Mùa mưa Nhật Bản qua tranh Ukiyo-e
Không giống mùa mưa Việt Nam với những cơn dông và mưa rào lớn, mùa mưa Nhật Bản (Tsuyu) đặc trưng bởi những cơn mưa rả rích kéo dài nhiều ngày. Vị sứ giả mùa hè này xuất hiện như thế nào trong tranh của các họa sĩ Ukiyo-e Nhật Bản?
“梅雨”, đọc là “Tsuyu” hoặc “Baiu”, là từ để chỉ mùa mưa tại Nhật. Dịch theo nghĩa đen, "Tsuyu" nghĩa là “mưa của cây mơ” bởi nó trùng với thời điểm những quả mơ chín. Ngoại trừ quần đảo Ogasawara và tỉnh Hokkaido không có mùa mưa, ở các địa phương khác, thông thường Tsuyu sẽ kéo dài từ đầu tháng 6 đến giữa tháng 7.
Dòng tranh khắc gỗ Ukiyo-e (浮世絵) của Nhật Bản sở hữu nhiều tác phẩm vẽ mưa nổi tiếng toàn thế giới. Ở phương Tây, những cơn mưa hiếm khi được các họa sĩ chọn làm đề tài cho tranh, có lẽ bởi nó gắn với ấn tượng buồn bã. Tuy nhiên, tại Nhật, mưa được xem là biểu tượng của sự may mắn và thiên nhiên tốt tươi. Vì vậy, các họa sĩ Nhật Bản xưa đã mang theo tấm lòng biết ơn và chọn mưa làm chủ đề trong những bức tranh của mình.
Hiroshige Utagawa (1797-1858), một trong những họa sĩ tiêu biểu nhất của dòng tranh Ukiyo-e, được mệnh danh là “Thi nhân của mưa” vì đã để lại cho hậu thế nhiều bức vẽ cảnh mưa xuất sắc. Cách mô tả chi tiết những cơn mưa của Utagawa được xem là một cuộc cách mạng trong giới nghệ thuật. Bố cục và phối cảnh táo bạo trong tranh ông ảnh hưởng tích cực đến các họa sĩ phương Tây, trở thành xúc tác cho trào lưu Japonisme (Chủ nghĩa Nhật Bản - chỉ sự ảnh hưởng của Nhật Bản đến nghệ thuật châu Âu) lan rộng trong các họa sĩ trường phái Ấn tượng phương Tây thời bấy giờ. Ngoài ra, phương pháp tạo ra sắc xanh "Hiroshige Blue" từ màu chàm và màu lam cũng được đánh giá rất cao ở phương Tây. Ngay cả danh họa Van Gogh cũng bị ấn tượng bởi kỹ thuật và cảm quan của Hiroshige Utagawa. Ông sở hữu rất nhiều bản in các tác phẩm của họa sĩ người Nhật.
Katsushika Hokusai (1760-1849), tác giả của bức “Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa” cùng bộ tranh “36 cảnh núi Phú Sĩ” cũng đã để lại nhiều tác phẩm miêu tả mưa ấn tượng.
Ngoài ra, Harunobu Suzuki (1725-1770) và Kiyonaga Torii (1752-1815), hai họa sĩ chuyên vẽ tranh Bijin-ga (美人画 - Tranh mỹ nhân), cũng sở hữu những tác phẩm miêu tả phụ nữ Nhật Bản dưới cơn mưa.
Khi xưa, người nông dân cần rất nhiều nước để trồng trọt, bởi vậy họ biết ơn những cơn mưa được ban tặng và sống chan hòa với thiên nhiên. Suy nghĩ đó không chỉ được đưa vào tranh ảnh mà còn cả trong những bài tanka, dân ca còn lưu truyền đến ngày nay.
Xem thêm: Mùa mưa Tsuyu - Vị sứ giả mùa hè
kilala.vn
22/05/2021
Bài: kirin
Đăng nhập tài khoản để bình luận