashi, các sợi chỉ thường giao nhau và bắt chéo nhau như một phần của thiết kế. Hitomezashi có xu hướng gồm các đường khâu dày đặc hơn là Moyozashi. Kiểu hoa văn này hay được ứng dụng trong sửa chữa trang phục.

    Moyozashi
    Họa tiết Hitomezashi. Ảnh: Gilton.

    Nhìn chung, các họa tiết được sử dụng trong Sashiko rất đa dạng, có thể kể đến như sóng biển, núi, tre, bishamon kikko, kim cương, lục giác,.

    sashiko
    Một số họa tiết thường dùng trong Sashiko. (Ảnh: instagram @siashiko)

    Sashiko trong văn hóa hiện đại

    Vai trò ban đầu của Sashiko trong việc giữ ấm và tăng độ bền cho vải đã lùi về sau. Hiện tại, người ta ứng dụng các mẫu Sashiko truyền thống để trang trí cho các sản phẩm như khăn tay, đệm, túi, lót ly, quần áo,. để làm tăng tính thẩm mỹ cho chúng. Sashiko cũng không còn giới hạn trên vải màu chàm truyền thống nữa, mà được kết hợp nhiều màu sắc khác nhau, trở thành một phương pháp trang trí vải.

    Bạn cũng có thể may họa tiết chần bông bằng kỹ thuật Sashiko, hoặc tự sáng tạo cho mình những cách ứng dụng khác nhau tùy theo ý thích. Ngoài ra, kỹ thuật của Sashiko chỉ gồm những đường kim mũi chỉ đơn giản, vì vậy nó còn được sử dụng như một cách phục hồi chức năng cho người cao tuổi.

    sashiko
    sashiko
    Sashiko hiện đại với nhiều hoa văn và màu sắc tươi sáng. Ảnh: chiikiiro và asahi.
    sashiko
    Đây là thú vui của những người lớn tuổi (Trong ảnh là kỹ thuật Kogin sashi). Ảnh: monova.

    Chúng ta có thể thấy được ở nghệ thuật Sashiko này tất cả các nền tảng thẩm mỹ và đạo đức của văn hóa Nhật Bản như vẻ đẹp của sự không hoàn hảo, chủ nghĩa tối giản, ghét sự lãng phí, quan tâm đến tài nguyên và tái sử dụng các đồ vật,. Ngày nay, nghệ thuật này ngày càng được nhiều người biết đến và ứng dụng sâu rộng trong các lĩnh vực như thiết kế, thời trang,.

    Nếu bạn muốn tự tay làm ra các sản phẩm Sashiko cho riêng mình, thì hiện nay trên thị trường cũng có bán những phụ liệu hoặc các bộ kit thực hành kỹ thuật Sashiko kèm theo hướng dẫn rất dễ sử dụng đấy.

    kilala.vn

    21/10/2020

    Bài: Phương Anh
    Ảnh bìa: YOKOOKU

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!