Nghệ thuật Đông – Tây kết hợp trong vở ballet “The Kabuki” với tuổi đời gần 40 năm
Gần 40 năm trước, biên đạo múa nổi tiếng thế giới người Pháp Maurice Béjart đã tạo nên lịch sử với tác phẩm đột phá "The Kabuki", một vở múa hai màn kết hợp hai nghệ thuật truyền thống lâu đời: ballet và kabuki. Giờ đây, vở diễn này sẽ được “sống lại”.
Trong suốt một khoảng thời gian dài, “The Kabuki” đã trở thành vở diễn thương hiệu của Tokyo Ballet. Đoàn đã biểu diễn vở này tại 16 quốc gia, 197 lần.
Vở ballet dựa trên vở kịch kabuki nổi tiếng có tên "Kanadehon Chushingura", một câu chuyện về 47 samurai vào thế kỷ 18, tuy nhiên có một số thay đổi về mặt nghệ thuật như việc du hành thời gian của nhân vật Yuranosuke.
Dù là một vở diễn đáng tự hào của The Tokyo Ballet nhưng "The Kabuki" không được biểu diễn thường xuyên, chuyến lưu diễn quốc tế gần đây nhất đã diễn ra cách đây 5 năm. Lý do là vì đây là một tác phẩm vô cùng phức tạp, với số lượng lớn vũ công và vũ đạo phức tạp; trang phục và bối cảnh cũng được biết đến là công phu và hoành tráng.
Trong khi sáng tác The Kabuki, Béjart đã làm việc chặt chẽ với nhà soạn nhạc Toshiro Mayuzumi và The Tokyo Ballet. Mặc dù trang phục, thiết kế bối cảnh và các động tác của vở diễn đều lấy cảm hứng từ nghệ thuật sân khấu truyền thống của Nhật Bản, nhưng The Kabuki vẫn giữ được bản sắc của mình là một vở ballet.
Vũ đạo của The Kabuki lấy cảm hứng từ Nihon-buyo, một nghệ thuật biểu diễn cổ điển của Nhật Bản được xây dựng từ điệu múa mai và odori, được phát triển hơn nữa nhờ kabuki. Nhìn chung theo phong cách múa, Nihon-buyo và ballet có vẻ trái ngược nhau, ballet nhấn mạnh vào sự uyển chuyển, trong khi Nihon-buyo sử dụng các cử chỉ và tư thế đặc trưng, giàu kịch tính.
Tuy nhiên, khi tạo ra tác phẩm này thì việc kết hợp cả hai một cách liền mạch là điều cần thiết. “Tôi phải học những động tác và cử chỉ mà tôi không quen”, Dan Tsukamoto - Hiệu trưởng tại The Tokyo Ballet và từng đảm nhận vai Yuranosuke trong 14 năm, cho biết. “Cầm quạt đúng cách, cách cầm dao khi thực hiện seppuku hoặc suri-ashi (trượt chân trên mặt đất) là những động tác mà tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ thực hiện trong ballet”.
Ông Tsukamoto, người đầu tiên được chọn vào vai Yuranosuke khi mới 20 tuổi, đã đóng vai này gần nửa cuộc đời. Có thể hiểu rằng, Tsukamoto đã trưởng thành cùng Yuranosuke, cả về mặt chuyên môn lẫn cảm xúc. Khi đảm nhận vai diễn này, ông là một trong những thành viên trẻ nhất của đoàn.
“Lúc đầu, tôi rất ngạc nhiên, tôi chưa bao giờ nghĩ mình có thể nhận được một vai diễn lớn như vậy ngay từ khi bắt đầu sự nghiệp, hơn hết là được biểu diễn vở do Béjart biên đạo, dành riêng cho Tokyo Ballet. Tôi rất vui, nhưng áp lực lớn hơn là liệu tôi có thể biểu diễn tốt hay không hoặc liệu khán giả có chấp nhận tôi hay không”, ông nói.
Mười bốn năm sau, Tsukamoto đã thành thạo vai diễn Yuranosuke, trở thành người hướng dẫn cho thế hệ tiếp theo: “Khi thể hiện Yuranosuke, tôi coi trọng quá trình trưởng thành của nhân vật và tôi thể hiện điều đó trong diễn xuất của mình, cách tôi dừng lại hoặc truyền tải ánh mắt. Ánh mắt của một người bất an và tự tin rất khác. Đó thực sự là tiểu tiết, nhưng tôi rất chú ý đến nó.”
Sau nhiều năm tạm ngưng, vở kịch đã trở lại quê nhà, với 3 buổi biểu diễn trong nước tại Tokyo Bunka Kaikan ở Ueno trong tháng 10. Đối với những người yêu nghệ thuật ở Nhật Bản, đây là cơ hội hiếm có để xem một tác phẩm được biết đến là một trong những kiệt tác của Béjart.
"Thật hiếm khi thấy những người trong trang phục Samurai nhảy múa ở quy mô lớn như vậy trong ballet cổ điển, vì vậy tôi nghĩ nó sẽ để lại ấn tượng khá lớn", Dan Tsukamoto cho biết.
kilala.vn
Nguồn: Tokyo Weekender
Đăng nhập tài khoản để bình luận