Bijin-ga – Những mỹ nhân “sống” trong tranh
Trong thời kỳ Edo từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19, một thể loại tranh khắc gỗ gọi là ukiyo-e đã nổi lên. Và nằm trong số những chủ đề phổ biến nhất của thể loại này là các tác phẩm về những người phụ nữ đẹp, được gọi chung là tranh Bijin-ga.
Bijin-ga là gì?
"Bijin-ga - 美人画 - Mỹ Nhân Họa" là tranh miêu tả vẻ đẹp của những người phụ nữ. Đây là một trong những dòng tranh ukiyo-e được yêu thích nhất. Vào thời kỳ Edo, Bijin-ga đóng vai trò tương đương với một tạp chí thời trang ngày nay.
Bijin-ga phát triển từ thời Kanbun (1661-1673), bắt nguồn từ thể loại gọi là "Kanbun bijin" (Mỹ nhân của thời Kanbun). Trong đó phổ biến là những bức tranh cuộn miêu tả hình ảnh của những kỹ nữ, vũ công hoặc diễn viên Kabuki nam vào vai nữ. Điểm nhấn chính là trang phục, kiểu tóc, cách trang điểm và xu hướng thời trang mới nhất.
Vào năm 1765, mekura goyomi (một dạng lịch tranh) của họa sĩ Suzuki Harunobu được xuất bản. Đây là lần đầu tiên Bijin-ga được sản xuất dưới dạng màu.
“Nàng thơ” trong những bức tranh mỹ nhân
Tiêu chuẩn vẻ đẹp của thời kỳ Edo rất khác so với những gì chúng ta biết đến ngày nay. Vào thời đó, phụ nữ có khuôn mặt dài, thanh mảnh và đôi mắt hẹp, mỏng được coi là hấp dẫn.
Nếu để ý, bạn sẽ nhận ra rằng hầu hết khuôn mặt phụ nữ trong Bijin-ga đều giống nhau. Không có lời giải thích rõ ràng, nhưng tiêu chuẩn về cái đẹp vào thời điểm đó yêu cầu phụ nữ phải tránh thể hiện cảm xúc của mình và người ta cho rằng lý tưởng nhất là giữ khuôn mặt lạnh lùng, không để lộ răng khi cười.
Vì vậy, để mô tả hình dáng phụ nữ lý tưởng trong ukiyo-e, những người đẹp sẽ được phác họa với khuôn mặt ít thể hiện cảm xúc. Cũng do đó, sẽ không có quá nhiều sự khác biệt trong biểu cảm khuôn mặt của họ.
Phụ nữ trong Bijin-ga được minh họa là người có gu thẩm mỹ tinh tế, sống trong một thế giới không có chiến tranh, nghèo đói, bệnh tật. Ban đầu, chỉ có geisha, nghệ sĩ biểu diễn và quý tộc trong cung đình mới được miêu tả trên tranh Bijin-ga. Tuy nhiên sau đó, những phụ nữ bình thường cũng có thể trở thành nhân vật trong tranh.
Những đặc trưng của tranh Bijin-ga
Ngôn ngữ cơ thể
Điểm nổi bật của Bijin-ga là các bức chân dung không chỉ nắm bắt được các đặc điểm ngoại hình mà còn cả vẻ đẹp bên trong của nhân vật, nhấn mạnh vào những gì khiến họ trở nên hấp dẫn với tư cách là một phụ nữ.
Hãy chú ý đến những cử chỉ, hành động khi tạo kiểu với kimono. Những yếu tố biểu cảm này là điểm nhấn của chân dung, làm nổi bật sự quyến rũ và lộng lẫy của người mẫu.
Thời trang, kiểu tóc và phụ kiện tóc
Khi chiêm ngưỡng những bức tranh Bijin-ga, hãy chú ý đến trang phục cũng như kiểu tóc của các mỹ nhân trong tranh. Một trong những lý do khiến dòng tranh này được ưa chuộng là vì tính thẩm mỹ và thời trang.
Từ các bản in Bijin-ga, chúng ta có thể tìm hiểu về các thiết kế kimono, kiểu tóc phổ biến cũng như những phụ kiện trong thời kỳ Edo, đồng thời hiểu được các phong tục và cách cư xử của thời đại đó.
Bối cảnh của bức chân dung
Nếu nhìn vào toàn bộ bối cảnh mà nhân vật được đặt vào, bạn có thể tự mường tượng ra một câu chuyện. Người phụ nữ này đang ở trong hoàn cảnh nào? Cô ấy đang làm gì?
Trong trường hợp của Bijin-ga, các cảnh như một người phụ nữ đang trang điểm hoặc chải tóc thường được gợi ý thông qua việc miêu tả các phụ kiện, cử chỉ, ánh mắt và biểu cảm khuôn mặt. Nếu bạn có thể chú ý đến những chi tiết này, bạn có thể có được sự hiểu biết sâu sắc hơn về bức chân dung.
Tóc
Hãy chú ý cách minh họa mái tóc của phụ nữ trong Bijin-ga. Việc có mái tóc đẹp được coi là quan trọng vào thời đó.
Những sợi tóc mảnh dọc theo đường chân tóc, lông mi và tóc mai được thể hiện một cách khéo léo bằng bàn tay của người thợ chạm khắc gỗ Horishi (彫師).
Ngoài ra, các họa sĩ ukiyo-e thường sẽ điểm xuyết một sợi tóc lạc dọc theo đường chân tóc hoặc gáy. Kỹ thuật này cho phép mái tóc, cũng như biểu cảm của chính người phụ nữ trông tự nhiên hơn.
Những bậc thầy của dòng tranh Bijin-ga
Kitagawa Utamaro (喜多川歌麿)
Nếu biết đến Bijin-ga thì không ai không biết Kitagawa Utamaro - bậc thầy hàng đầu của thể loại này.
Utamaro không chỉ xuất sắc trong việc nắm bắt vẻ đẹp bên ngoài của phụ nữ mà còn cả sự tinh tế trong cảm xúc của họ. Ông đã miêu tả phụ nữ với sức hấp dẫn thể hiện ở sự thanh lịch và được xem là người tiên phong của tranh Bijin-ga.
Hầu như tất cả các tác phẩm của ông đều là chân dung phụ nữ, và hiếm có nghệ sĩ ukiyo-e nào cống hiến hết mình cho thể loại Bijin-ga nhiều như Utamaro. Tác phẩm nổi bật nhất trong sự nghiệp của ông là “Bijin okubi-e” (1790).
Vượt ra khỏi Nhật Bản, tranh của Utamaro đã đến châu Âu vào giữa thế kỷ XIX, rồi trở nên nổi tiếng, được đón nhận tại Pháp và có sức ảnh hưởng đến những họa sĩ theo trường phái Ấn tượng.
Keisai Eisen (渓斎英泉)
Eisen là một họa sĩ ukiyo-e nổi tiếng vào cuối thời kỳ Edo, ông cũng được biết đến với cái tên Ikeda Eisen hoặc bút danh Ippitsuan. Những người phụ nữ được miêu tả trong tác phẩm của ông có sự khác biệt, được đặc trưng bởi môi dưới dày, khuôn mặt dài và đôi mắt xếch nhìn sang trái hoặc phải.
Trong khi đường cong của phụ nữ được thể hiện đầy đủ qua dáng vẻ cong và khom lưng, thì thông qua biểu cảm khuôn mặt, những người phụ nữ này dường như tỏa ra sự quyến rũ nhưng đầy bí ẩn, tạo nên phong cách tranh độc đáo của Eisen.
Một sự thật thú vị là họa sĩ Van Gogh, một người nổi tiếng là đam mê ukiyo-e, đã tự tay tạo ra một bản sao bijin-ga của Eisen.
Utagawa Kunisada (歌川国貞)
Từ khi ra mắt trong thế giới ukiyo-e ở tuổi 22 cho đến khi qua đời ở tuổi 79, Utagawa Kunisada đã minh họa thực tế mọi khía cạnh của văn hóa Edo, bao gồm chân dung các diễn viên kabuki và phụ nữ đẹp.
Kunisada đã có một sự nghiệp nổi bật kéo dài năm thập kỷ, trong thời gian đó, các tác phẩm của ông cực kỳ phổ biến và được bán ra hàng nghìn bản, giúp ông trở thành họa sĩ ukiyo-e bán chạy nhất mọi thời đại. Lúc ấy, danh tiếng của ông vượt xa những người cùng thời như Hokusai, Hiroshige và Kuniyoshi.
Bijin-ga của Kunisada mô tả hình ảnh chân thực của phụ nữ thời bấy giờ, nổi tiếng với nét vẽ cực kỳ chi tiết.
Torii Kiyonaga (鳥居清長)
Torii Kiyonaga bắt đầu tập luyện vẽ tranh khi mới 14 tuổi. Nhiều tác phẩm vào thời kỳ đầu trong sự nghiệp của ông là các biển quảng cáo và tranh vẽ diễn viên Kabuki, dựa trên những chuyến thăm của ông đến các nhà hát kịch.
Sự nghiệp của ông có sự chuyển biến khi bắt đầu vẽ những bức tranh về phụ nữ đẹp. Những người phụ nữ trong tranh in của Kiyonaga thường được mô tả là cao lớn, trông đầy đặn và trưởng thành hơn.
Suzuki Harunobu (鈴木春信)
Suzuki Harunobu đóng vai trò then chốt trong việc phát minh ra nishiki-e, hay tranh khắc gỗ nhiều màu vào năm 1765. Những người đẹp được Harunobu miêu tả có phần quyến rũ xen lẫn dịu dàng, ngọt ngào và thanh tú.
Từ năm 1765 đến 1770, Harunobu đã sáng tác hơn hai mươi cuốn sách minh họa và hơn một nghìn bản in màu, cùng với một số bức tranh. Ông được coi là bậc thầy của ukiyo-e trong những năm cuối đời.
Tìm hiểu thêm về vẻ đẹp của phụ nữ Nhật Bản tại Chuyên đề Bijin.
kilala.vn
Đăng nhập tài khoản để bình luận