Cuộc đời người đàn ông 29 năm ngồi tù oan được dựng thành phim
Bị ép cung, người đàn ông Nhật Bản đã phải chịu tội danh sát nhân và trải qua 29 năm trong ngục tù. Bộ phim tài liệu về cuộc đời người cựu tù nhận phán quyết sai nhưng vẫn hết mực yêu đời và không ngừng nỗ lực để đòi lại công lý sẽ là lời khích lệ sâu sắc đến những ai đang trải qua thời điểm khó khăn trong cuộc sống.
Dù phải ngồi sau song sắt suốt 29 năm với bản án sai, chưa bao giờ ông Shoji Sakurai, 75 tuổi, đánh mất đi tinh thần lạc quan của mình. Thậm chí ngay bây giờ, khi đang phải đối mặt với căn bệnh ung thư giai đoạn cuối, ông vẫn tận hưởng những ngày tháng cuối đời trong sự bình thản.
Câu chuyện về cuộc đời đầy thăng trầm của ông Sakurai đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhà làm phim Kim Sung Woong thực hiện bộ phim tài liệu mang tên “Ore no Kinenbi” (tựa tiếng Anh: My Anniversaries). Chủ đề phim xoay quanh vụ án kẻ sát nhân Fukawa nổi tiếng một thời ở tỉnh Ibaraki, khiến ông Sakurai phải chịu tội danh giết người.
Phim đã công chiếu tại Tokyo vào ngày 8/10 và tiếp tục trình chiếu ở Osaka, Aichi và nhiều tỉnh thành khác trên khắp nước Nhật trong tháng 10 này. Đặc biệt, đạo diễn Kim còn đang chuẩn bị phiên bản tiếng Anh của phim để tham dự các liên hoan phim ở nước ngoài.
29 năm chịu án oan sai
Trong bộ phim tài liệu “Ore no Kinenbi”, ông Sakurai miêu tả bản thân là “một phạm nhân oan sai hoạt bát và yêu ca hát”. Gần ba thập kỷ trong tù, ông đã sáng tác khoảng 200 bài thơ, 20 bài trong số đó đã được phổ nhạc và trình diễn tại buổi hòa nhạc gồm những bài thơ của các tù nhân. Những ca khúc do ông Sakurai thể hiện ấn tượng không kém ca sĩ chuyên nghiệp.
Lời bài thơ - bài hát “Anniversary” (cũng chính là tựa của bộ phim) mở đầu với ký ức về ngày Sakurai bị bắt giữ: “Đó là ngày 10/10/1967. Tôi vẫn còn nhớ hương thơm của quả ô liu được gió đêm mang đến. Chiếc còng tay thật lạnh lẽo vào lần đầu tiên tôi phải đeo nó”.
Ở tuổi 20, ông Sakurai cùng với người bạn Takao Sugiyama bị bắt vì bị tình nghi là hung thủ sát hại người thợ mộc. Nghe lời bạn rủ rê, Sakurai đã xông vào nạn nhân thợ mộc để thực hiện hành vị trộm cướp.
“Chúng tôi (khi ấy) là những gã trai trẻ chẳng suy tính gì về cuộc đời hay tương lai. Nhưng tôi chưa từng sát hại ai cả”, ông hồi tưởng. Tuy vậy, Sakurai đã bị ép cung và buộc phải nhận tội giết người dù thiếu chứng cứ xác thực.
Ông đã thực thi bản án chung thân kể từ năm 1978. Trước đó một năm, mẹ ông, người vẫn luôn tin rằng con trai sẽ được xóa tội, đã qua đời. Còn cha ông cũng ra đi vào năm 1992.
Trong thời gian thụ án oan tại nhà tù ở tỉnh Chiba, ông Sakurai đã quyết định “đưa cuộc đời mình đi theo hướng tích cực và vui tươi trong lúc tìm kiếm điều gì đó để giải khuây, vì biết rằng dù có khóc lóc hay la hét đi nữa thì cũng sẽ không được thả tự do”.
Kể từ đó, ông đã cống hiến hết mình cho các hoạt động tại nhà tù. Đồng thời thông qua thư từ, các bài thơ và nhật ký, ông nói lên sự thật rằng bản thân mình bị oan. Ông được trả tự do vào tháng 11/1996, khi ấy ông đã ở tuổi 49.
Thời gian ở tù ròng rã 29 năm khiến ông phải gánh chịu những đau khổ về tinh thần và cảm thấy khó khăn để có thể tái hòa nhập xã hội. Nhưng bằng tinh thần thép và sự lạc quan, ông đã kiên trì và chăm chỉ với công việc công nhân xây dựng, rồi gầy dựng tổ ấm cho riêng mình cùng người vợ Keiko vào năm 1999.
Ông đã đệ đơn kháng cáo yêu cầu tái thẩm hai lần. Cuộc tái thẩm bắt đầu vào năm 2005 và Sakurai đã được tuyên không có tội vào năm 2011. Vào tháng 8/2021, ông Sakurai đã thắng vụ kiện đòi phí bồi thường 74 triệu yên vì án oan sai.
Xem thêm: Cựu Yakuza trở thành tiểu thuyết gia sau khi ra tù
Cuộc gặp gỡ với đạo diễn Kim
Kim Sung Woong, vị đạo diễn của phim tài liệu về cuộc đời Sakurai - “Ore no Kinenbi” đã gặp cựu tù oan lần đầu tiên cách đây 12 năm, khi đang thực hiện bộ phim “Gokutomo” (tựa Anh: Prison Friends) kể lại câu chuyện của những người bị oan sai. Ông Kim bị thu hút trước tính cách lạc quan của Sakurai, người luôn tạo niềm vui cho người khác và sự quyết tâm vô cùng kiên định của ông.
Vào tháng 9/2019, khi biết được Sakurai mắc ung thư giai đoạn cuối, ông Kim đã vội vã đến nhà Sakurai với chiếc máy ảnh trên tay. Mặc dù bác sĩ thông báo rằng ông chỉ còn sống được một năm nữa, nhưng Sakurai lúc ấy không hề suy sụp tinh thần.
Ông chia sẻ với đạo diễn Kim rằng: “Sẽ thật vui nếu tôi được chữa khỏi. Nếu điều này không diễn ra, thì quá trình tiến triển bệnh nên được ghi lại chính xác”. Đạo diễn Kim khi ấy nhận thấy rằng, ông không chỉ có thể thuật lại chi tiết về trường hợp của Sakurai qua những thước phim, mà còn cả những bài học cuộc sống.
Trong “Ore no Kinenbi”, Sakurai đã giải thích rõ triết lý sống của mình. Khi ghé thăm lại nhà tù Chiba để ghi hình và nói chuyện trước ống kính tại cổng vào, ông bộc bạch: “Hiện tại, tôi cảm thấy hạnh phúc vì đã vào nhà tù này. Tôi có thể hoàn toàn tin tưởng vào lòng tốt của họ (những người đã ủng hộ tôi) kể từ khi tôi bị oan sai”.
Tại buổi ký tặng độc giả cùng thời điểm với lúc tập thơ của Sakurai được xuất bản, ông chia sẻ: “Không may mắn không có nghĩa là bất hạnh”. Nói về cuộc chiến với căn bệnh ung thư đại trực tràng, Sakurai cho biết: “Một cuộc sống chỉ có những điều tốt đẹp thì sẽ khá nhàm chán”.
Vào tháng 8 vừa qua, tại buổi chiếu thử “Ore no Kinenbi”, Sakurai đã chào hỏi khán giả và chia sẻ tình trạng sức khỏe hiện tại đang ở giai đoạn tệ nhất, nhưng ông không e sợ tử thần. “Tôi đã rất cố gắng vượt qua những điều vô nghĩa, tìm niềm vui và hài lòng với chúng. Tôi tự hào về những điều đó và không sợ hãi trước cái chết”.
Bản thân đạo diễn Kim cũng mong rằng câu chuyện của Sakurai sẽ mang đến hy vọng và truyền cảm hứng cho khán giả xem phim. Kim cho biết: “Quá khứ đau thương của Sakurai khiến công chúng thêm đồng cảm trước những lời động viên mà ông dành cho những ai đang tìm ánh sáng cho những phiên tái xét xử. Tôi nhìn thấy hy vọng qua bộ phim tài liệu này. Tôi hy vọng khán giả cũng có cùng cảm nhận như tôi”.
kilala.vn
19/10/2022
Bài: Rin
Nguồn: Asahi
Đăng nhập tài khoản để bình luận