Rakugo – Nghệ thuật hài độc thoại của người Nhật

    Ra đời từ thời Edo, đến nay Rakugo vẫn nổi tiếng là một trong những nghệ thuật cổ điển tiêu biểu của Nhật Bản. Một cuộc khảo sát cho thấy 26,4% người Nhật đã tham dự buổi biểu diễn Rakugo, vượt qua các bộ môn khác như Kabuki, Nogaku và Buyo.

    Rakugo là gì?

    “Rakugo - 落語” là một phần của “Yose - 寄席” – loại hình kịch nói tạp kỹ của Nhật Bản. Khác với các loại hình khác cần nhiều người tương tác trên sân khấu cùng nhau để tạo nên câu chuyện, Rakugo chỉ cần một người sử dụng câu chuyện của mình để thu hút khán giả.

    Thời Heian, mọi người thích chia sẻ những câu chuyện hài hước. Vào thời điểm đó, các nhà sư Phật giáo thích trích dẫn các tập truyện cụ thể để truyền tải những lời dạy của Đức Phật theo một cách thú vị nhằm thu hút sự chú ý của khán giả. Đến thời kỳ Sengoku, khi các lãnh chúa phong kiến (Daimyo) đánh nhau để giành quyền thống trị, các nhà sư Phật giáo đã được Daimyo quyền lực thuê để dạy họ về văn học và cách trở thành những người giỏi trò chuyện, đàm phán. Một nhà sư tên là Anrakuan Sakuden được xem là bậc thầy về mảng này đã viết một tuyển tập gồm 1000 câu chuyện, một số trong số đó đã trở thành những câu chuyện đặt nền móng cho Rakugo.

    Rakugo

    Phần biểu diễn của một Rakugoka tại Sanma Festival. Ảnh: Wikipedia

    Tuy nhiên phải đến thời kỳ Edo, hình thức này được phát triển như một hình thức giải trí cho người dân bình thường trong Thời kỳ Edo (1603 - 1868). Lúc đầu, nhiều loại nghệ sĩ giải trí khác nhau sẽ biểu diễn những đoạn độc thoại hài hước, nhưng dần dần trên sân khấu không bao giờ có nhiều hơn một nghệ sĩ biểu diễn, chính họ đảm nhận vai trò của tất cả các nhân vật trong câu chuyện. Các chuyên gia này được gọi là Rakugoka.

    Vào khoảng đầu thế kỷ 18, những Yose đầu tiên thu phí khán giả đến xem các buổi biểu diễn Rakugo ở Edo, Osaka và Kyoto. Ở mỗi thành phố, Rakugo sẽ phát triển một phong cách riêng biệt như Edo Rakugo ở Tokyo và Kamigata Rakugo ở Osaka. Tuy nhiên, Rakugo đã dần lụi tàn ở Kyoto.

    Shin'uchi

    Các Rakugoka chụp ảnh khi vừa được thăng hạng Shinuchi. Ảnh: Nippon

    Tương tự những lĩnh vực khác, những Rakugoka cũng được xếp hàng dựa trên kinh nghiệm và tài năng: Zenza là thấp nhất, tiếp theo là Futatsume và Shinuchi là cấp độ cao nhất. Khi trở thành Shinuchi đồng nghĩa với việc họ có thể nhận và đào tạo đệ tử.

    Rakugo cũng xuất hiện trên truyền hình trong chương trình tạp kỹ hài kịch Shoten được phát sóng hàng tuần vào tối Chủ nhật kể từ năm 1966. Ngoài ra còn có các Manga và Anime theo chủ đề Rakugo, như Showa Genroku Rakugo Shinju.

    [subscribe]

    Sức hút từ người kể chuyện đơn độc

    Mặc một bộ kimono, người kể chuyện vẫn ngồi theo tư thế “Seiza - 正座” (Chính tọa) trong suốt buổi biểu diễn, đóng vai của một số nhân vật và diễn các cảnh khác nhau chỉ với một chiếc quạt giấy “Sensu - 扇子” và một tấm vải nhỏ “Tenugui - 手拭” làm đạo cụ. Không phụ thuộc vào trang phục và bối cảnh, công việc của Rakugoka là truyền cảm hứng cho trí tưởng tượng của khán giả thông qua kỹ năng được sử dụng để miêu tả thế giới của câu chuyện. Sự chuyển đổi giữa các nhân vật sẽ dựa vào cao độ, giọng điệu, biểu cảm hay cái quay đầu nhẹ. của nghệ sĩ.

    Rakugoka

    Chỉ ngồi một chỗ, các Rakugoka thu hút khán giả nhờ câu chuyện, biểu cảm. của mình. Ảnh: BBC

    Một đoạn độc thoại được xem là kết thúc khi mang đến tiếng cười cao trào nhất cho khán giả được gọi là punch line hay “Ochi - 落ち” (đây là phần ba hoặc phần cuối của một cấu trúc truyện cười điển hình). Một cách gọi khác của Ochi là Raku theo tên của loại hình nghệ thuật này.

    Cuốn sách cổ nhất về Rakugo có tên là Seisuisho, có nghĩa là “tiếng cười xua tan cơn buồn ngủ”, được xuất bản vào năm 1623. Ban đầu, Rakugo rất được yêu thích, nhưng sau một thời gian, mức độ phổ biến của nó giảm dần.

    anime

    Anime Showa Genroku Rakugo Shinju. Ảnh: Amazon

    Vào cuối thế kỷ 18, một người đàn ông tên là Utei Enba bắt đầu hồi sinh Rakugo ở Edo (nay là Tokyo) và nhiều nhóm biểu diễn đã xuất hiện. Đây cũng là thời điểm những câu chuyện Rakugo được viết ra, đảm bảo rằng các thế hệ sau cũng có thể thưởng thức chúng. Những câu chuyện về Rakugo thường là về những điều có thể xảy ra trong cuộc sống hàng ngày ở những môi trường khác nhau, chẳng hạn như những vấn đề hàng ngày của người lao động bình thường hoặc những lo lắng của các diễn viên Kabuki.

    Nỗ lực duy trì nghệ thuật truyền thống

    Đến nay, Rakugo vẫn nổi tiếng là một trong những nghệ thuật cổ điển tiêu biểu của Nhật Bản. Một cuộc khảo sát cho thấy 26,4% người Nhật đã tham dự buổi biểu diễn Rakugo, vượt qua các bộ môn khác như Kabuki, Nogaku và Buyo (điệu nhảy truyền thống). Để làm được điều này là sự nỗ lực mang Rakugo đến với công chúng của các cấp chính quyền.

    Nhiều trường học thường xuyên mời Rakugoka đến biểu diễn cho học sinh. Khoảng 62,1% người Nhật ở độ tuổi 20 chia sẻ rằng lần đầu tiên được xem biểu diễn Rakugo là ở trường học. 

    Trung tâm biểu diễn Rakugo

    Nhà hát Shinjuku Suehirotei, được trang trí bằng tên của các nghệ sĩ biểu diễn. Ảnh: Nippon

    Các nhà hát truyền thống được gọi là Yose có các buổi biểu diễn gần như hàng ngày, vì vậy nếu tiếng Nhật của bạn đủ tốt hoặc đơn giản là bạn muốn trải nghiệm bầu không khí tại một buổi biểu diễn, bạn có thể mua vé: tại Tokyo có Suzumoto Engeijo ở Ueno, Engei Hall ở Asakusa và Engeijo ở Ikebukuro và ở Osaka, bạn có thể ghé thăm Tenma Tenjin Hanjotei.

    Ngoài ra, Rakugo cũng được phát triển thành phiên bản tiếng Anh được biểu diễn trong chương trình tạp kỹ có tên Shoten vào Chủ nhật hàng tuần.

    Tại Việt Nam, những chương trình Rakugo cũng được tổ chức, nhưng do đặc thù về ngôn ngữ nên thường những buổi diễn này sẽ dành cho người Nhật hoặc người biết về tiếng Nhật.

    Từ năm 2007 - 2017, chương trình biểu diễn Rakugo của nghệ sĩ Shinosuke Tatekawa được tổ chức hàng năm để phục vụ cộng đồng người Nhật Bản đang sinh sống tại TP.HCM (10 buổi diễn), Hà Nội (5 buổi diễn) và luôn được đón nhận một cách nồng nhiệt. 

    poster

    Những lần diễn của nghệ sĩ Shinosuke do Kilala thực hiện.

    Sự kiện được tổ chức bởi Shinosuke Rakugo Việt Nam, đồng tài trợ bởi Hội đồng hương Toyama tại Việt Nam/ Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Tp.HCM, được sự hỗ trợ từ Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM/ Hội hữu nghị Việt Nhật TP.HCM.

    Kilala vinh hạnh là đơn vị tổ chức một số buổi diễn của Shinosuke tại Việt Nam cũng như nước ngoài, trong đó có buổi diễn kỷ niệm lần thứ 10 “Shinosuke Rakugo in Ho Chi Minh City” vào năm 2017. Năm 2023 đánh dấu sự quay lại của buổi diễn tại thành phố Hồ Chí Minh sau 6 năm tạm dừng với 2 khung giờ diễn vào ngày 12/03/2023.

    shinosuke

    Xem thêmShinosuke Tatekawa và sức hấp dẫn của Rakugo

    kilala.vn

    Thông tin chi tiết sự kiện “Shinosuke Rakugo in Ho Chi Minh City”

    - Thời gian: 13h30 – 14h00, 17h30 – 18h00, ngày 12/03/2023.

    - Địa điểm tổ chức: Sapphire Ballroom, Lotte Hotel Saigon, 4A Tôn Đức Thắng, Phường Bến Nghé, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh.


    18/02/2023

    Bài: Natsume

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!