Khi sinh vật thần thoại trong tranh Ukiyo-e bước ra đời thực

    Những sinh vật thần thoại được vẽ trong các tranh khắc gỗ Ukiyo-e những tưởng chỉ mãi ở trong truyền thuyết, nhưng gần đây, chúng đã hóa thân thành những con thú nhồi bông siêu đáng yêu mang lại may mắn, cầu chúc cho dịch bệnh COVID-19 sớm kết thúc.

    Gần đây, Bảo tàng Tưởng niệm Nghệ thuật Ota tọa lạc tại Shibuya, Tokyo đã hợp tác cùng với thương hiệu Felissimo để biến hai sinh vật thần thoại trong tranh Ukiyo-e được trưng bày ở bảo tàng thành thú nhồi bông cao cấp.

    yorakoishi-torakoishi
    Thú nhồi bông hổ đá Torakoishi với phần thân tròn trịa màu xám, 4 chân và đuôi của hổ. Ảnh: spoon-tamago

    Viên đá hổ: Biểu tượng của Bảo tàng Tưởng niệm Nghệ thuật Ota

    Sinh vật thần thoại đầu tiên được Bảo tàng Tưởng niệm Nghệ thuật Ota biến thành thú nhồi bông cao cấp là một chú hổ đá con “虎子石 – Torakoishi”. Nó được vẽ bởi hoạ sĩ Utagawa Yoshikazu trong một bức tranh khắc gỗ Ukiyo-e thuộc bộ tranh mang tên “53 trạm trên tuyến đường Tokaido” (東海道五十三次内). 

    Đây là bộ tranh vô cùng đặc biệt vì hoạ sĩ đã sáng tạo những hình ảnh thú vị, đầy hài hước để kể về các truyền thuyết gắn liền với những trạm nghỉ chân trên tuyến đường Tokaido nối liền Edo (Tokyo ngày xưa) với Kyoto.

    torakoishi-tranh khắc gỗ động vật
    Thú nhồi bông hổ đá Torakoishi có ngoại hình dễ thương với đôi mắt bé xíu. Ảnh: spoon-tamago

    Torakoishi được hoạ sĩ Utagawa Yoshikazu tạo hình bằng cách thêm chân và đuôi hổ vào cơ thể bằng đá với đôi mắt híp trông khá “ngầu”. Nhưng có vẻ nó không hề gây hại cho con người vì ngoài sự sửng sốt của hai người đàn ông trong hình, người phụ nữ bên phải đã nhoẻn miệng cười trước sự xuất hiện bất ngờ của Torakoishi.

    tranh-yorakoishi
    Torakoishi được vẽ bởi hoạ sĩ Utagawa Yoshikazu. Ảnh: spoon-tamago

    Vào năm 2010, Bảo tàng Tưởng niệm Nghệ thuật Ota lên kế hoạch tổ chức một cuộc triển lãm mang tên “Vườn thú Ukiyo-e” và cần tuyển chọn nhiều bức tranh mang chủ đề động vật từ bộ sưu tập khoảng 14.000 tác phẩm. 

    Lúc này, tình cờ, một nhân viên bảo tàng đã phát hiện sinh vật Torakoishi và bị thu hút bởi vẻ ngoài dễ thương, mang chút hài hước và hơi “ngớ ngẩn” của chú hổ này. Do vậy, Torakoishi đã được xuất hiện khá nhiều trong các tấm poster bên trong bảo tàng vào thời điểm đó. Đồng thời, nó cũng được chọn trở thành biểu tượng trên trang Twitter của bảo tàng vào năm 2012, trở thành thần thú thu hút du khách gần xa đến với bảo tàng.

    Torakoishi được thiết kế thành thú nhồi bông với kích thước dài 11cm, rộng 8cm và có một dây kéo ở dưới đuôi giúp bạn có thể dễ dàng đựng một số vật dụng cá nhân hoặc làm hộp đựng bút viết cho trẻ từ 6 tuổi trở lên. Hiện tại, Torakoishi được bán với giá 2.310 yên đã bao gồm thuế (khoảng 475.000 VND) tại website Felissimo.

    Yorakoishi-hop-dung-but-tranh khắc gỗ động vật
    Torakoishi được thiết kế có dây kéo để đựng các vật dụng cá nhân. Ảnh: spoon-tamago

    Truyền thuyết đầy nước mắt về hổ đá

    Ngoài tên gọi “虎子石 – Torakoishi”, viên đá hổ có rất nhiều tên gọi khác nhau như “虎御石 – Torakoishi”, “虎が石 – Tora ga ishi” và hiện đang được lưu giữ ở chùa Endai (延台寺), thành phố Oiso, quận Naka, tỉnh Kanagawa. 

    Theo truyền thuyết lưu truyền ở chùa Endai, vào thời Kamakura, một phú ông giàu có tên Yamashita sống ở chân núi Shonandaira, Oiso đã cầu xin vị Phật “虎池弁財天 – Toraike Bezaiten” để có một mụn con. Sau đó, ông đã mơ thấy vị Phật và lúc choàng tỉnh giấc, có một viên đá nhỏ xuất hiện ở đầu giường, ông đem nó đặt cẩn thận trên bàn thờ Phật. Vào dịp Tết đầu năm 1175, ngày Dần, giờ Dần, vợ ông đã sinh được một bé gái. 

    Vì vậy, vợ chồng đã lấy tên “虎 – Tora – Hổ” để đặt cho con. Tên đầy đủ của bé gái là “虎御前 – Tora Gozen”. Điều kỳ lạ là cùng ngày bé gái ra đời, hòn đá hổ cũng trở nên to lớn và được tôn thờ như một hòn đá sống dùng để cầu nguyện về lộc con cái ở chùa Endai đến tận ngày nay.

    Tora Gozen lớn lên xinh đẹp, nổi tiếng là một vũ công tài nghệ hơn người và trở thành thiếp của Samurai Soga Sukenari. Lại nói về anh em nhà Soga, người anh Soga Sukenari và em trai Soga Tokimune mang mối thù giết cha với Kudou Suketsune, cha của họ bị sát hại trong cuộc chiến tranh giành đất đai lúc hai anh em còn khá nhỏ. 

    Sau khi trưởng thành, hai người đã trở thành những chiến binh Samurai thiện nghệ và lên kế hoạch trả thù, quyết chí lấy lại thanh kiếm Tomokirimaru của cha đã bị cướp.

    Soga-Monogatari-2
    Soga Monogatari được vẽ bởi hoạ sĩ Hiroshige Ando. Ảnh: wikipedia
    da-ho
    Đá hổ được trưng bày ở chùa Endai, thành phố Oiso, tỉnh Kanagawa. Ảnh: endaiji.com

    Trong một lần, kẻ thù không đội trời chung của hai anh em là Kudou Suketsune đã phái thuộc hạ tới ám sát Soga Sukenari. Khi ấy, nàng Tora Gozen mang trong mình sức mạnh của viên đá hổ đã giả dạng thành chồng mình và đỡ mũi tên cho anh, giúp chồng thoát chết. Đến tháng 5/1193, Tướng quân đầu tiên của Nhật Bản Minamoto no Yoritomo mở một hội săn bắn lớn ở núi Phú Sĩ, Kudou Suketsune cũng có mặt tại đây.

    tora-gozen-2
    Soga Sukenari và Tora Gozen được vẽ bởi hoạ sĩ Utagawa Kunisada. Ảnh: otakinen-museum.note.jp

    Vào đêm cuối cùng của lễ hội, nhằm ngày 28/05, hai anh em nhà Suga phát hiện thấy kẻ thù nên đã lẻn vào phòng riêng và giết chết Kudou. Tuy đã báo thù cho cha thành công nhưng hai người đã làm kinh động đến quân lính và người anh bị quân lính giết hại ngay sau đó. Còn người em Tokimune bị bắt giam và thẩm vấn. 

    Tại đây, trước mặt Tướng quân Yorimoto, anh khai rõ sự tình rằng đã giết Kudou để báo thù cho cha. Tướng quân định bụng tha mạng cho Tokimune, nhưng cuối cùng đã ra lệnh hành quyết vì lời thỉnh cầu từ con của Kudou. Cuối cùng, cả hai anh em nhà Soga báo thù thành công cho cha nhưng không ai còn sống sót.

    mua-ho-2
    Tranh "Vẻ đẹp của trạm Oiso, tuyến đường Tokaido" của hoạ sĩUtagawa Kunisada nói về cơn mưa hổ trong truyền thuyết. Ảnh:otakinen-museum.note.jp

    Sau khi nghe tin cả hai anh qua đời, Tora Gozen đã khóc và những giọt nước mắt của nàng biến thành một trận mưa lớn ở Oiso, dân gian gọi nó là “虎が雨 – Tora ga Ame – Mưa hổ”. Nàng đem thi thể của hai anh em đến chùa Zenkoji ở tỉnh Nagano để làm lễ tưởng niệm và an táng, còn mình trở về quê nhà Oiso và sống ở một ngôi thất nhỏ cùng viên đá hổ, trở thành nữ tu. 

    Hằng ngày, Tora cầu nguyện cho linh hồn của người chồng đã qua đời. Sau cùng, bà cũng mất vào năm 1238 ở tuổi 63 còn viên đá hổ thì được chuyển đến chùa Endai trong vùng để thờ phụng cho đến ngày nay.

    Thần thú 12 con giáp

    Một sinh vật thần thoại khác được Bảo tàng Tưởng niệm Nghệ thuật Ota làm thành thú bông là thần thú 12 con giáp (十二支之図) được vẽ bởi hoạ sĩ Utagawa Yoshitora trong bức tranh “Bùa bình an và thịnh vượng cho gia đình, 12 con giáp” (家内安全ヲ守 十二支之図) vào năm 1858. Khi bảo tàng Ota giới thiệu tác phẩm Ukiyo-e này lên mạng Twitter, nhiều người Nhật đã nhận xét rằng nó giống một loài Pokémon hay khủng long bạo chúa. 

    Con vật này vô cùng đặc biệt vì nó có khuôn mặt của chuột, sừng bò, đốm vằn của hổ, tai thỏ, lửa rồng, đuôi rắn, bờm ngựa, râu dê, cơ thể hình con khỉ, mào gà, chân trước của chó và chân sau của lợn rừng.

    than-thu-12-con-giap
    Thần thú 12 con giáp vẽ bởi hoạ sĩ Utagawa Yoshitora. Ảnh: spoon-tamago

    Thần thú 12 con giáp được thiết kế thành thú nhồi bông với chiều dài khoảng 15cm và rộng 20cm dành cho trẻ từ 6 tuổi trở lên, được may tỉ mỉ. Vì mang đặc điểm của 12 con giáp, thần thú trở thành bùa may mắn có thể sử dụng trong một thời gian dài bởi dù năm mới là năm con giáp nào, gia đình vẫn có thể dùng được. 

    Sở hữu vẻ ngoài xinh xắn, nó không chỉ trở thành vật trang trí treo ở cửa ra vào hay bàn làm việc mà bạn còn có thể mang theo bên mình, biến chúng thành móc khoá. Giá bán của thần thú 12 con giáp là 2.530 yên đã bao gồm thuế (khoảng 520.000 VND) tại website Felissimo.

    thu-nhoi-bong-than-thu-12-con-giap-2
    Thần thú 12 con giáp mang ý nghĩa may mắn và cầu cho dịch bệnh sớm kết thúc. Ảnh: spoon-tamago

    Nguồn gốc của thần thú 12 con giáp

    Trước khi tác phẩm về thần thú 12 con giáp của hoạ sĩ Utagawa Yoshitora xuất bản vào tháng 9/1858, một vài năm trước đó, vào thời đại Kaei (1848 – 1854), hoạ sĩ Shigemitsu Enrosai đã sáng tác một tác phẩm Ukiyo-e tương tự được gọi là “寿という獣 – Kotobuki to iu kemono” (con thú trường thọ). 

    Hiện tại, bức tranh Ukiyo-e này đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Boston, Mỹ. Sự khác biệt giữa Kotobuki và thần thú 12 con giáp là 2 chân trước của nó giống với khỉ còn 2 chân sau mang hình dáng của chó. Về mặt ý nghĩa, Kotobuki giúp người dân Nhật thời bấy giờ tránh gặp tà ác và gặp nhiều may mắn.

    kotobuki-2
    Con thú Kotobuki trở thành nguồn cảm hứng để thần thú 12 con giáp ra đời. Ảnh: collections.mfa.org

    Bức tranh thần thú 12 con giáp của hoạ sĩ Utagawa Yoshitora ra đời vào tháng 9/1858 trong một bối cảnh vô cùng đặc biệt. Trước đó một tháng, vào tháng 8/1858, một trận dịch tả khủng khiếp đã xảy ra tại Edo làm cho gần 300.000 người thiệt mạng. Nếu ngày nay, dịch tả được gọi là “コロリ- Korori” thì tên của nó được viết bằng chữ Kanji ở thời xưa là “虎狼狸 – Korori”, được miêu tả như một con yêu quái hợp nhất từ hổ (虎), sói (狼) và chồn Tanuki (狸). 

    Theo Bảo tàng Ota, có lẽ hoạ sĩ Utagawa Yoshitora sáng tạo nên thần thú 12 con giáp với mong muốn thoát khỏi quái vật dịch tả Korori và giữ cho nhà cửa luôn bình yên, an toàn. Soi chiếu vào thời điểm hiện tại, khi dịch COVID-19 đang hoành hành trên cả thế giới, trong đó có Nhật Bản, thần thú 12 con giáp hứa hẹn trở thành một vật cầu may được nhiều người đón nhận với ước mong dịch bệnh mau chấm dứt.

    moc-khoa-than-thu-12-con-giap-2
    Thần thú 12 con giáp trở thành móc khoá thời thượng mang theo bên mình cầu may mắn. Ảnh: spoon-tamago

    Xem thêm: Amabie: Yokai sở hữu quyền năng xua đuổi dịch bệnh

    kilala.vn

    27/09/2021

    Bài: Rin

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!