Ông lão 80 tuổi và cuộc đời gắn bó với Kokeshi
Đến với ngôi làng Togatta Onsen nhỏ bé và hiền hòa thuộc thị trấn Zao, tỉnh Miyagi, chúng tôi được nghe kể về một trong những nghệ nhân Kokeshi lớn tuổi nhất ở đây, ông Koichi Sakuta. Trong xưởng làm việc chất đầy những thanh gỗ nguyên liệu, khu vực chế tác của ông chỉ gồm một chiếc máy tiện nho nhỏ, vài khúc cây, dăm ba hũ màu nước truyền thống nhưng lại có rất nhiều loại dụng cụ cắt, gọt, giũa bị các mùn cưa phủ đầy.
Tuy năm nay đã ngoài 80 tuổi nhưng cái duyên của ông với nghề thủ công truyền thống này đã mở ra khi ông chỉ là một cậu học sinh trung học. Đeo đuổi nghề đến nay cũng đã được 64 năm, thế nhưng niềm hạnh phúc cũng như nhiệt huyết vẫn ánh lên trong đôi mắt tinh anh pha lẫn một chút hài hước khi ông kể cho chúng tôi nghe chuyện nghề, chuyện đời xoanh quanh con búp bê truyền thống.
Theo ông, công đoạn nào là khó nhất khi làm Kokeshi?
Thật ra, tất cả công đoạn từ tạo hình, mài nhẵn cho đến khi lên màu đều khó như nhau. Khi còn là thợ học nghề, chỉ riêng kỹ thuật đẽo cây và tạo hình cũng đã khiến tôi mất 5 năm, còn công đoạn gọt giũa thì mất khoảng 1 năm rưỡi mới có thể thành thục. Sau khi đã thành thạo các công đoạn này rồi, tôi mới được học cách phối và tô màu.
Có rất nhiều các loại Kokeshi truyền thống, vậy thì chúng khác nhau thế nào về đặc điểm và tên gọi?
Có tất cả 11 loại Kokeshi truyền thống. Thông thường, Kokeshi sẽ được gọi theo tên vùng sản xuất, ví dụ như Kokeshi của vùng Yajiro được gọi là Yajiro Kokeshi, Kokeshi của vùng Togatta được gọi là Togatta Kokeshi. Tùy theo vùng mà búp bê Kokeshi sẽ có nét mặt, kiểu tóc cũng như màu sắc và hoa văn trang phục khác nhau. Kokeshi do tôi chế tác là loại Togatta Kokeshi, đặc trưng là phần đầu hơi lớn hơn so với thân, đôi mắt nhỏ, hoa văn trên áo được vẽ ngay chính diện và thường là các loài hoa cúc, mơ,.
Nguyên liệu làm nên Togatta Kokeshi là gì?
Chúng tôi sử dụng loại cây tên là “Mizuki” (Sơn thù du). Sau khi thu hoạch từ rặng núi Zao, cây sẽ được lột vỏ, xẻ và phơi khô khoảng 1 năm rồi mới được đem đi gia công. Loại gỗ thu hoạch từ cây Mizuki khá mềm nên dễ dàng gia công thành các loại đồ dùng, dụng cụ hay guốc gỗ. Phần thân đặc và có màu trắng của loại gỗ này rất thích hợp để làm búp bê Kokeshi.
Cơ duyên nào dẫn dắt ông đến với nghề làm búp bê Kokeshi?
Khi còn là học sinh trung học, tôi rất yêu thích công việc đóng gỗ và ước mơ trở thành một người thợ mộc chuyên đóng các công trình kiến trúc như đền đài, chùa chiền nên đã dấn thân vào giới làm mộc. Tuy nhiên không biết cuộc đời đưa đẩy thế nào lại khiến tôi trở thành một nghệ nhân làm búp bê Kokeshi. Chắc là cũng do duyên số cả! (Cười lớn)
Điều gì ở Kokeshi khiến ông yêu thích và gắn bó lâu dài đến vậy?
Hiện nay, tại Nhật Bản xuất hiện rất nhiều các loại Kokeshi hiện đại cả về hình dáng lẫn màu sắc. Tuy nhiên đây là loại mà bất cứ ai cũng có thể làm được. Loại búp bê này trông thì bắt mắt và sặc sỡ đấy nhưng chính nét mộc mạc và giản dị của Kokeshi truyền thống mới là điều thu hút tôi. Ngoài ra, Kokeshi truyền thống còn thấm đẫm mồ hôi, công sức và tâm huyết của biết bao thế hệ nghệ nhân đi trước nên xét về cả khí chất lẫn tinh thần, tôi vẫn yêu thích Kokeshi truyền thống hơn hết thảy!
Có lẽ trong làng cũng không còn nhiều nghệ nhân Kokeshi lớn tuổi?
Không còn nhiều nữa đâu, tính luôn cả tôi thì chỉ còn khoảng 3 người thôi. Tôi luôn hi vọng lớp trẻ ngày nay sẽ nhìn thấy được sự quan trọng của việc bảo tồn và duy trì ngành nghề truyền thống này để những con búp bê Kokeshi tuy mộc mạc nhưng đáng yêu vẫn có thể được truyền đến tay đời sau. Do đó, khi vẫn còn có thể tiếp tục làm việc, tôi muốn tạo ra càng nhiều búp bê Kokeshi càng tốt!
Xin cám ơn cuộc trò chuyện thú vị của ông!
Lê Mai/ kilala.vn
"Từ lâu búp bê Kokeshi đã là vật trang trí rất đỗi quen thuộc trong các gia đình Nhật Bản. Do đó tôi chưa bao giờ nghĩ rằng có một ngày những nghệ nhân làm Kokeshi như ông Sakuta đây sẽ vắng bóng. Đó chính là điều khiến tôi cảm thấy lo lắng và trở nên trân trọng Kokeshi cũng như những người nghệ nhân hơn. Tôi hi vọng rằng sẽ ngày càng có nhiều người trẻ theo đuổi công việc thủ công truyền thống này để nét văn hóa vô cùng đáng yêu như Kokeshi sẽ mãi trường tồn."
(Mayuko Iwasa, tỉnh Miyagi, hiện là thành viên của Hội Fisherman Japan)
28/04/2017
Bài: Lê Mai/ Ảnh: Nguyễn Đình
Đăng nhập tài khoản để bình luận