Hành trình giải cứu những bức tranh manga gốc bị hư hại
Lo ngại các bức vẽ manga gốc bị hư hao theo năm tháng, nhiều người trong và ngoài ngành xuất bản tại Nhật đang nỗ lực chung tay để bảo tồn.
Khởi nguồn chiến dịch bảo tồn tranh manga gốc
Tô điểm cho một căn phòng bốn chiếu Tatami ở Tokyo là các bức vẽ của họa sĩ truyện tranh nổi tiếng Tetsuya Chiba, vô số bức tranh khác được chất trên kệ sách cạnh tường. Tại đây cũng lưu giữ bức vẽ cảnh cuối trong bộ manga huyền thoại "Ashita no Joe" - bộ truyện về hành trình trở thành võ sĩ quyền anh chuyên nghiệp của cậu bé đường phố Joe Yabuki, nội dung bởi Asao Takamori và Ikki Kajiwara, minh họa bởi Tetsuya Chiba.
Trong chương cuối cùng, nhân vật chính Joe Yabuki đã dồn toàn lực vào cuộc đọ sức quyết liệt. Bức tranh đen trắng thể hiện hình ảnh Yabuki ngồi ở một góc võ đài sau trận đấu, mỉm cười với đôi mắt nhắm nghiền và đầu gục xuống, cùng câu nói nổi tiếng: “Tôi đã bị thiêu rụi thành tro tàn tinh khiết”. Đây được xem là một trong những phân cảnh manga đắt giá nhất mọi thời đại.
Tuy nhiên, họa sĩ Chiba, 83 tuổi cho biết điều đáng buồn đang xảy ra với bức tranh huyền thoại của mình: “Nó bị phai màu và hao mòn theo năm tháng, rồi sẽ sớm rách tả tơi”.
Theo chia sẻ của ông Chiba, với những bức tranh được vẽ trên giấy Kent, hầu hết các góc đều chuyển sang màu nâu do bị oxy hóa qua nhiều năm. Quá trình này không thể tránh khỏi ngay cả khi tác phẩm không tiếp xúc với không khí và được giữ trong môi trường khô ráo.
Một số thợ thủ công truyền thống đã bắt tay vào giải quyết vấn đề gây nhức nhối với mọi họa sĩ truyện tranh: sự xuống cấp theo thời gian của các bức vẽ gốc. Mục tiêu sau cùng của họ là bảo tồn manga trong nhiều thế kỷ trên giấy Washi, giống như những tài sản văn hóa ngàn năm được giữ gìn cẩn thận trong kho lưu trữ của chùa Todaiji ở Nara.
Bước vào hành trình bảo tồn gian nan
Các nghệ nhân tại Echizen, tỉnh Fukui, vùng đất của giấy Washi Echizen đã sử dụng các kỹ thuật truyền thống lâu đời của họ với hy vọng bảo tồn những bức vẽ manga ở trạng thái tốt nhất. Trong đó có ông Tamotsu Tanaka, 68 tuổi, một chủ cửa hàng đồ gỗ ở đây.
Mặc dù không làm trong ngành xuất bản Manga, nhưng ông Tanaka lại quan tâm đến vấn đề bảo tồn tranh vẽ, xuất phát từ cơ duyên quen biết với họa sĩ Chiba vào mùa hè năm 2020.
Ông Tanaka được một người quen ngỏ lời nhờ sản xuất bút chì cho họa sĩ. Chiba ưa chuộng những cây bút chì có kích thước hơi lớn nhưng lúc bấy giờ, việc tìm kiếm chúng không hề dễ dàng.
Sau nhiều lần chỉnh sửa, ông Tanaka đã tạo ra cây bút chì có đường kính 2cm từ gỗ cây Kuromoji (thuộc họ Nguyệt quế). Cây bút đã được chuyển đến cho Chiba, và họa sĩ nhận xét nó là “cây bút chì thần thánh”.
Cùng với bút chì chất lượng tốt, ông tiếp tục đặt hàng loại giấy bền hơn. Ông nói với ông Tanaka rằng: “Một số họa sĩ vẽ bằng công cụ kỹ thuật số nhưng điều quan trọng với chúng tôi – những họa sĩ truyện tranh vẫn là bút chì và giấy." Ông cũng đề cập đến việc bức vẽ “Ashita no Joe” bị hư hại và hỏi liệu có cách nào để cứu nó không.
Vì không sản xuất giấy, Tanaka đã tìm kiếm lời khuyên từ những người có chuyên môn. Masaki Sasao, 40 tuổi, cháu của ông Tanaka, hiện đang điều hành một công ty in ấn và Akihiro Obata, 62 tuổi, chủ tịch một xưởng sản xuất giấy tại Echizen đã cùng tham gia.
Nhiệm vụ cấp bách của họ trước mắt là sao chép các bức vẽ gốc. Ông Tanaka chia sẻ: “Không thể tránh khỏi việc các bức tranh gốc trên giấy Kent bị hư hại theo thời gian. Chúng tôi nghĩ điều quan trọng hơn cả là bắt đầu vẽ lại và bảo quản chúng”.
Nói về giấy vẽ, Tanaka đề xuất nên tận dụng loại giấy địa phương là Washi Echizen thay vì giấy Kent vốn dễ bị oxy hóa. Có một tài liệu bằng giấy Washi Echizen có niên đại gần 1.300 năm vẫn còn được lưu giữ tại kho Shosoin ở chùa Todaiji, tỉnh Nara. Điều này cho thấy loại giấy truyền thống của Nhật Bản có độ bền cao.
Giấy Washi Echizen làm từ vỏ cây Ganpi ban đầu chỉ có thể sản xuất thủ công thì nay đã được ông Obata sản xuất hàng loạt bằng máy móc. Những tờ giấy tinh tế làm từ vỏ cây Ganpi được kỳ vọng sẽ giúp lưu giữ các tác phẩm tranh vẽ lâu như những tài liệu ở chùa Todaiji.
Mặc dù giá của giấy Washi Echizen công nghiệp rẻ hơn so với loại thủ công, nhưng chất lượng rất đảm bảo khi có thể tồn tại hơn 500 năm. Màu sắc vẫn được thể hiện khá sinh động nên nó được xem là khá phù hợp để vẽ các bức manga màu.
Đã tìm được loại giấy chất lượng, bước tiếp theo, các cảnh trong bộ truyện tranh “Ashita no Joe” được vẽ lại. Cảnh cuối về Yabuki được sao chép trên ba tờ giấy khác nhau: giấy Ganpi vẽ lại bức tranh gốc bị hư hại, giấy Ganpi đã được loại bỏ dấu hiệu “lão hóa” của tranh gốc và giấy Ganpi công nghiệp tái hiện hoàn hảo tranh gốc. Một bức tranh màu với cảnh Yabuki đang tạo dáng cũng được vẽ lại trên giấy Washi công nghiệp này.
Vào tháng 10/2021, các bức vẽ gốc đã được chụp lại bằng camera có độ phân giải cao để chép lại trên giấy Washi.
Một công ty chuyên về sao chép các tài sản văn hóa đã hỗ trợ chép lại các bức vẽ manga huyền thoại vào đầu năm nay. Như vậy, những nét vẽ bằng bút chì của họa sĩ Chiba trên bức tranh gốc cùng tinh thần của họa sĩ đã được trao cuộc đời mới kéo dài hàng thế kỷ trên giấy Washi.
Loạt tranh chép cũng đã trở nên nổi tiếng khi được trưng bày tại một bảo tàng địa phương. Một trong số chúng còn được triển lãm tại một lễ hội nghệ thuật tại thành phố Praha, Tiệp Khắc.
Tuy nhiên, sao chép lại bản gốc chỉ nhằm mục đích lưu giữ các bảo sao chất lượng. Mặt khác, yêu cầu ban đầu của Chiba lại liên quan đến sự xuống cấp của các bức vẽ gốc.
Giấy Washi làm thủ công khó được sử dụng rộng rãi trong giới họa sĩ truyện tranh bởi giá khá đắt đỏ. Ông Chiba chỉ ra một bất lợi khác là việc sử dụng tẩy có thể làm cho giấy Washi bị hỏng, gây rắc rối cho các bức vẽ.
Hiểu được cái khó này, ông Tanaka và những người khác đang theo đuổi tiềm năng của giấy Washi công nghiệp. Họa sĩ Chiba, hiện vẫn làm việc cho một tạp chí, có nhiệm vụ kiểm tra chất lượng giấy Washi công nghiệp, và những điều chỉnh vẫn đang được tiến hành để tìm ra một loại giấy có độ bền cao hơn.
Ông bày tỏ mong đợi những bộ truyện của mình sẽ truyền lại được cho thế hệ sau, giống như “Choju Giga”, tác phẩm được xem là bộ truyện tranh lâu đời nhất Nhật Bản, đã tồn tại từ thế kỷ 12.
kilala.vn
19/12/2022
Bài: Rin
Nguồn: Asahi
Đăng nhập tài khoản để bình luận