"Mãn nhãn" với những tác phẩm thủ công truyền thống độc đáo
Bằng sự sáng tạo, khéo léo cùng việc áp dụng những kỹ thuật mới, các nghệ nhân hiện đại đã tạo ra những tác phẩm thủ công khiến mọi người “đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác”.
Thời kỳ Meiji (Minh Trị), được định nghĩa là khoảng thời gian từ năm 1868 đến năm 1912, sau gần 300 năm gần như bị cô lập hoàn toàn khỏi thế giới. Những người thợ thủ công và nghệ sĩ trước đây chỉ phục vụ một chủ nhân là lãnh chúa phong kiến, hay Daimyo, bất ngờ phải “đối mặt” với khách hàng quốc tế. Và do đó, họ phải thích ứng với nhóm khách hàng và nhu cầu hoàn toàn mới, điều này dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ của các phong cách và kỹ thuật sản xuất mới.
Từ điêu khắc gỗ Kibori đến cắt giấy Kirie, các nghệ nhân đương đại ngày nay làm việc trên nhiều phương tiện khác nhau, không ngừng trau dồi kỹ thuật thủ công của mình, nâng tầm chúng thành những tác phẩm nghệ thuật kỳ diệu.
Ryoho Otake (gỗ)
Nhà điêu khắc gỗ Ryoho Otake lấy cảm hứng từ thế giới tinh tế của thiên nhiên và tạo ra các bản sao bằng gỗ không chỉ mô phỏng từng chi tiết nhỏ của thực vật mà còn cả vòng đời của chúng. Bạn không nghĩ rằng điều đó là có thể? Trong tác phẩm điêu khắc được đặt tên là “Moonlight” (2020), gạc hươu được dùng để khắc 47 cánh hoa màu trắng và khi đổ nước vào tác phẩm điêu khắc, nó sẽ từ từ nở hoa.
Eriko Inazaki (gốm sứ)
Những hình khối màu trắng và phức tạp này là tác phẩm của nghệ nhân gốm sứ Nhật Bản Eriko Inazaki, người đã tỉ mỉ tạo hình và lắp ráp từng chi tiết bằng tay. Từ đó, cô đã đẩy nghệ thuật gốm sứ vượt ra khỏi ranh giới truyền thống của nó.
Toru Fukuda (gỗ)
Nhìn vào tác phẩm này, người ta có thể thấy bướm đang đậu trên vũng nước sau cơn mưa. Nhưng điều khiến tác phẩm trở nên đặc biệt là từ con bướm đến vũng nước đều làm bằng gỗ được điêu khắc hoàn toàn bởi nghệ sĩ Toru Fukuda. Tác phẩm cũng đã gây “bão” một thời gian trên mạng xã hội bởi sự chân thật của nó.
Seikichi Hasegawa (đồ kim loại)
Seikichi Hasegawa là một thợ kim loại thế hệ thứ tư với gia đình có truyền thống làm các phụ kiện của kiếm như Tsuba (Kiếm cách – bộ phận ngăn cách chuôi kiếm và phần lưỡi kiếm), cho gia đình Owari Tokugawa. Sau Minh Trị Duy tân, các nghệ nhân trong gia đình chuyển sang làm dụng cụ pha trà. Nhưng nghệ nhân Hasegawa hiện tại, trong khi tiếp tục với trà đạo, đã thể hiện khía cạnh khác bằng một loạt đồ vật tiện dụng được tái tạo bằng bạc, chẳng hạn như giấy bọc đồ bằng kim loại.
Fuyuki Maehara (gỗ)
Fuyuki Maehara hoàn toàn tự học về nghệ thuật điêu khắc gỗ. Trên thực tế, ông không phải “con nhà nòi” hay được học về điêu khắc từ nhỏ. Xuất thân là một võ sĩ quyền anh chuyên nghiệp và sau đó là nhân viên văn phòng, Maehara không quyết định theo học trường nghệ thuật cho đến năm 32 tuổi.
Nhưng ông đã chọn vẽ tranh sơn dầu làm môn học của mình. Ông dần dần chuyển sang điêu khắc và ngày nay, Maehara tạo ra những tác phẩm chạm khắc chân thực được làm từ một khối gỗ duy nhất. Những con mực khô bằng gỗ, từ xúc tu đến kẹp đều được chạm khắc từ cùng một khối, có lẽ nhìn từ xa bạn sẽ không thể phân biệt được.
Mika Aoki (thủy tinh)
Nghệ sĩ Mika Aoki tạo ra những tác phẩm điêu khắc thủy tinh tinh xảo lấy cảm hứng từ niềm đam mê của cô với những phẩm chất hữu hình và vô hình của chất liệu thủy tinh. Những gì thoạt nhìn có vẻ là những bức ảnh macro tốc độ cao chụp những giọt nước, hóa ra lại là những tác phẩm điêu khắc vật lý cố định được chế tác cẩn thận từ thủy tinh. Aoki thường lấy cảm hứng từ những dạng tồn tại trong đời sống vi mô như bào tử, nấm hay thậm chí là virus.
Aya Morita (Kirie)
Aya Morita tạo ra những tác phẩm cắt giấy khổ lớn (Kirie), được lấy cảm hứng từ các tác phẩm nghệ thuật. Hình ảnh đầu tiên là “The Birth of Venus Ⅱ” (2022) và thể hiện sự tôn kính đối với nghệ sĩ Botticelli. Hình ảnh thứ hai có tiêu đề “Mary Magdalene” gợi nhắc đến tác phẩm của đến nghệ sĩ Caravaggio.
kilala.vn
15/09/2023
Nguồn: spoon-tamago
Đăng nhập tài khoản để bình luận